Quảng cáo đã và đang trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và trên thế giới. Đó không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là giá trị, phương tiện, công cụ hiệu quả mà bất kỳ tổ chức/cơ quan hay doanh nghiệp/cá nhân nào cũng phải cần tiếp cận.
Quảng cáo không chỉ là nhu cầu thiết yếu, phương tiện...
Quảng cáo ra đời vào khoảng thế kỷ 17. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ 19, khi ngành in ấn thịnh hành thì quảng cáo mới trở nên quen thuộc và được giới thương nhân quan tâm. Từ tấm biển quảng cáo ngoài trời đầu tiên tại một rạp xiếc ở New York (Mỹ) năm 1835. Theo thời gian, quảng cáo xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Hình thức quảng cáo cũng được đa dạng hơn, thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng biết đến nhiều hơn.
Quảng cáo có mặt ở Việt Nam từ sau năm 1954 tại Sài Gòn (nay là TP.HCM). Ảnh: T.L
Từ TV, báo đài, internet, điện thoại, đường xá, xe cộ, tòa nhà... cho đến mọi ngóc ngách của cuộc sống như quán ăn, tiệm tạp hóa, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... đều thấy có sự hiện diện của quảng cáo. Quảng cáo không còn là nhu cầu thiết yếu mà thực sự đã trở thành công cụ, phương tiện, phương thức tiếp thị và truyền thông chủ chốt giúp đưa thông điệp sản phẩm đến gần hơn với khách hàng mà bất kỳ một tổ chức/cơ quan hay doanh nghiệp/cá nhân nào cũng phải cần.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đánh giá: Việt Nam là nước có đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin dồi dào, lượng người tiếp cận internet nằm ở top đầu khu vực. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã giúp quảng cáo dễ lan tỏa và tạo tác động lớn đến hành vi người dùng. Đó được xem là lợi thế của Việt Nam khi luôn cập nhật những hình thức quảng cáo mới và tận dụng được sự phát triển của công nghệ.
Bản sắc văn hóa Việt Nam xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo Tết của các thương hiệu tại Việt Nam. Ảnh: T.L
Còn ông Trần Việt Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Truyền thông Vinama nhận định rằng, ngày nay, quảng cáo đã góp phần định hướng cho người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ... Từ đó mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn thông thái nhất, tránh những rủi ro không đáng tiếc thông qua việc tiếp cận với các thông tin, thông điệp tử tế về sản phẩm được quảng cáo trên các nền tảng.
Ông Trần Việt Tân cũng nhấn mạnh về giá trị cốt lõi của quảng cáo không chỉ ở doanh thu, lợi nhuận mà còn là bảo vệ hình ảnh và định vị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng, góp phần định hình môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và thương hiệu trước những sự cố không mong muốn.
Quảng cáo là lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế quốc dân
Về nhiều phương diện, quảng cáo có vai trò nhất định, đóng góp lớn vào sự hưng thịnh của mỗi tổ chức/doanh nghiệp hay rộng hơn là mỗi quốc gia. Chính vì thế, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới xem quảng cáo là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành quả rất đáng trân trọng, phục hồi và phát triển nhanh, mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất - người kinh doanh - người tiêu dùng. Tuy nhiên, số liệu của Statista viện dẫn, thị trường quảng cáo của Việt Nam vẫn còn nhỏ hơn rất nhiều so với thị trường đang dẫn đầu là Mỹ (ít hơn gần 160 lần), thấp hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo của PwC về Global Entertainment and Media (E&M) Outlook 2024-2028 (Tạm dịch: Triển vọng Giải trí và Truyền thông Toàn cầu 2024-2028) cũng dự đoán ngành quảng cáo toàn cầu sẽ bùng nổ với doanh thu đạt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2026, và doanh thu năm 2028 sẽ gấp đôi mức năm 2020.
Một phân tích của Dentsu dẫn chứng, trong năm 2024, tùy từng điều kiện và đặc điểm nền kinh tế thị trường mỗi quốc gia mà chi tiêu cho ngành quảng cáo sẽ khác nhau mặc dù ngành quảng cáo vừa trải qua thời kỳ dài khó khăn bởi đại dịch Covid-19 cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế, quảng cáo đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Dentsu dự báo chi tiêu quảng cáo toàn cầu trong năm 2024 cũng tăng 33 tỷ USD và đạt mốc 752,8 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng năm 2024 sẽ cao hơn so với năm 2023 là 4,6%.
Cụ thể, chi tiêu quảng cáo dự kiến sẽ đại diện cho trung bình 0,75% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia được theo dõi. Trong đó, Nhật Bản (1,26% GDP), Anh (1,23%/GDP) và Mỹ (1,13%/GDP) là ba thị trường có chi tiêu quảng cáo chiếm tỷ lệ cao so với GDP quốc gia và so với mức trung bình. Ở Đông Nam Á, xét quy mô, Việt Nam đứng thứ 3 (sau Thái Lan, Indonesia); về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam xếp thứ 2 (chỉ sau Malaysia), hơn cả Thái Lan, Indonesia và Singapore.
