Thứ 3 | 08/10/2024

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 38, sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Bốn đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trình bày tờ trình tóm tắt.

4 đối tượng thụ hưởng

Trình bày Tờ trình tóm tắt Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, có 4 đối tượng thụ hưởng của Chương trình đó là: Thứ nhất, người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ hai, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ.

Thứ ba, các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Thứ tư, các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Về phạm vi, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.

Chương trình cũng tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

Bên cạnh đó, Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Không chuyển dự án số 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Với tổng nguồn vốn dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng, Chương trình được thực hiện trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035 và chia làm các giai đoạn. Cụ thể, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Theo tờ trình do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trình bày, Chương trình có 7 mục tiêu tổng thể, 9 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2035.

Cũng theo tờ trình của Chính phủ, nội dung thành phần của Chương trình bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022.

Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần. Thứ nhất, Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Thứ hai, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Thứ ba, Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Thứ tư, Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thứ năm, Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật.

Thứ sáu, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thứ bảy, Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Thứ tám, Phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Thứ chín, Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thứ mười, Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, qua rà soát nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua và căn cứ ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ tiếp thu các nội dung Quốc hội đã thống nhất cao đó là tên gọi của Chương trình: "Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035".

Chính phủ cũng tiếp thu việc không chuyển dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vào Chương trình./.
Thế Công
Dẫn nguồn: 
Bốn đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (bvhttdl.gov.vn)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com