Thứ 2 | 28/10/2024

Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật có 17 điều quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ giải quyết các công việc cụ thể. Do đó đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Cân nhắc bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách 

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cơ bản tán thành Hồ sơ dự thảo, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý Điều 19 của dự thảo Luật về biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam. 

Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định giao Chính phủ ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến các nội dung được quy định tại Điều 19 này để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, biên soạn, lưu giữ, truyền dạy, dịch thuật, biên tập, xuất bản sách...

Về người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích quy định tại Điều 32 của dự thảo, đại biểu đề nghị cân nhắc có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp tại Điều 32 này để đảm bảo rõ nghĩa hơn, đồng thời có sự cân nhắc tính đồng bộ với khoản 4 Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là: "Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa".

Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về trình tự, thủ tục để đảm bảo tính linh hoạt của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Tại Điều 10, dự thảo đã đề cập đến khái niệm về "Lễ hội truyền thống, bao gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan". 

Đại biểu Lưu Bá Mạc nhận thấy, trong thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, trong đó bao gồm cả tỉnh Lạng Sơn, có loại hình Hội truyền thống, trong đó không bao gồm các thực hành nghi lễ mà chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa, dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan. Loại hình này hiện nay đã và đang được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Do vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về "Hội truyền thống", từ đó đảm bảo việc sử dụng tên gọi trong thực tiễn thuận lợi, không bị nhầm lẫn, tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng cụm từ Lễ hội truyền thống hay Hội truyền thống.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tại khoản 1 Điều 68 cân nhắc bổ sung thêm quy định cụ thể về nhiệm vụ của Bảo tàng, như sau: thêm một thiết chế văn hóa gắn với chức năng giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa phục vụ nhu cầu của học sinh, du khách và công chúng; quy định rõ hơn về nhiệm vụ giám định hiện vật, sưu tầm cổ vật; quy định thêm nhiệm vụ nghiên cứu lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích và di sản văn hóa phi vật thể vào khoản 1 Điều 68 Dự thảo luật.

Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 14, đại biểu Lưu Bá Mạc nhận thấy, hiện nay tại nhiều địa phương có các hội nghề nghiệp, tổ chức hội, bao gồm như: Hội di sản văn hoá, Hội bảo tồn dân ca, Hội văn nghệ dân gian... là những người tâm huyết và làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa rất hiệu quả tại các địa phương. Do vậy, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách như trên là các tổ chức hội về bảo vệ di sản văn hoá.

Về kiểm kê di sản tư liệu, danh mục kiểm kê di sản tư liệu có quy định "danh mục kiểm kê di sản tư liệu phải được rà soát, cập nhật hằng năm", đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm cụm từ "điều chỉnh biến động di sản tư liệu nếu có", đồng thời nên cân nhắc khoảng thời gian định kỳ là hằng năm, cũng có thể là 5 năm, tùy theo tình hình thực tiễn của địa phương. 

Lý do là hằng năm nên tiến hành rà soát, điều chỉnh biến động nếu có hoặc ít nhất 5 năm thì mới nên tiến hành kiểm kê tổng thể một lượt và công bố kết quả, vì kinh phí thực hiện, nguồn nhân lực thực hiện ở các địa phương còn hạn chế và cân nhắc tính cần thiết khi phải thực hiện hằng năm.

Giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về trình tự, thủ tục để đảm bảo tính linh hoạt của dự thảo Luật

Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 9 chương, 100 điều với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo và trên tinh thần đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật, đại biểu góp ý một số nội dung: Dự thảo Luật có 17 điều quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ giải quyết các công việc cụ thể. Do đó đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về trình tự, thủ tục để đảm bảo tính linh hoạt của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Về Di sản tư liệu, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ và dựa trên các khuyến nghị của Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO. Đại biểu cho rằng các quy định về trách nhiệm, quy trình bảo vệ di sản tư liệu trong dự thảo luật còn quá cụ thể, chi tiết, chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, đại biểu đề xuất quy định khái quát hơn, khuyến khích các cơ quan, tổ chức tự bảo vệ di sản tư liệu thay vì quy định cứng trong luật.

Về trình tự, thủ tục ghi danh Di sản tư liệu, đại biểu đề xuất cân nhắc điều chỉnh quy định này, phù hợp với khuyến nghị của UNESCO, cho phép tổ chức, cá nhân đề cử di sản tư liệu trực tiếp lên danh mục di sản thế giới.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản, đại biểu đề xuất phối hợp với cơ quan soạn thảo Luật Dữ liệu để điều chỉnh quy định này cho phù hợp và thống nhất.

Bên cạnh đó, Đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị rà soát, có quy định chuyển tiếp để điều chỉnh các di sản tư liệu đã được công nhận trước đây (như bảo vật quốc gia) cho phù hợp. 
Xuân Trường - Thế Công
Dẫn nguồn: 
Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về trình tự, thủ tục để đảm bảo tính linh hoạt của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com