Chủ nhật | 27/10/2024

Tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thảo luận hội trường vào ngày 29/10, dự kiến bấm nút thông qua ngày 26/11. Trong đó, một số quy định tại dự thảo Luật liên quan đến thuế về lĩnh vực Văn hóa đang được các đại biểu Quốc hội, văn nghệ sỹ, người thực hành sáng tạo, doanh nghiệp và dư luận quan tâm, cho ý kiến. Đáng quan tâm là việc dự thảo lần này đã bỏ quy định các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, tăng lên mức 10%.

Tăng thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ văn hóa là đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn hóa - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề này, bên hành lang Quốc hội của Kỳ họp thứ 8, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

- Thưa đại biểu, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo Điểm n, Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Đây là những lĩnh vực cơ bản thiết yếu giúp nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, xứng đáng được hưởng ưu đãi thuế. Vậy nhưng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ này lại bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật). Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Theo tôi không nên tăng mức thuế đối với các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim lên 10% mà chỉ nên giữ ở mức như Luật hiện hành bởi văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực rất nhạy cảm đối với xã hội.

Chúng ta có thể thấy, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa. Chúng ta cũng phải nhìn nhận việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Nếu chỉ nghĩ rằng đầu tư cho văn hóa thì phải thu lợi trực tiếp từ văn hóa thì sẽ rất khó cho sự phát triển văn hóa.

Ví dụ như đầu tư cho bảo tàng, chúng ta không thể nào nghĩ rằng việc bán vé trong bảo tàng là để thu hồi lại vốn xây dựng cho bảo tàng được, mà việc xây dựng bảo tàng ấy sẽ tạo ra một biểu tượng mới cho tỉnh, thành phố, đô thị đó, là nơi có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước con người, một địa điểm để thu hút khách du lịch, nơi để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc hay là không gian sáng tạo cho một đô thị.

Nói như thế để thấy được là đầu tư cho văn hóa sẽ tác động lan tỏa mạnh mẽ. Ngay cả khi khách du lịch đến với một bảo tàng thì họ cũng sẽ đến với các địa điểm khác. Vì có bảo tàng nên họ có thể đến địa điểm du lịch đó.

Bên cạnh đó, với một công trình mang tính biểu tượng như các công trình văn hóa thì rất khó có thể tính toán được các giá trị về mặt tiền bạc mà nó mang lại. Tôi lấy một ví dụ cụ thể nữa đó là khi chúng ta đi xem một bộ phim thì không thể "định giá" được niềm vui của bộ phim hay niềm vui của một bài hát mang lại cho chúng ta đáng giá bao nhiêu tiền.

Chính vì yếu tố tinh thần như thế nên chúng ta phải xem xét đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, và đầu tư cho văn hóa sẽ phải tính toán cho lợi ích lan tỏa của nó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn.

Chúng ta có thể thấy được trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng. Văn hóa như một hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước, có thể nói rằng văn hóa thịnh thì đất nước thịnh và văn hóa suy thì đất nước suy. Chính vì thế đầu tư cho văn hóa phải tính toán một cách bao quát hơn.

Một trong những điểm nghẽn trong sự phát triển văn hóa thời gian qua mà Quốc hội đã nhấn mạnh nhiều lần qua các hội thảo, các phiên chất vấn chính là điểm nghẽn liên quan đến thuế, đến đất đai, hay là các điểm nghẽn khác.

Những điểm nghẽn này tuy gián tiếp nhưng có tác động vô cùng quan trọng chứ không chỉ là những điểm nghẽn trực tiếp về mặt văn hóa. Vì vậy, các điểm nghẽn này cần được tháo gỡ dần dần thông qua các luật khác vì trong các luật về văn hóa chúng ta không quy định thẳng vào đó được.

Ví dụ như trong Luật Điện ảnh, khi chúng ta xây dựng đã tính đến là có thuế suất ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng chúng ta lại không thể quy định được vào trong Luật Điện ảnh, tương tự cũng không thể quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thư viện.

Chính vì thế nên khi sửa các luật như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng thì cần phải sửa theo hướng tạo thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa.

Một trong những vấn đề mà cử tri rất thắc mắc đó là, đối với lĩnh vực văn hóa, những người kinh doanh trong lĩnh vực này gọi là "đầu tư mạo hiểm". Họ chủ yếu đầu tư cho lĩnh vực văn hóa là vì tình yêu, vì đam mê về văn hóa chứ so với các lĩnh vực kinh tế khác như xây dựng cầu đường, xây dựng chung cư, siêu thị thì không thể mang lợi nhuận được như vậy.

Thế nhưng, theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) thì chúng ta không những không giữ mức thuế ưu đãi như họ đang được hưởng mà lại tăng mức thuế lên gấp đôi. Đó là điều đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - Lĩnh vực mà đáng lẽ ra chúng ta nên tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để phát huy vai trò thực sự của văn hóa trong việc phát triển đất nước.

