Thứ 6 | 30/03/2018
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Tổng số toàn tỉnh hiện có 243 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Thông qua các hoạt động của mô hình PCBLGĐ đặc biệt là hoạt động của các CLB đã tuyên truyền phổ biến cho hội viên các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.
Tỉnh Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi, diện tích tự nhiên trên 3.500km2, dân số trên 1,3 triệu người, 277 xã, phường, thị trấn; 2887 khu dân cư (trong đó: 212 xã miền núi; 07 xã vùng cao; 43 xã và 190 thôn bản đặc biệt khó khăn); có trên 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số là 212.688 người, chiếm 16% dân số toàn tỉnh; có 373.642 hộ gia đình. Nét văn hóa đặc trưng cơ bản của các gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính truyền thống, ít thay đổi, các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống, có thể chung sống từ 3 thế hệ trở lên: ông bà- cha mẹ- con cái mà người ta quen gọi là “tam, tứ, ngũ đại đồng đường”. Đây là kiểu gia đình khá phổ biến và tập trung nhiều ở vùng nông thôn.
Trong những năm gần đây tình hình BLGĐ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, số vụ bạo lực gia đình đã được giảm. Năm 2016, thông qua công tác kiểm tra các vấn đề liên quan đến công tác gia đình, việc thực hiện luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh  các hành vi vi phạm được ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật; trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 260 vụ bạo lực gia đình, trong đó thành thị 20 vụ, nông thôn 240 vụ; nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ; hình thức bạo lực xảy ra chủ yếu là bạo lực thể chất  (215 vụ) và bạo lực tinh thần (34 vụ) , đã xử phạt hành chính 24 vụ, 4 vụ áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc , 7 vụ áp dụng biện pháp giáo dục. Năm 2017 giảm còn 138 vụ bạo lực gia đình (khu vực thành thị giảm còn 13 vụ, khu vực nông thôn giảm còn 125 vụ).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành đã tích cực tham mưu, triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm đẩy lùi tình trạng BLGĐ. Sở VHTTDL đã tham mưu, triển khai lồng ghép nhân rộng mô hình hoạt động phòng chống bạo lực gia đình trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu cháu thảo hiền”, đưa tiêu chí phòng chống bạo lực gia đình làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm. Bên cạnh đó việc lồng ghép nội dung mô hình PCBLGĐ vào hoạt động của các thiết chế văn hóa được thực hiện từ tỉnh tới cơ sở, qua hệ thống các phương tiện thông tin, tuyên truyền và hệ thống thư viện từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tuyên truyền về các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội, xâm hại trẻ em, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thi phổ biến kiến thức, kinh nghiệm PCBLGĐ, các tiêu chuẩn về gia đình văn hóa, các chính sách liên quan đến xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; tuyên truyền, vận động đưa các vấn đề bình đẳng giới, phòng PBLGĐ xây dựng gia đình văn hóa vào hương ước, quy ước của các khu dân cư.
Năm 2015 và 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng  mô hình điểm tại 2 xã: Hương Cần (Thanh Sơn) và Thanh Nga (Cẩm Khê), hỗ trợ trang thiết bị cho mỗi mô hình điểm trị giá hơn 70 triệu đồng. Từ 2 mô hình trên, đến nay từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng và nhân rộng được166 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.Thông qua mô hình PCBLGĐ, các vụ bạo lực đã được kịp thời can thiệp, xử lý thành công bằng các biện pháp chủ yếu góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư và hòa giải tại gia đình.
Góp phần lớn trong công tác PCBLGĐ, Hội LHPN tỉnh cũng đã tích cực triển khai nhiều mô hình đạt hiệu quả như: câu lạc bộ xây dựng “Gia đình hạnh phúc”, tổ phụ nữ “Không sinh con thứ 3”, nhóm lồng ghép “Tín dụng tiết kiệm và tuyên truyền thay đổi hành vi về dân số/sức khỏe sinh sản;“Tổ phụ nữ không có người liên quan đến ma túy, vi phạm pháp luật” và “tổ phụ nữ vận động chồng con người thân đi cai nghiện và không tái nghiện”,  mô hình phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS”, “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”… Trong đó điển hình là mô hình “Ngôi nhà bình yên”; “Phòng tham vấn” tại Hội LHPN tỉnh; mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, tổ hoà giải ở các khu dân cư và các Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc.
Qua các mô hình công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về bạo lực gia đình, luật phòng, chống bạo lực gia đình, luật bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình, cách ứng xử xây dựng gia đình hạnh phúc. Thông qua các buổi hội nghị, tọa đàm, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, Chi/tổ hội, giao lưu văn nghệ, thể thao sinh hoạt cộng đồng, hội thi.. Chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực gia đình: Mọi thành viên trong gia đình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm; không có bạo lực gia đình. Thực hiện tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và can thiệp, bảo vệ giúp nạn nhân bị BLGĐ ổn định cuộc sống.
Các chi, tổ hội đã tổ chức các buổi sinh hoạt lồng ghép tuyên truyền cho hội viên phụ nữ về kỹ năng ứng xử, xây dựng lối sống văn hoá trong gia đình, vận động các thành viên trong gia đình nâng cao vai trò trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình nhất là các gia đình thuộc nhóm có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình. Với các nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực, nhiều mô hình ở các cấp được triển khai cũng thu hút được cả những đối tượng là nam giới tích cực sinh hoạt, tư vấn, trao đổi kinh nghiệm về nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, những trường hợp đang có mâu thuẫn, xung đột được các thành viên chung tay tìm hướng giải quyết. Theo điều tra, khảo sát hiện nay trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội đã xây dựng được 175 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh những hiệu quả tích cực đã đạt được, công tác nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn những tồn tại, hạn chế: công tác triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở còn chậm, chưa đảm bảo được yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Một số CLB sinh hoạt chưa đều, chưa hút được đông đảo thành viên tham gia. Năng lực điều hành hoạt động của một số chủ nhiệm còn hạn chế. Chưa phát huy được những kinh nghiệm, vốn kiến thức và sự tham gia tích cực của các hội viên tham gia sinh hoạt CLB.
Nguồn kinh phí chi hàng năm cho công tác PCBLGĐ còn hạn hẹp. Công tác xã hội hóa hoạt động của các CLB chưa được quan tâm, phần lớn các CLB không có nguồn hỗ trợ thêm mà chỉ trông chờ ở nguồn kinh phí được hỗ trợ của Nhà nước; đội ngũ làm công tác gia đình cấp huyện, đặc biệt là cấp cơ sở chưa được đào tạo chuyên sâu, còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác.
Để củng cố và phát triển mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đi vào hoạt động có hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ trong thời gian tới cần: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình, thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác gia đình. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện công tác gia đình. Các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình thông qua các hình thức hoạt động phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, các loại hình câu lạc bộ, tổ hòa giải và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác gia đình các cấp, xây dựng các đề án cụ thể để thực hiện công tác xã hội  hóa gia đình. Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế. Lồng ghép các chương trình và đẩy mạnh hợp tác để phát triển kinh tế gia đình. Phối hợp thực hiện có hiệu quả mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống tệ nạn xã hội…Từng bước tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được các kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Nâng cao chất lượng và mở rộng các cơ sở phúc lợi xã hội, giúp đỡ chăm sóc, nuôi dưỡng người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật, trẻ em nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn./.
 
Tranh cổ động tuyên truyền PCBLGĐ (Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở)
                                                          
Dương Tiến Khoa

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com