Thứ 4 | 02/08/2017
Lối sống của một cộng đồng người, một nhóm dân cư, một quốc gia, một dân tộc được hình thành và chịu ảnh hưởng của một loạt yếu tố trong đó điều kiện của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội có tác động trực diện và quyết định nhất. Lối sống là cách ứng xử của con người trước môi trường thiên nhiên và xã hội của họ. Nói một cách cụ thể hơn trước một môi trường thiên nhiên với địa hình, địa thế, khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, thủy văn… con người phải tìm ra cách ứng xử để bảo đảm cho mình một cuộc sống vật chất với các điều kiện ăn, mặc, ở, đi lại. Lối sống, nếp sống đề cập ở đây chủ yếu của người nông dân chiếm tỷ lệ 85% dân số tỉnh Phú Thọ.
          Người nông dân Phú Thọ cũng như người nông dân ở nhiều miền quê Việt Nam phải sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt nhiều yếu tố bất thường luôn luôn xảy ra. Trong điều kiện như vậy người nông dân trước đây duy trì một nền kinh tế tự cấp, tự túc với kỹ thuật lạc hậu, mùa vụ phụ thuộc vào thiên nhiên, năng suất thấp do vậy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Những điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối sống của người nông dân.
          Muốn duy trì cuộc sống bình yên trong một môi trường khác khắc nghiệt trong hoàn cảnh lao động thủ công và kỹ thuật cơ bắp, sở hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất nói chung còn nhỏ bé và manh mún, người nông dân hòa đồng với thiên nhiên nương theo thiên nhiên làm lợi cho mình. Qua nhiều năm nhiều thế hệ gắn bó với đồng ruộng, đồi gò làng quê của mình người nông dân ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tri thức về các đặc điểm thiên nhiên để ra sức khai thác mọi điều kiện tự nhiên từ môi trường cảnh quan ấy, kể cả những điều kiện bất lợi để xây dựng cho mình một cuộc sống thăng bằng điều này thể hiện trước hết ở việc chọn cây lương thực chủ đạo từ đó giải quyết một loạt vấn đề mà sự sinh trưởng của cây ấy, cũng như các đặc thù của cảnh quan  của từng điểm tụ cư đặt ra cho họ trên các mặt xây dựng hệ thống thủy lợi, phân loại đất đai, sử dụng công cụ lao động, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bố trí từng loại giống phù hợp với từng loại đất có thế đất, thế nước khác nhau…rồi dần dần có tổ chức thêm nghề phụ, các hoạt động trao đổi để có nguồn thu bù đắp vào khoảng trống mà cảnh quan tạo ra. Người nông dân chấp nhận thích nghi với điều kiện nghèo khổ, đề cao tiết kiệm. Họ quen sống với cuộc sống đạm bạc, bữa ăn của tuyệt đại đa số người lao động trước đây đều dựa trên nguồn lương thực, thực phẩm của nền kinh tế tự túc, tự cấp “thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”. Quen sống, quen chịu đựng với nghèo khổ, song người nông dân lại tìm cách để cải thiện đời sống của mình hoặc chí ít cũng là để khắc phục một phần khó khăn thiếu thốn đó. Dọ vậy họ luôn dự tính (lo toan) cho cuộc sống từ nhỏ đến lớn với ý thức trách nhiệm giữa thế hệ trước đến thế hệ sau, họ luôn đề cao tiết kiệm “được mùa chớ phụ ngô khoai”. Điều này đã ăn vào tiềm thức của người nông dân. Đây là một đức tính quý báu của họ. Một lối sống dựa vào kinh nghiệm nên tuổi tác và người già được đề cao. Sự đề cao kinh nghiệm là có cơ sở cho sự nảy sinh thái độ người hơn tuổi và người già trở thành một tục lệ được dân gian đúc kết là trọng lão.
          Một đặc điểm đáng quý trong lối sống truyền thống của người dân Phú Thọ là đề cao tính cộng đồng. Quan tâm giúp đỡ người khác, coi trọng tình làng nghĩa xóm, đề cao tinh thần đoàn kết và cố kết làng xã. Quan tâm đến việc công ích, tích cực đóng góp xây dựng làng xã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đối với làng với nước.