- Dự thảo Luật hiện nay chỉ miễn thuế giá trị gia tăng cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu (Điều 5, Khoản 26, Điểm e) mà bỏ qua đối tượng là tổ chức, cá nhân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Điểm tích cực của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này là chúng ta đã ý thức được việc miễn về thuế nhập khẩu cho các di vật cổ vật mua được từ nước ngoài.

Điều này xuất phát từ việc chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, cản trở trong việc mua cổ vật ở nước ngoài vì những vướng mắc liên quan các thủ tục hải quan, thủ tục thuế.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy rằng chúng ta đã hướng đến việc sửa luật theo hướng là điều kiện cho văn hóa.

Tuy nhiên, điều này nó vẫn chưa chưa hoàn toàn làm thỏa mãn đối với những người yêu văn hóa, với những người yêu cổ vật. Ở đây chúng ta vẫn có sự phân biệt giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa, trong khi cần phải giảm bớt khoảng cách này.

Phải khẳng định di sản văn hóa dân tộc không phụ thuộc vào nhà nước hay tư nhân, không phải những người làm việc trong cơ quan nhà nước thì yêu di sản văn hóa hơn tư nhân. Điều quan trọng là cần phải cổ vũ, động viên, khuyến khích tất cả những thành phần có đóng góp vào tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa.

Chính vì vậy, đối với việc hồi hương các cổ vật về Việt Nam, đặc biệt là các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chứng minh được những giá trị văn hóa dân tộc lịch sử truyền thống của dân tộc thì nhà nước hay tư nhân đều được hưởng cả vì họ đã là những người yêu văn hóa, tâm huyết với văn hóa. Họ mong muốn đưa những giá trị văn hóa đó về với lại quốc gia, dân tộc của mình để xác định chủ quyền văn hóa đối với những sản phẩm, những di vật cổ vật đó, điều đó cần phải khuyến khích.

Còn nếu điều đó mang lại lợi nhuận cho họ. Chẳng hạn như khi họ buôn bán trong nước thì việc đánh thuế chúng tôi không phản đối, nhưng việc đưa những giá trị văn hóa, những dấu mốc đánh dấu chủ quyền quốc gia văn hóa của chúng ta về nước mà phải đánh thuế thì điều này cản trở tình yêu văn hóa dân tộc, cản trở việc chúng ta đưa những giá trị văn hóa để xác định chủ quyền quốc gia.

Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự không phù hợp với xu hướng phát triển văn hóa của chúng ta, mong muốn của chúng ta trong việc định vị các giá trị văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa thế giới.

Chúng ta nên ưu đãi theo mức không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các di vật cổ vật để bảo vệ và chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước để khuyến khích họ tham gia cùng với nhà nước để đưa di vật cổ vật đó hồi hương.

- Thưa đại biểu, tại Điều 5 dự thảo Luật quy định về đối tượng không chịu thuế, trong đó có hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của Nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo (chiếm từ 50% tổng số vốn sử dụng cho công trình trở lên) đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật… (khoản 12). Như vậy có thể hiểu, trường hợp nguồn vốn đóng góp của Nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo chiếm dưới 50% thì vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy không khuyến khích được sự đóng góp của các nguồn hỗ trợ này. Đại biểu nghĩ gì về vấn đề này?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Một trong những điểm nghẽn rất lớn đối với việc quyên góp tài trợ lĩnh vực văn hóa đó là chưa có một cơ chế để khuyến khích người dân, các "mạnh thường quân", các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển văn hóa.

Tôi nghĩ rằng, đóng góp cho sự phát triển văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng. Các Nghị quyết của Trung ương về Văn hóa, từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI… cũng như nhiều văn bản khác đều nhấn mạnh, đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn dân.

Chính vì thế chúng ta cần khuyến khích nhiều hơn sự tham gia và chung tay cùng với Nhà nước đóng góp cho sự phát triển văn hóa. Và muốn như vậy cần phải có chính sách khuyến khích và thực tế đây cũng là bài học của nhiều nước trên thế giới.

Ví dụ như một số quốc gia phát triển trên thế giới, để tạo ra những sản phẩm phim ảnh, âm nhạc, những sản phẩm văn hóa nổi tiếng thì họ tạo điều kiện để có chính sách ưu đãi về thuế, miễn thuế cho những đóng góp trong lĩnh vực văn hóa.

Đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi để từ đó huy động thêm các nguồn thu, các đóng góp của các cá nhân và doanh nghiệp cho lĩnh vực văn hóa.

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tạo ra một chính sách phù hợp hơn, thiết thực hơn, cụ thể hơn về thuế để kích thích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đóng góp nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa. Điều này góp phần cho sự phát triển của lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững đất nước.

- Xin cảm ơn đại biểu!
Thế Công - Xuân Trường (thực hiện)
Dẫn nguồn: 
Tăng thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ văn hóa là đi ngược lại với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn hóa

 
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com