Thứ 2 | 18/08/2014

Văn hoá con người bắt đầu từ gia đình và mang dấu ấn của văn hoá gia đình. Nói đến văn hoá gia đình Việt Nam nói chung, Phú Thọ - Đất Tổ nói riêng là nói đến tín ngưỡng tôn giáo, hoặc về một khía cạnh thiêng liêng bí ẩn nào đó mà người ta hay nhắc đến tâm linh (đời sống tâm linh, văn hoá tâm linh). Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm…). Trong đời sống con người, ngoài mặt hiện hữu còn có mặt tâm linh. Về mặt cá nhân đã như vậy thì về mặt cộng đồng (gia đình, làng xã, dân tộc) cũng như vậy.

Con người sở dĩ trở thành con người, một phần căn bản là do nó có đời sống tâm linh. Nghĩa là tuân theo những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng liêng, cái bí ẩn, những giá trị tạo thành đời sống tâm linh của nó.
 


Ảnh minh họa

Nền văn hoá truyền thống của người Việt nói chung, của người dân Phú Thọ nói riêng được xây dựng trên cơ sở lấy lao động trồng lúa nước làm nền tảng, các quan hệ từ Nhà đến Dòng Họ, đến Làng và Nước theo một chuẩn mực đạo đức mà mỗi nhân cách đều gắn chặt với cộng đồng. Vai trò chính của gia đình là tái sản xuất ra con người, ra sức lao động, gìn giữ sự phát triển lâu bền cho xã hội bằng sự duy trì văn hoá trong quan hệ huyết tộc.

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, gia đình là một cơ chế văn hoá nền tảng, là một cơ chế ổn định (các dòng họ có thể biến đổi liên tục). Có gia đình thì có Làng và Nước. Chức năng của cơ chế văn hoá gia đình là hoà hợp các giòng máu khác lạ của hai giới khác nhau tạo nên văn hoá của dòng họ, của Làng đến Nước bằng rất nhiều cơ chế văn hoá: lưu giữ các giá trị của các thế hệ trước, của cộng đồng; kế thừa tài sản; thờ cúng những người đã có công giáo dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ; truyền kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm sống; tạo các nguồn dinh dưỡng mới cho xã hội; góp thêm các giá trị văn hoá mới cho Làng và Nước…

Truyền thống yêu nước của người dân Phú Thọ được bắt nguồn từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Người Phú Thọ gắn nước với nhà, gắn người với mình. Yêu gia đình gắn với yêu quê hương, làng xóm; yêu người gắn với yêu mình với tinh thần “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Người ta có thể “bán anh em xa” để “mua láng giềng gần” , “tối lửa tắt đèn có nhau”, “cháy nhà hàng xóm” không “bình chân như vại”. Nhiều người sống xả thân để giúp đỡ người khác (xả thân thành nhân). Khi Tổ quốc có giặc ngoại xâm, mọi gia đình tự nguyện gửi con ra tiền tuyến… Có thể nói, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống yêu nước của người dân Phú Thọ được bắt nguồn từ mỗi gia đình, từ văn hoá gia đình.

Một giá trị văn hoá truyền thống nữa của người dân Phú Thọ là tinh thần hiếu học. Tinh thần đó có cơ sở bền vững từ mỗi gia đình. Người dân Phú Thọ luôn luôn mong ước: con cái có dăm ba chữ để thành người. Một thực tế là dù công việc gia đình bận rộn, dù phải “bán mặt cho đất”, “bán lưng cho trời” vẫn dành dụm để nuôi con ăn học. Nhiều gia đình nghèo đói, thiếu thốn đủ đường, từ chân đất áo vá đã thành các gia đình khoa bảng, đóng góp cho xã hội những nhân cách văn hoá được nhiều người biết đến.
 


Ảnh minh họa

Trong nền văn hoá truyền thống Việt, giai cấp phong kiến coi cả xã hội là một gia đình mở rộng, do đó họ rất chú ý đến gia đình. Họ đã thiết chế các chuẩn mực xã hội rất chặt chẽ bắt đầu từ gia đình và từ gia đình mở rộng đến dòng họ. Con cái lớn khi dựng vợ gả chồng phải xem tông, xem giống, phải môn đăng hộ đối. Khi cưới hỏi mọi sự quyết định đều do cha mẹ, ông bà quyết định và phải đảm bảo mọi nề nếp, gia phong, mọi thủ tục hôn lễ. Gia đình trong nền văn hoá truyền thống bị kìm kẹp bởi một hệ thống các chuẩn mực về dòng họ, về thế hệ, về giới tính, về nghề nghiệp. Song thiếu vắng hẳn một hệ chuẩn cơ bản là tình yêu giới tính và sự dân chủ trong các quan hệ huyết tộc. Kiểu gia đình trong nền văn hoá truyền thống là kiểu gia đình gia trưởng, kiểu gia đình tuân thủ các cơ sở tư tưởng của Nho giáo, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, vợ phải chung thuỷ với chồng, em phải phục tùng anh, con gái lúc chưa lấy chồng phải nghe lời bố, lúc đi lấy chồng phải nghe lời chồng, chồng chết phải nghe lời con trai.

