Thứ 4 | 12/10/2016
Kể từ ngày Chính phủ chính thức phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” 12/4/2000, tại phố cổ Hội An - tỉnh Quảng Nam, hơn 15 năm trôi qua, phong trào liên tục có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều nội dung đã đi sâu vào cuộc sống. Thực tiễn đã chứng minh phong trào chính là một chủ trương lớn hết sức đúng đắn trong chiến lược xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, nhằm tạo dựng một môi trường văn hoá lành mạnh để thực sự đưa văn hoá trở thành động lực đồng thời là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Phong trào đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường văn hoá lành mạnh; góp phần ổn định tình hình chính trị ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, tạo ra bầu không khí dân chủ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế -  xã hội phát triển theo hướng bền vững và ổn định.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là một phong trào thi đua rộng lớn, có tính chất bao trùm lên tất cả các nội dung của xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Đây là sự gắn kết chặt chẽ giữa ý Đảng và lòng dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Cùng với các tỉnh thành trong cả nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở tỉnh Phú Thọ đã làm chuyển biến nhận thức trong cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể đến đông đảo các tầng lớp nhân dân; công tác tuyên truyền vận động được tiến hành khá đồng bộ đã khẳng định ý nghĩa vai trò và tầm quan trọng của phong trào đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; phong trào thực sự tạo được động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt phong trào đã huy động được đông đảo lực lượng xã hội tích cực đóng góp các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá , xây dựng các tụ điểm sinh hoạt văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ sáng tạo văn hoá của nhân dân.
Đến nay toàn tỉnh có 87,6% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá tăng 38,6% so với năm 2000; có 86,6% khu dân cư được các cấp công nhận danh hiệu văn hoá tăng 16,6% so với năm 2000; có 2.434 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị văn hoá” và danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Toàn tỉnh hiện có 31% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 19,5 % so với năm 2000), tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25,4% (tăng 20,1% so với năm 2000); hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, nâng cấp, xây dựng mới đặc biệt có 100% số khu dân cư có nhà văn hoá tăng trên 80% so với năm 2000; nhiều tấm gương gia đình văn hoá tiêu biểu, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, khu dân cư văn hoá tiêu biểu xuất sắc đã xuất hiện, có tác dụng nêu gương tốt trong cộng đồng. Năm 2015, toàn tỉnh đã có 2.562 gương người tốt, việc tốt tiêu biểu cho các tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình như: Bà Cù Thị Hoà khu 6 xã Tây Cốc - Đoan Hùng trong 15 năm gia đình bà và dòng họ đã ủng hộ trên 3,5 tỷ đồng cho các công trình phúc lợi ở địa phương, ngoài ra còn đóng góp cho các phong trào nhân đạo từ thiện, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trên 150 triệu đồng; gia đình ông Vũ Đình Bình ở xã Hưng Long - Yên Lập làm kinh tế trang trại với thu nhập 1 tỷ đồng/năm tạo nhiều việc làm cho nhân dân địa phương; gia đình ông Hán Văn Sách xã Gia Thanh - Phù Ninh hiến trên 3.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn; gia đình ông Điêu Văn Thoả phố Đoàn Kết - phường Thọ Sơn - TP. Việt Trì có 4 thế hệ cùng chung sống tiêu biểu cho phong trào “Ông bà mẫu mực - con cháu thảo hiền”; gia đình ông Đinh Công Đào dân tộc Mường khu Đông Thịnh - xã Yên Lãng - Thanh Sơn là gia đình văn hoá tiêu biểu nhiều năm liền.
 
Ông Đinh Công Đào thường xuyên nhắc nhở con cháu về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc
Ảnh: Khánh Trang
 
