Thứ 3 | 29/10/2024

baophutho.vnTư tưởng của Bác Hồ về phòng, chống lãng phí đã có từ rất sớm. Trong phần mở đầu của cuốn Đường Kách mệnh (1927), Bác nhấn mạnh tư cách của người cách mệnh: “Tự mình phải cần, kiệm”. Trong quan điểm của Hồ Chủ tịch, lãng phí có nghĩa là trái với tiết kiệm: Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là: “Xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu... Tiết kiệm cốt để giúp vào tǎng gia sản xuất, mà tǎng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và Nhân dân...”
Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của tệ lãng phí cũng được Hồ Chủ tịch chỉ ra rất rõ, đó là chủ nghĩa cá nhân. Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ngày 03/02/1969, Người nhắc nhở cán bộ Đảng viên: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa”. Chủ nghĩa cá nhân là đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, chỉ muốn vơ vét làm lợi cho bản thân, còn công việc chung thì lười nhác, đùn đẩy.
Theo Bác, thì lãng phí là một trong những tệ điển hình làm tổn thất không nhỏ công sức và tài sản của Nhân dân. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của Nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy...”.
Bác nhấn mạnh: Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ giặc nội xâm nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ. Đặc biệt, ngay trong Di chúc (1969), về việc riêng của bản thân, Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
Với việc “nói đi đôi với làm”, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nếp sống thanh bạch và giản dị của một người hết lòng vì dân, vì nước.

Kế tiếp tư tưởng của Hồ Chủ tịch về phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong các cuộc nói chuyện, làm việc, nhiều lần cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vấn nạn này. Tổng Bí thư từng nhấn mạnh: Tham nhũng, lãng phí là vấn đề nhức nhối, bức xúc, từ lâu đã được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm; khi đã có quyền mà không kiểm soát thì dễ sinh ra hư hỏng. Theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng là một bệnh, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm, nhiều khi lãng phí còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, hình thức chủ nghĩa...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và các Nghị quyết của Đảng đang được tập trung thực hiện, chính là nhằm chống cho được lợi ích nhóm, hiện tượng cục bộ, hư hỏng, suy thoái trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... Tổng Bí thư khẳng định: Đảng, Nhà nước ta quyết tâm chống cho được nạn tham nhũng, lãng phí, bao gồm cả phòng và chống với nhiều biện pháp, cả xây dựng luật, nghị định, các quy định, quy chế làm việc...

Đặc biệt, phải quản lý từ gốc và ngay khi phát hiện tham nhũng thì phải xử lý nghiêm... Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có lòng tin và quyết tâm cao... Và quyết tâm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cụ thể hoá bằng việc nhiều vụ án lớn được đem ra xét xử, nhiều cán bộ cao cấp phải đứng trước vành móng ngựa vì đã không rèn luyện, tu dưỡng, tự diễn biến, tự chuyển hoá, sa vào thoái hoá biến chất mà tham nhũng, lãng phí, gây tổn thất vô cùng to lớn cho đất nước, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước...

Trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm mới đây, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh: “Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: “ Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức”.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”.

Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến 4 giải pháp quan trọng để phòng chống lãng phí, trong đó giải pháp thứ 4 có ý nghĩ quan trọng, đó là: “Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật”.

Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm để xây dựng đất nước là nhiệm vụ rất thiết thực và cực kỳ quan trọng, được Đảng và Nhà nước kêu gọi thường xuyên, cụ thể hoá bằng các văn bản và chỉ đạo của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Tiết kiệm chính là chống lãng phí và ngược lại. Nếu mỗi cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức, cơ quan công sở... thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất, coi đây là văn hoá công sở đồng thởi tích cực xây dựng các điển hình về thực hành chống lãng phí, tiết kiệm và nhân diện mô hình thì sẽ mang lại nguồn lực kinh tế cực kỳ to lớn để xây dựng đất nước và có ý nghĩa thiết thực. Bên cạnh đó, bằng việc biến chống lãng phí thành văn hoá, sẽ dần hình thành thói quen và việc xây dựng ý thức tự thân của mỗi cá nhân. Và khi đó, công tác phòng, chống lãng phí mới đạt được kết quả như mong muốn!
Minh Tự
Dẫn nguồn: 
Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com