Tinh thần của lối sống trách nhiệm với cộng đồng được hình thành từ rất sớm ăn sâu vào máu thịt của người dân đất Tổ, được người dân chấp nhận một cách tự nhiên và được truyền từ đời này sang đời khác trở thành truyền thống quý báu. Một điều đáng chú ý trong lối sống truyền thống của người nông dân Phú Thọ là coi trọng, đề cao cái tâm, chữ tín, đạo đức và lễ nghĩa. Trong cách ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với các tổ chức trong làng xã được dựa trên cơ sở lòng tin với nhau, vì vậy trong nhiều trường hợp họ không cần giao kèo, khế ước. Trong làng người ta quá quen thuộc nhau “tối lửa tắt đèn có nhau” đã tạo nên một quan hệ làng xóm mang nét đặc thù, trong họ ngoài làng tin tưởng nhau không cần đến khế ước pháp luật. Vì thực chất đấy là quan hệ tình cảm, lòng tin với nhau và quan hệ văn hóa để giải quyết quan hệ về kinh tế, pháp luật, chuyển các quan hệ pháp luật sang quan hệ văn hóa, ứng xử theo tục lệ cũng là ứng xử theo đạo đức. Do đó trong lòng người ta chọn chữ tín, chỉ cần mất lòng tin với nhau là quan hệ giữa người với người bị rạn nứt.
Mặt tích cực và tiêu cực trong lối sống truyền thống của người dân Phú Thọ.
Trước hết nói về mặt tích cực: Thế ứng xử hòa đồng với thiên nhiên theo thiên nhiên để làm lợi cho mình giúp người nông dân tạo thế cân bằng sinh thái giữa các yếu tố cấu thành của từng khu vực với nhau, giữa con người với khu vực bao quanh. Chính điều này đã giúp cho người nông dân hàng ngàn năm trong điều kiện lao động thủ công lạc hậu trước tác động thiên nhiên đầy khắc nghiệt vẫn tồn tại được nghề trồng lúa nước - cơ sở của nền văn minh nông nghiệp Việt Nam.
Lối sống hòa đồng với thiên nhiên chính là bản sắc văn hóa của người Việt. Sự cân bằng giữa các yếu tố cảnh quan thiên thiên mà họ tạora được biến làng quê thành một cảnh quan sống hài hòa êm dịu, làm cho làng quê nào cũng có nét giống nhau dễ thương, dễ mến. Làng với lũy tre xanh, mái đình, cây đa, bến nước, cánh cò bay lả bay la trên cánh đồng lúa… đã hằn sâu vào tâm khảm của mỗi người nông dân, đã làm nảy sinh trong mỗi con người tình cảm keo sơn với quê hương làng xóm và nâng lên thành tình yêu đất nước. Đó cũng là động lực giúp họ và các thế hệ cháu con sẵn sang đổ máu hy sinh để giữ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.
Việc người nông dân chấp nhận là thích nghi với điều kiện nghèo khổ đề cao tiết kiệm cũng là một nét tích cực của truyền thống Việt Nam ổn định cuộc sống gia đình, chung sức chung lòng xây dựng quê hương làng xóm, ổn định cuộc sống làng xã. Lối sống tiết kiệm làm cho mọi người quý trọng sức lao động, quan trọng giá lao động của mình làm ra, lối tiết kiệm còn hình thành một ý thức và tinh thần trách nhiệm cao của các thế hệ, thế hệ đi trước luôn vun vén lo toan gây dựng cho thế hệ sau những điều tốt đẹp nhất trong khả năng cho phép, đó như một lẽ sống cao đẹp, một truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Lối sống vì cộng đồng đề cao cái tâm, chữ tín lòng hiếu nghĩa là truyền thống cực kỳ quý báu của người nông dân trong làng xã. Một sự tin nhau đối xử với nhau vì tình chứ không phải vì vật chất tiền bạc giữa những người cùng làng bản, còn trong gia đình thì “giọt máu đào hơn ao nước lã”, bố mẹ phải lo toan cho con cái và con cháu phải báo hiếu với bố mẹ, ông bà, anhem hòa thuận theo tinh thần “chị ngã em nâng” đã giúp đỡ người nông dân đoàn kết và cấu kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ nhau trong đời sống thường nhật để khắc phục mọi khó khăn, chung sức để xây dựng làng xóm. Tinh thần cộng đồng lòng chung thủy, lòng nhân nghĩa là những giá trị hằng số của đạo lý truyền thống Việt Nam.
Khẳng định mặt tích cực của lối sống truyền thống của người nông dân ta không quên rằng hầu hết những biểu hiện của lối sống đó đều mang tính hai mặt để lại cho làng xã và người nông dân những hậu quả tiêu cực nặng nề.
Trước hết, thế ứng xử hòa đồng với thiên nhiên làm cho con người luôn luôn thụ động và bất lực trước những diễn biến bất thường của thiên tai, con người không dám và không đủ điều kiện để khai thác thiên nhiên một cách mạnh mẽ chủ động. Do vậy họ không thể cải thiện căn bản đời sống của mình.