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội có bước chuyển biến rõ nét, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi ở các địa phương trong các cơ quan đơn vị. Việc cưới theo nếp sống văn minh về cơ bản được tổ chức với tinh thần trang trọng, không phô trương hình thức, giảm được các hiện tượng tiêu cực, gọn nhẹ, khách mời chủ yếu trong phạm vi gia đình, anh em bạn bè thân thích. Đã xây dựng được các mô hình, cách làm hay với các hình thức: tổ chức tiệc trà, dùng hình thức báo hỷ, một số đám cưới được chi đoàn thanh niên đứng ra tổ chức gọn nhẹ không phô trương, vừa tiết kiệm được thời gian và tiền của mà vẫn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi. Tính đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 108.997 đám cưới trong đó: 108.891 đám cưới thực hiện đúng nếp sống văn hóa văn minh, đảm bảo đúng thời gian quy định, không phô trương hình thức. Còn 106 đám vi phạm nếp như: tảo hôn, tổ chức không đúng thời gian quy định, phô trương hình thức... Việc tang hiện nay đã giảm được các thủ tục rườm rà, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.Việc tổ chức ăn uống trong thời gian tang lễ chỉ thực hiện trong phạm vi nội bộ gia đình, họ tộc. Nhiều gia đình tang chủ đã thực hiện việc hỏa táng người chết thay cho việc chôn cất theo nghi thức truyền thống. Theo thống kê của các huyện, thành, thị  từ năm 2006 đến hết năm 2015 toàn tỉnh có 54.085 đám tang trong đó: có 53.937 đám thực hiện theo nếp sống văn minh, 148 đám vi phạm (rải vàng mã, tiền Việt Nam đồng trên đường đưa tang,...), 5.117 đám thực hiện hình thức hỏa táng thay cho địa táng (các đám hỏa táng chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và các huyện như: TP. Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy…); Việc mừng thọ đã được các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức với hình thức trang trọng, ý nghĩa, tiết kiệm, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán tại nhà văn hoá xã hoặc nhà văn hoá khu dân cư...
Trong 15 năm qua, không chỉ có ngành Văn hoá chủ động bám sát phong trào  mà các ngành thành viên khác của Ban chỉ đạo như Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cũng tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” sau này là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Uỷ ban MTTQ phát động, phong trào xây dựng cơ quan đơn vị văn hoá do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, cuộc vận động thanh niên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, phong trào xây dựng làng Văn hoá - sức khoẻ của ngành Y tế chủ trì... đã thực sự có bước chuyển mới cả về chất và lượng trong đời sống văn hoá cơ sở. Phong trào đã góp một phần rất tích cực khơi dậy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc trong lối sống, nếp sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm giữa gia đình và cộng đồng, góp phần ổn định tình hình chính trị, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo bầu không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân.
Nhìn chung, Phong trào đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống văn hoá tinh thần ở nông thôn. Cuộc sống của người dân trong các khu dân cư ngày càng ổn định và từng bước phát triển, có môi trường cảnh quan sạch đẹp. Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng, làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, truyền thống đạo lý dân tộc “Lá lành đùm lá rách”, lối ứng xử nhân ái, tình làng nghĩa xóm “Tối lửa tắt đèn có nhau” được phát huy. Điều này đã góp phần tích cực tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực sự trở thành một nhân tố không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Đồng chí Bùi Minh Châu – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH và cuộc vận động
thực hiện nếp sống  văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. 
Ảnh: Trọng Bằng

 
Bên cạnh đó, phong trào còn một số tồn tại, hạn chế như: Phong trào tuy có sự phát triển diện rộng và chiều sâu nhưng sự phát triển lại không đều ở địa phương. Một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu, số xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá kiêm hội trường mới đạt 89,4%. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc lồng ghép xây dựng làng văn hoá sức khoẻ kết quả chưa cao, tỷ lệ người sinh con thứ 3 có giai đoạn vẫn còn cao; Sự phối hợp giữa các ngành thành viên Ban chỉ đạo phong trào nhiều khi chưa đồng bộ, còn chồng chéo; công tác kiểm tra đôn đốc cơ sở chưa được một số thành viên trong Ban chỉ đạo quan tâm đúng mức, chưa dành quỹ thời gian thoả đáng cho công tác chỉ đạo, đôn đốc phong trào; Còn có cấp uỷ Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của Phong trào và Cuộc vận động, ở một số địa phương quy trình bình xét công nhận làng, khu dân cư, gia đình văn hoá chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, còn chạy theo thành tích; Việc chỉ đạo, đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hoá khu dân cư còn hạn chế, dẫn đến tình trạng kéo dài; Công tác thi đua khen thưởng chưa kịp thời, việc nhân rộng và tuyên truyền về điển hình tiên tiến trong phong trào chưa được nhiều.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, để Phong trào và Cuộc vận động ngày càng phát triển, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần gắn nội dung của Phong trào và Cuộc vận động vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương, lấy kết quả triển khai phong trào làm một trong những căn cứ để bình xét thi đua hàng năm đối với hoạt động của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; Không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng khu dân cư văn hoá; Việc tổ chức bình xét, công nhận làng, khu dân cư văn hoá đúng quy định, quy trình, không chạy theo bệnh thành tích, chú trọng đến chất lượng của phong trào. Bên cạnh việc xây dựng khu dân cư văn hoá phải luôn chú trọng xây dựng gia đình văn hoá, phát triển gia đình bền vững; làm tốt việc phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện luật Bình đẳng giới, tổ chức tốt các hoạt động của Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Gia đình văn hoá”…; Đẩy mạnh công tác xã hội hoá huy động các nguồn lực còn tiềm ẩn trong nhân dân, đóng góp xây dựng thiết chế văn hoá, thông tin và thể thao. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhà văn hoá khu dân cư, tăng cường giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tạo cơ hội cho người dân chủ động tham gia vào quá trình sáng tạo và hưởng thụ sản phẩm văn hoá chính tại quê hương mình; Chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch lồng ghép nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua khác. Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện cần nghiên cứu, bổ sung xây dựng một số tiêu chí có xem xét đến đến đặc điểm vùng, miền cho phù hợp, mang tính khả thi cao; Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết Phong trào và Cuộc vận động, rút kinh nghiệm nhân rộng các điển hình tiên tiến, có hình thức thi đua khen thưởng kịp thời đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phát huy các kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện tin rằng Phong trào và Cuộc vận động những năm tới tiếp tục có bước phát triển mới, nhiều nội dung có sức lan toả trong cộng đồng, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn góp phần xây dựng quê hương Phú Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Trần Văn Quang
            Chánh VP Ban chỉ đạo PT “TDĐKXDĐSVH”
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com