Con số khác từ trong báo cáo Digital 2024 cũng cho thấy, tổng chi phí quảng cáo bao gồm cả online và offline đầu năm 2024 tại Việt Nam đạt 2,44 tỉ USD, tăng 6,9% so với đầu năm 2023, trong đó chi phí quảng cáo cho các kênh digital đạt khoảng 1,28 tỉ USD, cao hơn 11% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn đàn Quảng cáo và Truyền thông Việt Nam thu hút sự quan tâm qua các chủ đề tham luận và tọa đàm hấp dẫn: Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025
Thống kê sơ bộ mới đây của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cũng cho biết, nếu năm 2013, cả nước mới chỉ có trên 5.500 doanh nghiệp quảng cáo thì đến năm 2019 đã có trên 13.000 doanh nghiệp do quảng cáo và liên quan đến quảng áo. Đây là ngành kinh doanh năng động, thu hút doanh nghiệp trẻ tham gia kinh doanh khởi nghiệp.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng, tầm quan trọng của quảng cáo trong thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Festival Quảng cáo Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chỉ ra quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Tại Festival Quảng cáo Việt Nam năm 2024, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh vai trò của ngành quảng cáo trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020 - 2030.
"Thời gian qua, ngành công nghiệp quảng cáo đã xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng để hội nhập với kinh tế quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới, đóng góp chung vào sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhận định.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở lý giải thêm, ngành quảng cáo phải là một mắt xích quan trọng, bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Trong sự phát triển bền vững, cần có sự giao thoa, kết nối màu sắc, diện mạo, sức sống mới trong việc kết hợp quảng cáo với điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa; góp phần phối hợp thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030.
Ngành quảng cáo đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng và phát triển mạnh mẽ, đã định vị vị thế của mình để hội nhập với kinh tế quốc tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong đề án Bộ VHTTDL triển khai, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quảng cáo trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2018.
6 lý do quảng cáo quan trọng với doanh nghiệp
1.Giữ chân khách hàng: Với việc sử dụng quảng cáo có mục tiêu cụ thể, doanh nghiệp có thể tiếp cận những người đã tương tác trước đó và tạo quảng cáo được điều chỉnh theo sở thích của họ. Chiến lược này không chỉ giúp thúc đẩy cơ hội tiếp cận khách hàng mới mà còn khuyến khích người tiêu dùng quay lại, đồng thời nâng cao độ uy tín với thương hiệu.
2.Tiếp cận khách hàng mới: Tăng khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu cũng là lý do doanh nghiệp nên khai thác sức mạnh của quảng cáo. Cụ thể, công ty có thể triển khai nhiều hình thức quảng cáo, hướng đến các đối tượng nhân khẩu học khác nhau, sau đó tiến hành nghiên cứu sâu rộng về hành vi người tiêu dùng để biết nhu cầu cũng như tạo các quảng cáo phù hợp với từng đối tượng và đặt chúng ở những vị trí mà người tiêu dùng sẽ đến.
3.Tăng doanh số: Thông qua quảng cáo, doanh nghiệp có thể thuyết phục khách hàng về tiềm năng, tính hữu ích của sản phẩm, từ đó thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm, góp phần tăng doanh số.
4.Tăng nhận diện thương hiệu: Với một quảng cáo hấp dẫn, doanh nghiệp có thể truyền tải hiệu quả các tính năng và lợi ích khác biệt của sản phẩm tới khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, quảng cáo giúp doanh nghiệp có thể chia sẻ các chương trình khuyến mãi đang diễn ra, chẳng voucher giảm giá, tặng dịch vụ đặc biệt, khai trương cơ sở mới...:
5.Hiểu đối thủ cạnh tranh: Theo dõi đối thủ cạnh tranh bằng cách theo dõi quảng cáo của họ. Điều này hữu ích trong việc dự đoán xu hướng thị trường và những thay đổi sắp tới.
6.Tạo sự khác biệt: Với những sản phẩm và dịch vụ mà nhiều doanh nghiệp có tệp khách hàng chung, công ty cần tìm cách để nổi bật so với đối thủ. Thông qua việc sử dụng logo, cách phối màu, phông chữ và thông điệp giới thiệu khác biệt, doanh nghiệp có thể thiết lập nhận diện thương hiệu ấn tượng giúp đơn vị nổi bật so với các công ty khác.
(Theo Thế Đan/marketing91)
(Còn tiếp)
>>>Kỳ 2: Tôn vinh, khơi dậy niềm tự hào về ngành quảng cáo sáng tạo
Hà Kiều - Nhật Nam
Dẫn nguồn: Xây dựng thương hiệu quốc gia Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam: Quảng cáo – lĩnh vực trọng tâm trong phát triển công nghiệp văn hóa (kỳ 1) (bvhttdl.gov.vn)