Chủ nhật | 28/07/2024

baophutho.vn Rời miền biên viễn, chia tay những người lính Bộ đội Biên phòng, chúng tôi trở về với quê hương Đất Tổ. Nơi đây có gia đình, những người vợ, người mẹ luôn sẵn sàng gánh vác mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường, làm hậu phương vững chắc để các anh yên tâm công tác, vững tay súng bảo vệ biên cương.

Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, MTTQ tỉnh, huyện Đoan Hùng tặng quà cho phụ nữ nghèo tại xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Vững vàng hậu phương

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, hiện có 122 cán bộ, chiến sỹ quê Phú Thọ đang công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang và các đồn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, tiêu biểu như: Thiếu tá Nguyễn Công Sơn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (quê xã Cáo Điền, huyện Hạ Hòa); Trung tá Nguyễn Xuân Hưng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú và Thiếu tá Nguyễn Bình Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bạch Đích (quê xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh); Trung tá Đỗ Đại Thắng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần (quê xã Cao Xá, huyện Lâm Thao) và các đồng chí Thượng tá Nguyễn Xuân Đồng, Trung tá Trần Minh Phương...

Để giúp các đồng chí yên tâm công tác, phát huy tốt năng lực sở trường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, ngoài sự quan tâm, lãnh đạo của Chỉ huy đơn vị, sự nỗ lực từ bản thân các đồng chí còn có vai trò rất quan trọng của hậu phương nơi quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Thịnh - vợ Thượng tá Nguyễn Xuân Đồng vui mừng chia sẻ về thành tích học tập của các con.

Chúng tôi đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Thịnh - khu Quang Trung, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, vợ Thượng tá Nguyễn Xuân Đồng, Chính trị viên Đồn Xín Cái khi chị vừa đưa các con đi tham quan, trải nghiệm về. Chị Thịnh hiện đang là giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai, thành phố Việt Trì.

Chị chia sẻ: Năm nay là tròn 20 năm tôi và anh Đồng kết hôn nhưng thời gian hai vợ chồng ở cùng nhau cộng lại chắc chỉ vỏn vẹn 2 năm. Trước kia, khi yêu và quyết định cưới anh, tôi biết chồng sẽ thường xuyên xa nhà. Tuy nhiên, trong câu chuyện anh chia sẻ về cuộc sống nơi biên cương và tình cảm của những người lính biên phòng, tôi xác định mình phải là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác.

Có ba người con, chồng lại xa nhà, chị Thịnh luôn cố gắng sắp xếp công việc hợp lý, vừa chu toàn việc nhà, công việc cơ quan vừa dạy bảo các con học hành. Các con của anh chị nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Đặc biệt, con gái cả của anh chị - cháu Nguyễn Phương Anh đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi chọn Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh.

Cũng giống như chị Thịnh, chị Nguyễn Thị Huyền - giáo viên dạy Toán Trường THPT Tử Đà, vợ Trung tá Nguyễn Xuân Hưng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú đã có nhiều năm gánh vác, lo toan chu toàn việc gia đình trong khi chồng đi công tác xa nhà.

Chị cho biết: Hai vợ chồng chị yêu và kết hôn đến nay cũng gần 20 năm. Trước khi cưới, anh từng nói với chị, công việc của anh gắn liền với miền biên giới, khi làm vợ anh sẽ phải chịu đựng, chấp nhận và hy sinh nhiều hơn những người phụ nữ khác. Hiểu rõ những vất vả đó nhưng vì tình yêu với màu xanh áo lính, chị đã vượt qua tất cả để cùng anh vun đắp hạnh phúc gia đình. Và dù chỉ hiếm hoi cả nhà mới có được khoảng thời gian ít ỏi đoàn tụ nhưng tổ ấm nhỏ của anh chị luôn tràn ngập tình yêu, tiếng cười.

Gửi lời tới anh, chị mong anh và các đồng đội đang công tác miền biên viễn luôn giữ gìn sức khỏe, công tác tốt, hãy luôn yên tâm và tin tưởng ở hậu phương nơi quê nhà.

Hướng về biên viễn

Không chỉ có gia đình là điểm tựa vững chắc, nhiều năm qua, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hướng về nơi biên cương.
Cụ thể, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành, thị, Hội Phụ nữ Công an tỉnh phối hợp với các đồn Biên phòng kết nghĩa cùng cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân các xã vùng biên giới thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục tuyên truyền các văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Luật Biên giới Quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân vùng biên giới”; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII; Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp; Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước; tuyên truyền phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số..., tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, lôi kéo di cư tự do và truyền đạo trái pháp luật.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ khu vực biên giới tổ chức cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: Xóa mù chữ, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình, ma túy, tội phạm; xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Vận động phụ nữ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; tuyên truyền người dân không tham gia trồng, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy và chất gây nghiện; vận động, thuyết phục, cảm hóa các đối tượng nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng...

Lồng ghép tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa và giá trị truyền thống ngày Biên phòng toàn dân (3/3), ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10) để hội viên, phụ nữ hiểu rõ lịch sử truyền thống tốt đẹp, từ đó xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trung tá Trần Minh Phương cùng vợ và các con.

Đặc biệt, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội, Hội LHPN tỉnh đã thực hiện sáng tạo chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” gắn với hoạt động kết nghĩa với Bộ đội Biên phòng Lai Châu, các cấp Hội tổ chức 25 đoàn công tác thăm hỏi động viên, trao kinh phí hỗ trợ sinh kế, học bổng; các hoạt động hỗ trợ cán bộ, hội viên phụ nữ, trẻ em các xã biên giới tỉnh Lai Châu và chiến sĩ các Đồn Biên phòng với tổng kinh phí trên 4,2 tỷ đồng. Các cấp Hội hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 16 “Mái ấm tình thương”; tặng 35 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo; trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ biên giới; tặng trên 1.600 suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo; nhận đỡ đầu 2 trẻ em mồ côi... Trao tặng 3.096 cờ Tổ quốc, 2.306 ảnh Bác Hồ cho các hộ gia đình ở khu vực biên giới tỉnh Lai Châu, tổng trị giá trên 200 triệu đồng.

Đồng chí Phạm Thị Kim Loan - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong quá trình tổ chức, triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh và các cấp hội trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng biên giới có thêm sinh kế lâu dài, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực, ý chí vươn lên; thiết thực góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân, được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Mong rằng những tình cảm đó sẽ tiếp tục được lan tỏa hơn nữa, góp phần động viên những người lính biên phòng vững vàng tay súng bảo vệ vùng đất, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc...
Dẫn nguồn: 
Kỳ III: Hậu phương vững chắc của người lính biên phòng (baophutho.vn)

 

 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com