Gia đình gia trưởng là kiểu gia đình ưu tiên lớn nhất cho người đàn ông và thiệt thòi vô tận cho người đàn bà. Ph.Angghen cho rằng: “Với gia đình gia trưởng người vợ trở thành người đầy tớ chính và không được tham gia nền sản xuất xã hội”. Người phụ nữ trong gia đình gia trưởng biến thành chiếc máy đẻ, và nếu không sinh được con trai, chỉ sinh con gái thì người đàn ông lại lấy thêm người đàn bà khác để tìm người nối dõi bởi lẽ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.

Sự bất bình đẳng nam nữ đưa đến địa vị độc tôn của nam giới trong thiết chế gia đình truyền thống. Từ thiết chế đó, trên lĩnh vực giáo dục gia đình, tính chất bất bình đẳng nam nữ thể hiện ở nhiều bình diện: lực lượng chủ trì giáo dục, đối tượng giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục. Sự độc chiếm đó xuất phát từ quan điểm phân biệt nam nữ trên lĩnh vực khả năng (trí tuệ, tài năng). Như vậy có thể kết luận rằng: trong gia đình, xã hội truyền thống chủ yếu người mẹ giữ vị trí chức năng sinh học “bản năng làm mẹ”; cũng như trẻ thơ, người phụ nữ xưa kia không được chấp nhận như một nhân cách, họ phải tiếp nhận sự giáo dục từ phía nam giới, người cha và người chồng.

Gia đình truyền thống ở Phú Thọ cũng nằm trong dòng chảy chung của gia đình Việt Nam truyền thống, người phụ nữ không thể là một lực lượng chủ trì giáo dục trong gia đình truyền thống.

Đầu thế kỷ XX khi hệ tư tưởng tư sản vào Việt Nam, gia đình trong các thành phố bắt đầu được chuyển động. Một cuộc đấu tranh giữa gia đình cũ và gia đình mới bắt đầu. Kiểu gia đình đặt trên cơ sở tình yêu được nhen nhóm và xuất hiện những gia đình mới.

Những bi kịch về gia đình trong nền văn hoá truyền thống bắt đầu đổi mới ở Việt Nam, ở Phú Thọ cũng nằm trong vòng xoáy đó nhưng mới chỉ là một đốm lửa trong một cánh rừng ngút ngàn. Gia đình mới xuất hiện trong nền văn hoá truyền thống những năm 30 của thế kỷ trước là những gia đình công chức tiểu tư sản, gia đình nhà giáo ở tỉnh lỵ và gia đình các thương gia, chủ doanh nghiệp. Trong những gia đình mới này tự do hôn nhân được mở rộng hơn đôi chút, một số phụ nữ đã giành được quyền chọn người mình yêu. Tuy vậy, đây vẫn là những kiểu gia đình quá độ, có sự đấu tranh với hệ thống gia đình cũ. Lực lượng mới này vẫn bị những thế hệ trước theo hệ gia đình gia trưởng ràng buộc. Nhiều gia đình đã rơi vào bi kịch.

Bi kịch mới trong gia đình đã xuất hiện trong cuộc đấu tranh giữa ý thức hệ phong kiến và ý thức hệ tư sản bắt đầu manh nha trong nền văn hoá truyền thống. Nguyên nhân của những bi kịch ấy trước hết phải tìm ở sự giải phóng người phụ nữ ra khỏi những tập tục, những thành kiến ngàn năm của hệ gia đình gia trưởng. Nguyên nhân sâu xa hơn và cơ bản hơn có lẽ là do nền kinh tế tự cấp, tự túc.

Cuộc đấu tranh chống lại các bi kịch gia đình trong nền văn hoá truyền thống những năm 30 của thế kỷ trước xoay quanh việc giải quyết mâu thuẫn giữa sự tham gia hoạt động kinh tế – xã hội để tự kiếm sống, vun đắp cho kinh tế với nghĩa vụ gia đình của người phụ nữ. Những điều kiện xã hội lúc ấy, vai trò của người đàn ông vẫn có ý nghĩa quyết định trong việc thu nhập ở mỗi gia đình. Vì lẽ đó, các nhân tố gia trưởng vẫn còn thống trị rất mạnh trong hệ thống gia đình, mặc dầu nền văn hoá truyền thống đã bước đầu có một số dấu hiệu canh tân. Tác động của hệ tư tưởng tư sản vào sự canh tân nền văn hoá truyền thống không sâu rộng. ở vùng nông thôn rộng lớn, hệ tư tưởng tư sản vẫn không phá vỡ được cơ cấu gia đình gia trưởng và do tính chất non kém, lạc hậu của nó cho nên nó ít có tác động cải tạo cơ cấu gia đình gia trưởng.

