Thứ 5 | 24/03/2016
 Từ ngàn xưa, sự học luôn được ông cha ta coi trọng với vị trí người thầy luôn nâng cao và tôn trọng. Ngày nay, sự học không chỉ được thực hiện trên lớp học, thầy truyền đạt kiến thức cho trò mà còn được mở rộng ra bởi sự tự học, tự tìm tòi sáng tạo của bản thân mỗi người. Điểm số không phải là mục tiêu cuối cùng của sự học mà chính là kiến thức. Kiến thức là nền tảng vững chắc giúp bản thân mỗi chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trở ngại trong công việc và mở rộng thêm tầm hiểu biết. Ai ai cũng cần phải học, học từ trẻ đến già, học từ nhà đến trường và học cả ở những người xung quanh. Chính vì thế, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là hướng đến tất yếu của quá trình đào tạo.
“Xây dựng xã hội học tập” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện đổi mới tư duy về giáo dục theo tư tưởng “Học tập thường xuyên, học tập suốt đời”. Những năm qua, Phú Thọ luôn được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện tốt phong trào thi đua khuyến học trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Qua đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài của địa phương.
Phú Thọ là vùng đất có truyền thống hiếu học, việc gắn xây dựng Gia đình, Dòng họ, Khu dân cư văn hoá với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như nhận được sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự nỗ lực cố gắng của Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh, đặc biệt là Hội Khuyến học tỉnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trao hoa cho một học sinh trong sự kiện của Quỹ Khuyến học Khuyến tài đất Tổ. (Ảnh: www.lienvietpostbank.com.vn)
 
Nhiều năm qua, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng các văn bản hướng dẫn các địa phương về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới trong đó chú trọng việc xây dựng gia đình văn hoá, dòng họ văn hoá gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Các tiêu chí nêu trong hướng dẫn xây dựng gia đình văn hoá, quy ước khu dân cư văn hoá nói rõ điều này. Năm 2011 trong văn bản số 09/SVHTTDL-NSVH ngày 15/11/2011 về hướng dẫn nội dung bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” và tương đương. Tại tiết 3.1 tiêu chuẩn 3: tổ chức, lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng xuất chất lượng hiệu quả đã nêu rõ: “Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học”; tại tiết 2.6 tiêu chuẩn 2: Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú của khu dân cư có nêu “100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học trở lên” có phong trào khuyến học, khuyến tài. Từ các tiêu chí trên chúng ta thấy rất rõ mối quan hệ giữa gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học với xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, khu dân cư văn hóa. Đây là các phong trào thi đua được lồng ghép với cuộc vận động lớn xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; xây dựng xã hội học tập. Các địa phương, cơ quan đơn vị đều lập được quỹ khuyến học, các con em thi đỗ vào các trường đại học, đạt học sinh giỏi đều được nhận phần thưởng khuyến học. Nhiều gia đình, dòng họ có quỹ khen thưởng khuyến học, khuyến tài được sử dụng để động viên con cháu. Đây là niềm vui là động lực để tiếp thêm lòng nhiệt tình hăng say cống hiến của thế hệ trẻ và của cả lớp người cao niên có chí tiến thủ trong việc không ngừng tự học tập nâng cao tầm hiểu biết.
Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Đến nay đã có 87,6% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 86,6% làng, khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa; 477 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Nhìn tổng thể trong các nội dung, tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; trong xây dựng hương ước, quy ước văn hóa đều có nội dung về  khuyến học. Hiện nay thực tế ở các dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đều xây dựng và thành lập được quỹ khuyến học. Đây chính là yếu tố quan trọng, cần thiết để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng tiến tới xây dựng xã hội học tập theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Làm tốt công tác khuyến học cũng chính là tạo động lực tinh thần thúc đẩy cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Suy rộng ra xây dựng đời sống văn hoá cơ sở rất cần có nhiều phong trào thi đua trong đó có thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ tác động tương hỗ rất hiệu quả. Trong năm 2015, toàn tỉnh có 129.367 Gia đình hiếu học/139.205 gia đình đăng ký (đạt 92,9%); 1.357 Dòng họ hiếu học/1.514 dòng họ đăng ký (đạt 89,6%); 2.433 cộng đồng khuyến học/2.674 cộng đồng đăng ký (đạt 90,9%); 245 gia đình đạt gia đình học tập/245 gia đình đăng ký (đạt 100%)…
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ cũng được Sở quan tâm chỉ đạo. Trong hai năm 2014 và 2015, Sở đã tổ chức gần 45 cuộc triển lãm, trưng bày với trên 50.000 tư liệu có nội dung phong phú tuyên truyền cho các sự kiện chính trị, văn hóa, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn trong năm; Tổ chức chương trình “Hái hoa đọc sách” trong khuân khổ Hội báo Xuân hàng năm; Tổ chức 02 chương trình tọa đàm nhằm tôn vinh “Văn hóa đọc” trong cộng đồng: “Sách và văn hóa đọc” và “Sách văn học dành cho thiếu nhi” được phát sóng trên chuyên mục văn hóa của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ; Tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường và xã hội" và giới thiệu cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, do diễn giả - Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trình bày, tại nhà Văn hóa Lao động tỉnh, thu hút gần 2.000 Lượt bạn đọc tới tham dự và tra tìm thông tin; Tổ chức thành công Hội thi chung kết “Thiếu nhi Đất Tổ kể chuyện, tuyên truyền, giới thiệu sách - Hè” các năm tại nhà Văn hóa Lao động tỉnh với sự tham gia của 13/13 đơn vị huyện, thành, thị; Hưởng ứng“Tuần lễ học tập suốt đời năm 2015”; thực hiện dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” ( gọi tắt là Dự án BMGF) do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ nhằm nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin thông qua máy tính và Internet cho các thư viện công cộng và điểm bưu điện văn hóa xã với tầm nhìn mới. Thông qua những công nghệ hiện đại, người dân, đặc biệt là những người nghèo và những người sống ở vùng khó khăn có cơ hội được tiếp cận thông tin, học tập góp phần rút ngắn khoảng cách hưởng thụ thông tin giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Dự án được triển khai dự án tại 45 điểm bưu điện văn hóa xã, 1 thư viện tỉnh, 12 thư viện huyện và 15 thư viện xã với tổng số 460 máy tính có kết nối mạng, 73 máy in và các thiết bị ngoại vi. Vốn đối ứng từ ngân sách của UBND tỉnh cho các điểm thư viện công cộng là 1,9 tỷ đồng; các điểm bưu điện văn hóa xã sử dụng kinh phí đối ứng là 2,25 tỷ đồng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Đến nay, dự án đã hoàn thành đi vào khai thác đã thu hút được hang nghìn lượt người đến truy cập đều đặn hằng ngày với phương thức miễn phí 100% khi đến sử dụng Internet tại các điểm thư viện công cộng, giảm 50% giá cước truy nhập Internet tại các điểm bưu điện văn hóa xã của dự án, tại Thư viện tỉnh và các điểm được đầu tư đã tổ chức Ngày Hội Internet trong chương trình truyền thông vận động nhân dân sử dụng thư viện phục vụ cho “Học tập suốt đời” thu hút gần hang nghìn bạn đọc là lãnh đạo, cán bộ và học sinh, sinh viên tới tham dự, tra cứu thông tin và truy nhập Internet, được các cấp lãnh đạo và bạn đọc đánh giá cao về các hoạt động của thư viện; Tham gia 02 cuộc Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách với chủ đề "Việt Nam - Đất nước, con người" do vụ thư viện tổ chức: Vòng sơ khảo tại TP Bắc Ninh đạt giải Xuất sắc được chọn tham gia vòng chung kết toàn quốc tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi kết quả đạt giải Nhất toàn đoàn; Tổ chức cấp thẻ thư viện ưu đãi cho bạn đọc nhân dịp: Ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4); tháng “Hành động vì trẻ em Thú Thọ” và ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6); Tuần lễ học tập suốt đời; Xây dựng các trạm sách vệ tinh trên địa bàn TP Việt Trì, tạo điều kiện cho việc học tập và nghiên cứu; Phối hợp Sở Thông tin, truyền thông tổ chức ngày “Hội Sách Đất Tổ - 2015" nhân Ngày Sách Việt Nam (21/4) và Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4): Tham gia gian trưng bày với gần 1.500 tư liệu…

Hàng năm, dòng họ Cao Bắc Trong - xã Cao Xá - huyện Lâm Thao tổ chức đăng ký xây dựng dòng họ văn hóa
 
Đối với các hoạt động giáo dục, học tập tại Bảo tàng Hùng Vương, trong năm 2015, Sở chỉ đạo Bảo tàng tổ chức 05 cuộc trưng bày chuyên đề: Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày quốc phòng toàn dân, Hội báo xuân, Dấu ấn mùa thu lịch sử, Đảng cộng sản Việt Nam đại hội và thành quả , thu hút trên 12 nghìn lượt khách tham quan.