Đã từ bao đời người nông dân cứ “ơn trời mưa nắng phải thì” hoặc “trông trời trông đất trông mây” mỗi khi có lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh thì chỉ biết có “lạy giời”. Sự bất lực của con người trước thiên nhiên đã tạo điều kiện  để tệ mê tín dị đoan nảy nở và phát triển quan các lễ “cầu mưa”, “cầu đảo”, “đồng trùng” phiền phức và tốn kém bị giai cấp thống trị và những kẻ buôn thần bán thánh lợi dụng.
Lối sống tiết kiệm đến mức hà tiện đã vô hình làm cho người nông dân suốt đời sống kham khổ “nhịn ăn nhịn mặc”, thiếu dinh dưỡng trong khi lao động hết sức vất vả.
Phương thức “giữ của làm giàu” theo kiểu tiết kiệm hà tiện của người nông dân đã làm nảy sinh tâm lý e ngại không dám dùng đồng vốn của mình đầu tư sản xuất kinh doanh. Có thể nói trước đây người nông dân không có sự nhạy cảm đối với việc quay nhanh vốn trong sản xuất mà vẫn căn bản “tích cốc phòng cơ”.
Lối sống dựa vào kinh nghiệm, do đó tuổi tác của các bậc cao niên được coi trọng (chính là vì tích lũy được nhiều kinh nghiệm) có nhiều mặt trái mà trước hết nó làm cho người nông dân thỏa mãn với vốn tri thức kinh nghiệm coi kinh nghiệm là trên hết, là duy nhất nên dễ đến bảo thủ, ngăn cản việc áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Ở đây, cũng phải đề cập thêm khía cạnh tâm lý “sống lâu lên lão làng” tạo ra sự mất dân chủ, coi thường lớp trẻ trong làng xã. Đi cùng với nó là thái độ hưởng thụ “ăn trên ngồi trốc”, thói gia trưởng, hẹp hòi, nếu rơi vào tâm tính của người có quyền thì hậu quả hết sức tại hại.
Lối sống cộng đồng trong làng xã một mặt tạo nên những truyền thống quý báu cho người nông dân như đã phân tích song mặt trái của nó cũng để lại cho họ nhiều hạn chế. Trước hết họ phải co mình lại, mất tính chủ động sáng tạo của cá nhân, phó mặc số phận mình cho cộng đồng theo kiểu “chết một đống hơn sống một người”. Từ đó nảy sinh ra thói đố kỵ ghen ghét người tài, người có năng lực.
Thứ nữa phải nói đến nhiều lối sống cộng đồng nên việc của một cá nhân trong làng xã có nhiều người tham gia không tính đến hiệu quả kinh tế. Ví dụ, đám cưới trong làng thì phải cả làng đi ăn cỗ cưới, tương tự như vậy với đám tang. Trong làng xã nhiều khi vị thế, uy thế hoặc thậm chí chỉ vì miếng ăn mà hình thành những dư luận xấu của cộng đồng với cá nhân (ma chê, cưới trách).
Ngoài ra còn làm nảy sinh óc cục bộ làng xã từ tâm lý dòng họ và tâm lý làng dẫn đến khuynh hướng hoặc là móc ngoặc, dựa dẫm, bao che lẫn nhau, hoặc có hành động quá tay vì danh dự quyền lợi của cộng đồng (họ mình, làng mình) mà mù quáng lao vào những vụ kiện tranh chấp ẩu đả với dòng họ khác…
Lối sống theo luật tục không theo pháp luật ấy là một hạn chế lớn trong làng xã. Cho đến nay người dân ở nhiều làng quê vẫn chưa hiểu hoặc chỉ hiểu một cách mơ hồ về luật pháp nên dễ dẫn đến những hành động mùa quáng, gây ra một số tệ nạn xã hội đáng tiếc điều này có lý do vì chịu sự ảnh hưởng lối sống theo luật tục truyền thống để lại.
Trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá thì công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Có hiểu biết về pháp luật những điều nghiêm cấm để tránh, biết pháp luật để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp mà pháp luật bảo vệ. Từ việc nghiên cứu phong tục tập quán, lối sống truyền thống của các dân tộc, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh Phú Thọ chọn lọc những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của cha ông để chỉ đạo xây dựng hương ước, quy ước, kiên quyết gạt bỏ những phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, vận dụng những mặt tích cực của hương ước cũ. Tin rằng nếu chúng ta vận dụng tốt những bài học về kinh nghiệm quản lý làng xã trước đây cùng với tinh thần dân chủ, ý thức quyết tâm xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chúng ta sẽ sớm đưa cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến đích mong muốn./.

Trần Văn Quang - Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ PT “TDĐKXDĐSVH”
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com