Chủ nhật | 28/07/2024

baophutho.vn Khu vực biên giới là “phên giậu” Tổ quốc, có vị trí chiến lược, quan trọng, nhất là về quốc phòng- an ninh. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan tâm đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Thực hiện chủ trương của Đảng, từ tháng 8/1998, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai tăng cường cán bộ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Theo đó, mỗi xã biên giới thuộc diện này được tăng cường một cán bộ Biên phòng trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn.

Trung tá Trần Minh Phương (người ngoài cùng bên trái) và Nhân dân xã Má Lé gìn giữ nghề thêu giày và may quần áo truyền thống của người dân tộc Giáy.

Má Lé - vùng bình yên giữa cao nguyên đá

Trên cung đường đến cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, có một điểm đến khá đặc biệt đó là xã Má Lé. Nơi đây được biết đến là một trong những làng cổ ở Hà Giang vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, bảo tồn trọn vẹn giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo của cộng đồng người dân tộc Giáy.

Những ngôi nhà cổ khoảng 200 năm tuổi nằm giữa bốn bề núi đá, mái ngói âm dương cùng nếp nhà trình tường phủ đầy rêu, nhuốm màu thời gian; không gian được bảo tồn, lưu giữ gần như nguyên vẹn là những giá trị văn hóa quý giá. Dưới mái hiên, người phụ nữ Giáy miệt mài thêu những đôi giày hoa tinh xảo để lại ấn tượng sâu sắc cho bất kỳ ai ghé thăm.

Tuy nhiên, Má Lé là một trong những xã vùng biên khó khăn nhất của huyện Đồng Văn và của tỉnh Hà Giang. Người dân Má Lé đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm 85% dân số toàn xã.

Cán bộ Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Lũng Cú hỗ trợ Nhân dân trồng rau bắp cải chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao.

Má Lé có 12 thôn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, trời nắng thì thiếu nước sản xuất, khô hạn; mùa mưa thì giông sét, sạt lở đất, đá đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nông lâm nghiệp của Nhân dân địa phương. Cả xã chỉ có 2 thôn có thể trồng cấy lúa 2 vụ còn cơ bản trồng 1 vụ ngô, 1 vụ lúa xen kẽ cây rau đậu.

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của nhiều dịch bệnh, chuỗi cung ứng khó khăn dẫn đến giá vật tư đầu vào tăng cao, giá nông sản của bà con giảm mạnh đã gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hải - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: Đồng Văn là huyện miền núi diện tích cơ bản là đá, thiếu đất canh tác. Những năm trước, đường sá đi lại khó khăn, từ xã xuống các khu chủ yếu là đi bộ. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, hiện nay đã có đường bê tông đến tận các thôn. Tuy nhiên, người dân chủ yếu vẫn cuốc đất, trồng cây, màu trên các hốc đá. Đời sống Nhân dân khó khăn, tình trạng trẻ em bỏ học vẫn còn xảy ra.

Xuất phát từ tình hình thực tế của địa bàn biên giới và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành các Nghị quyết về việc cử cán bộ tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới. Theo đó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã lựa chọn, cử 34 đồng chí cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy 34 xã, thị trấn biên giới/7 huyện biên giới của tỉnh Hà Giang.

Đời sống được nâng cao, bà con Nhân dân xã Má Lé phấn khởi, tin tưởng và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong đó có Trung tá Trần Minh Phương - Cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Lũng Cú - một người con của quê hương Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ về tăng cường, giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Má Lé.

Về tăng cường tại xã Má Lé từ tháng 1/2007, suốt 17 năm, Trung tá Trần Minh Phương đã “ba bám, bốn cùng” với bà con địa phương (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào và bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách) để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về hoạt động công tác Đảng, xây dựng củng cố chính trị cơ sở, tham gia phát triển KT-XH tại địa phương.

Một đôi vai - hai trọng trách

Từ khi có cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy ở địa phương, Má Lé đã có những đổi thay tích cực. Trong đó, Trung tá Trần Minh Phương - người giữ hai trọng trách đã trực tiếp tuyên truyền, chuyển tải các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho Nhân dân; tham gia củng cố hệ thống chính trị, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu cho bà con dân tộc.

