Đặng ĐìnhThuận
Hội Di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ
Cách ngày nay 75 năm, ngày 25 tháng 8 năm 1945 là ngày kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn tỉnh Phú Thọ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Thọ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã nhất tề xông lên đập tan bộ máy đô hộ của thực dân Pháp trên 60 năm và ách thống trị của địa chủ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng từ các huyện, thị đến tỉnh lỵ lãnh đạo nhân dân trong tỉnh củng cố và xây dựng chính quyền nhân dân còn rất non trẻ, trứng nước, từng bước thiết lập chế độ xã hội mới - chế độ dân chủ cộng hòa, chống lại âm mưu phá hoại của bọn "thù trong, giặc ngoài" bảo vệ thành quả Cách mạng vừa giành được.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc Cách mạng " long trời, lở đất" trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân Phú Thọ nói riêng. Từ thân phận nô lệ, nghèo đói, nhân dân ta đã bước lên vị trí làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ cùng đồng bào cả nước được sống trong bầu trời độc lập tự do, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) tiến hành công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ rất tự hào về trang sử vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương đóng góp vào thắng lợi huy hoàng của cách mạng tháng 8 năm 1945 và các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời thông qua cuộc cách mạng đã đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho cả quá trình tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiến tới thống nhất non sông về một mối trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đó là bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ đảng viên kiên trung, bất khuất, có phẩm chất và năng lực tiếp thu và vận dụng thực hiện sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng vào thực tế của địa phương khắc phục sự hạn chế về số lượng đảng viên và sự hạn chế về tổ chức cơ sở đảng trong những ngày tiền khởi nghĩa, nhưng vẫn tạo nên sức mạnh lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đứng lên giành chính quyền ở các địa phương, cùng phong trào cả nước tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên sự thành công của cuộc cách mạng. Khi cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ tuy còn rất non trẻ, mới chỉ 5 tuổi từ sau ngày thành lập (1940- 1945), nhưng đã nhanh chóng trưởng thành và bắt nhịp cùng sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trên phạm vi cả nước. Trung ương Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Bắc Kỳ đã thường xuyên tăng cường cán bộ đảng viên có năng lực về đảng bộ tỉnh Phú Thọ, trong suốt 5 năm, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ luôn được cấp trên bổ sung cán bộ đảng viên có năng lực về tham gia Ban cán sự để lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng bộ đã tổ chức lực lượng và lãnh đạo quần chúng đấu tranh vô cùng gian khổ, ác liệt dưới sự áp bức của hai đế quốc Pháp - Nhật, mặc dù có lúc cơ sở đảng và đảng viên bị địch bắt tù đày và bắn giết, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh. Nhưng các đảng viên còn lại vẫn không nao núng tinh thần, vẫn bám sát cơ sở và tìm mọi cách gây dựng phong trào, phát triển lực lượng quần chúng cách mạng vũ trang cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 25 tháng 8 năm 1945 tại thị xã Phú Thọ.
Đó là bài học về chú trọng vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với lực lượng vũ trang, bán vũ trang trong quần chúng nhân dân mạnh về số lượng và chất lượng chính trị là nhân tố quan trọng đảm bảo khởi nghĩa thắng lợi. Lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong thời kỳ tiền khởi nghĩa được thành lập ở nhiều cơ sở với số lượng khá đông đảo, nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và phát triển các đội du kích ở ba chiến khu: Chiến khu Vạn Thắng, chiến khu Vần và chiến khu Hiền Lương, đồng thời với việc thành lập các đội tự vệ diệtt ác, trừ gian ở khắp các huyện, thị đã uy hiếp và làm cho bọn Nhật và chính quyền tay sai hết sức lo sợ và lực lượng vũ trang này đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại các huyện Phù Ninh, Hạ Hòa, Cẩm khê, Thanh Sơn... và góp phần đắc lực cho cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi trên địa bàn thị xã Phú Thọ - thủ phủ của tỉnh Phú Thọ. Trong suốt thời gian xây dựng và thành lập, Đảng bộ tỉnh đã coi trọng đưa đảng viên vào lãnh đạo từng căn cứ du kích, từng đơn vị vũ trang ngay từ ngày đầu thành lập và trong suốt thời kỳ chuẩn bị và tiến hành tổng khởi nghĩa của cách mạng tháng Tám. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về xây dựng lực lượng vũ trang trước, trong và sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công.
Đó là bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi trong mặt trận Việt Minh nhằm mục tiêu khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện nghị quyết Trung ương lần thứ Tám về thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng cứu quốc. Ngay từ cuối năm 1941, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã lãnh đạo các cơ sở chuyển từ Mặt trận phản đế sang thành Mặt trận Việt Minh. Từ đó, mặt trận Việt Minh được phát triển rộng khắp trên địa bản tỉnh, nhất là vào giai đoạn tiền khởi nghĩa. Đường lối, chủ trương của Đảng về chuẩn bị tổng khởi nghĩa đã được thông qua Mặt trận Việt Minh đến với đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân trong tỉnh, từ nông thôn đến thành thị từ miền núi đến đồng bằng; từ đồng bào các dân tộc thiểu số đến đồng bào dân tộc kinh, tất thảy đều đi theo ngọn cờ đỏ sao vàng của mặt trận Việt Minh dẫn đường. Thời kỳ cao trào tiến tới tổng khởi nghĩa, ngoài lực lượng nòng cốt là công nhân và nông dân, còn có các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản, học sinh, dân nghèo thành thị. Đặc biệt, mặt trận Việt Minh còn thu hút được tầng lớp nhân sỹ trí thức của chính quyền cũ và một số địa chủ có tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước cùng tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, đảng bộ đã chú trọng xây dựng lực lượng mặt trận Việt Minh tại thị xã Phú Thọ - cơ quan đầu não của tỉnh với sự tham gia của đông đảo tầng lớp công nhân, dân nghèo thành thị, thanh niên, học sinh và giác ngộ một số trí thức, công chức yêu nước trong bộ máy chính quyền tham gia mặt trận Việt Minh. Đây là lực lượng quan trọng góp phần cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn thị xã giành thắng lợi, làm động lực thúc đẩy cho các huyện trên địa bàn tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng đã gắn liền tên tuổi và sự nghiệp của mặt trận Việt Minh và là bài học vô cùng quý giá để Đảng bộ tỉnh Phú Thọ vận dụng trong các thời kỳ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đảm bảo cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi.
75 năm đã trôi qua, song ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm sâu sắc của cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị vừa khoa học, vừa thực tiễn trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước hôm nay, thực hiện mục tiêu: " Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh" bảo vệ và xây dựng đất nước hùng cường. Những bài học ấy luôn nhắc nhở các cấp ủy đảng phải luôn luôn quan tâm lãnh đạo, xây dựng đội ngũ đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh toàn diện; luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc nhằm giữ vững chủ quyền an ninh biên giới và bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc; luôn luôn quan tâm và coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh ./.