Trong 2 năm 2014 và 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn Hát Xoan Phú Thọ cho các đối tượng là ban chủ nhiệm CLB hát Xoan và dân ca Phú Thọ đã được Sở công nhận. Tại các huyện cũng tổ chức mở lớp học hát Xoan tại huyện, điển hình như huyện Thanh Thủy mở 02 lớp, huyện Cẩm Khê mở 01 lớp... Bên cạnh đó các CLB thường xuyên sinh hoạt, truyền dạy những bài hát đã được học tại các lớp tập huấn và qua tài liệu, băng đĩa do Sở VHTT&DL cung cấp cho các thành viên trong CLB, tổ chức giao lưu giữa các CLB, tổ chức lễ kết nghĩa giữa CLB với phường Xoan gốc (CLB hát Xoan và dân ca Phú Thọ xã Bảo Yên huyện Thanh Thủy tổ chức lễ kết nghĩa với phường Xoan An Thái, xã Kim Đức, TP. Việt Trì)... Qua hoạt động của CLB xuất hiện các điển hình tích cực trong việc học tập suốt đời, hăng hái tích cực xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ xây dựng và duy trì hoạt động của các CLB gắn với sinh hoạt của nhà văn hóa làng, bản, khu dân cư do vậy thu hút ngày nhiều đến sinh hoạt, hoạt động tại cộng đồng.
Tuy đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng để duy trì và tiếp tục việc gắn xây dựng Gia đình, Dòng họ, Khu dân cư văn hoá với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những năm tới thì các cấp ủy, đảng, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm hơn và có các giải pháp tích cực như:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý về văn hóa các cấp nghiên cứu, chỉ đạo hướng dẫn các dòng họ thực hiện tốt những yêu cầu trong việc xây dựng dòng họ văn hóa bảo đảm nguyên tắc tuân thủ luật pháp, bảo đảm việc đoàn kết giữa các dòng họ, giữa các gia đình trong mỗi dòng họ.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các thành viên gia đình trong họ chấp hành và thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định và phong trào thi đua, gương mẫu thực hiện tốt quy ước văn hóa của xã, hương ước của làng, khu dân cư ở tất cả các địa phương có các thành viên trong dòng họ nơi cư trú và quy ước xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa mà đã tham gia thảo luận và thống nhất.
Thứ ba, hội đồng gia tộc, trưởng các chi, nhánh thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi công việc chung của dòng họ; kịp thời theo dõi, nhắc nhở, uốn nắn mọi cá nhân, gia đình trong dòng họ có tư tưởng lệch lạc, trái với truyền thống, đạo lý của dòng họ và trái với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khơi dậy truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học, nề nếp gia phong, kỷ cương phép nước và khắc phục những tồn tại hạn chế của dòng họ trong thời gian qua.
Thứ tư, phát động nhiều phong trào thi đua như: xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ; hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Thứ năm, triển khai nhân rộng các mô hình gia đình học tập, dòng học học tập, cộng đồng học tập.
Thứ sáu, cần tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương khen thưởng với nhiều hình thức tôn vinh cá nhân, dòng họ khuyến học tiêu biểu.
Việc triển khai xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các lứa tuổi, trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, làm nền tảng vững chắc, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng xã hội học tập”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội./. 
Vũ Trường Thành
Phó Giám đốc Sở VHTT& DL Phú Thọ
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com