Trung tá Trần Minh Phương cùng đồng đội xuống các thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, đồng chí đã tham mưu với Đảng ủy xã xây dựng và thực hiện Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo bảo vệ chủ quyền biên giới và công tác QP-AN trên địa bàn, tập trung vào các nhiệm vụ: Bảo vệ chủ quyền biên giới; ký kết quy chế phối hợp giữa Đồn Biên phòng và Đảng ủy xã trong thực hiện công tác chính trị tại địa phương. Tham mưu xây dựng các tổ tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới với sự tham gia của các lực lượng dân quân, công an viên và một số chi hội đoàn thể thôn.

Tích cực xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền rà soát, xây dựng, đề nghị huyện cử cán bộ địa phương đi đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu như trước đây, cán bộ xã chỉ học hết THCS thì nay 90% có trình độ chuyên môn Đại học và Trung cấp LLCT. Cán bộ thôn (bí thư chi bộ và trưởng thôn) trình độ học vấn thấp nhất cũng là tốt nghiệp THCS; còn 65% có trình độ THPT. Công tác phát triển Đảng cũng được quan tâm đặc biệt, nếu năm 2007 toàn xã chỉ có 80 đảng viên thì nay đã lên tới 255 đảng viên.

Trong phát triển kinh tế, đồng chí đã tuyên truyền vận động bà con cải tạo vườn tạp để trồng gừng, cây dược liệu, rau vụ đông nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng khâu đột phá về phát triển nguyên liệu, hình thành làng nghề miến dong, làng nghề truyền thống nấu rượu ngô; duy trì diện tích lúa đặc sản Khẩu Mang và phát triển thành sản phẩm hàng hóa; phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản gắn với trồng và chế biến cỏ làm thức ăn cho gia súc...

Với một số thôn thiếu nước sản xuất, Trung tá Trần Minh Phương tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng các đường kênh mương dẫn nước tự chảy từ trên đầu nguồn về tưới tiêu cho ruộng. Đồng thời, xây bể và các téc nước bằng nhựa cho Nhân dân trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất...

Bên cạnh đó, mở thêm hướng đi mới về phát triển du lịch địa phương, xây dựng làng Má Lé thành Làng văn hóa du lịch tiêu biểu, được UBND tỉnh Hà Giang công nhận năm 2020, đang tiến tới đề nghị công nhận lần 2 vào tháng 10/2024. Nhờ đó, đời sống của Nhân dân ngày càng tăng cao. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ khoảng 7 triệu đồng/năm, thì đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 25 triệu đồng/năm.

Trung tá Trần Minh Phương tham mưu với lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ chủ quyền biên giới và phát triển kinh tế.

Đồng chí Vàng Mí Cấu - Bí thư Đảng ủy xã Má Lé cho biết: Từ khi về công tác tại địa phương, Trung tá Trần Minh Phương luôn hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ được giao, được cấp trên đánh giá cao, Nhân dân yêu quý, tín nhiệm. Đồng chí cũng có nhiều sáng kiến trong bảo vệ đường biên, cột mốc, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ và phát triển kinh tế tại địa phương. Má Lé giờ đây đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới!

Với những kết quả đạt được, Trung tá Trần Minh Phương 2 lần được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng cho các xã biên giới; 2 lần nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền; được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng Huy hiệu Vì sự phát triển tỉnh Hà Giang; Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; từ năm 2008 đến nay, liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt, năm 2022, đồng chí được Chủ tịch nước tặng Huy chương Quân kỳ Quyết thắng vì đã có thời gian 25 năm phục vụ liên tục trong lực lượng vũ trang Nhân dân, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; được tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

Trung tá Hà Văn Đô - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay có 32/34 xã, thị trấn biên giới của tỉnh vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cán bộ tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới. Hầu hết đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường xã luôn nhận thức đúng vị trí, vai trò, chức trách, các mối quan hệ công tác, làm tốt công tác tham mưu và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tin tưởng, tín nhiệm; luôn là cầu nối giữa cán bộ chiến sĩ đơn vị với cấp ủy chính quyền và Nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới. Trong đó, Trung tá Trần Minh Phương là cán bộ bộ đội tăng cường được đánh giá cao về tinh thần, trách nhiệm tại địa phương.
Dẫn nguồn: Kỳ II: Màu áo xanh giữa đại ngàn biên giới (baophutho.vn)

 

 

 

 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com