Vào đầu thế kỷ trước, hệ tư tưởng Mác – Lê nin đã đến Việt Nam. Những tư tưởng quan trọng về việc hình thành một kiểu gia đình mới của Mác, ăng ghen, Lênin đã được Đảng ta áp dụng vào thực tiễn nền văn hoá Việt Nam. Coi gia đình là một tế bào xã hội, coi phụ nữ có thiên chức to lớn cả đối với xã hội và gia đình. Đảng ta chủ trương xoá bỏ kiểu gia đình gia trưởng, xây dựng gia đình một vợ một chồng, phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong cả gia đình và xã hội. Sự bình đẳng này được đạo đức và pháp luật của Nhà nước bảo trợ. Có thể nói bộ mặt, tính chất, cơ cấu gia đình Việt Nam nói chung, Phú Thọ nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một chuyển biến rất sâu sắc…Tuy nhiên, do cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh dân tộc cùng với cuộc chiến tranh ở nước ta kéo dài đã kéo theo những đảo lộn khôn lường về văn hoá xã hội. Đình, chùa, làng mạc, các di tích văn hoá bị chiến tranh tàn phá, gia đình li tán. Sự xoá bỏ áp bức bóc lột giai cấp tàn khốc có những sai sót đã dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, về văn hoá gia đình; sự huy động nhân dân tham gia xây dựng chế độ mới với mô hình hợp quần với làng, xã “Hợp quần”; với phong trào Hợp tác hoá - có những lúc, có những việc làm ấu trĩ đã phá vỡ gia đình; tổ đổi công hầu như thay thế gia đình; việc chống mê tín dị đoan tả khuynh dẫn đến việc thờ cúng tổ tiên, việc hương khói trên các mồ mả, thăm viếng nghĩa trang, việc giữ gìn các nền nếp gia đình cũng rơi vào quên lãng. Hệ thống gia đình, nền tảng của làng, xã; văn hoá gia đình, nền tảng của tâm linh mỹ học của văn hoá dân tộc có sự phân rã.

Những năm gần đây, Đảng ta thực hiện nền kinh tế thị trường và mở cửa trong sự biến động của thế giới.

Trong thời đại hiện nay, đại công nghiệp đã trở thành “mặt bằng” của đời sống trên phạm vi toàn thế giới. Thay đổi “mặt bằng” tiểu nông bằng đại công nghiệp là sự kiện cơ bản nhất, sâu sắc nhất, triệt để nhất chưa hề có trong đời sống và trong tư duy. Sự biến đổi ấy tạo ra sự phát triển xã hội, đồng thời cũng nổi cộm lên vấn đề gia đình. Nỗi bất hạnh của con người, của mỗi gia đình bộc lộ ra ngày càng rõ. Đặc biệt là ở các gia đình quan chức và các gia đình chạy theo đồng tiền một cách bất chính, nỗi bất hạnh lại càng lớn. Cuộc khủng hoảng về gia đình ở thành thị, ở các khu công nghiệp, ven đô nhiều hơn ở làng quê. Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng của thiết chế gia đình hiện nay nhiều người tìm về những chuyển động lớn lao của cái mặt bằng xã hội đang được đổi thay với sự khởi động bằng kinh tế thị trường chứ không bằng những lời ta thán về con cái thời nay hư hỏng so với thời xưa và đạo đức đang suy đồi, tàn tạ…

Những giải pháp cho vấn đề gia đình và văn hoá gia đình không thể dừng lại ở những ý niệm có sẵn đã trở thành chuẩn mực của một thời như “thiện kế”, “thiện thuật” và “vô cải” (nối tiếp, làm theo và không bao giờ thay đổi) theo nghiêm lệnh của ông, cha bằng con đường “sử”, “sự” (sai khiến, phục tùng) một chiều. Những ý niệm có sẵn ấy vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu khi 80% dân số vẫn sinh hoạt ở nông thôn với cái căn tính tiểu nông.

Văn hoá gia đình trong nền văn hoá truyền thống ở Phú Thọ có một sự tương tác lẫn nhau giữa văn hoá hiện đại và văn hoá truyền thống tạo ra những cơ cấu xã hội chính trị và sử dụng ảnh hưởng của nó đến sự phát triển kinh tế và cuộc sống gia đình.

Văn hoá gia đình trong nền văn hoá truyền thống ở Phú Thọ gắn với văn hoá tâm linh. Nội dung quan trọng của nó là niềm tin, là cái thiêng liêng cao cả.

Dương Huy Thiện

Hội viên Hội VNDG Việt Nam


 

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com