baophutho.vnNhằm lưu giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện gắn mã QR Code tại nhiều điểm di tích lịch sử, địa chỉ đỏ để người dân, du khách dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh về di tích, địa danh lịch sử, địa điểm du lịch một cách nhanh chóng, đầy đủ và sinh động... góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, theo xu thế mới của thời đại.
Tìm hiểu thông tin qua quét mã QR Code tại “Cây đa lịch sử”, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ.
Với tên gọi “Cây đa lịch sử”, cây đa ở phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ là “nhân chứng” chứng kiến những thời khắc thiêng liêng nhất của thị xã Phú Thọ anh hùng. Trong ngày Quốc tế lao động 1/5/1940, lá cờ Đảng lần đầu tiên được treo trên cây đa, ghi dấu ấn quan trọng, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng trong tiến trình cách mạng của thị xã. Ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân thị xã đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử thị xã Phú Thọ. Nhân dân thị xã gọi cây đa ấy là “Cây đa lịch sử” để khắc ghi sự kiện quan trọng này.
Nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử của “Cây đa lịch sử’, Thị đoàn Phú Thọ thực hiện công trình thanh niên “Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ”, gắn mã QR Code tại di tích “Cây đa lịch sử”. Công trình được xây dựng dựa trên tích hợp hình ảnh, thông tin giới thiệu về di tích trong mã QR Code. Khi người dân, khách du lịch đến tham quan, sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR Code sẽ được dẫn đến website: https://www.ditichphutho.vn với những thông tin đầy đủ về “Cây đa lịch sử”.
Ứng dụng quét mã QR Code tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được kết nối internet, ngay sau khi quét mã QR Code, người dân và du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin giới thiệu, quảng bá về địa điểm tương ứng với mỗi mã QR được quét trên website https://www.ditichphutho.vn. Đến nay, đã có nhiều di tích được Đoàn thanh niên các địa phương triển khai công trình thanh niên chuyển đổi số như: Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Căn cứ Tiên Động, huyện Cẩm Khê; Căn cứ Tôn Sơn Mộ Xuân, huyện Yên Lập; Chùa Hoàng Long, huyện Phù Ninh; Đền Du Yến, huyện Thanh Ba; Đình Đào Xá, huyện Thanh Thủy; Nhà lưu niệm Bác Hồ, huyện Lâm Thao...
Anh Trần Bá Hưng ở xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy cho biết: “Tôi rất yêu truyền thống lịch sử của quê hương nên thường đến các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh để tham quan, tìm hiểu. Trước đây, khi đến các địa chỉ đỏ, tôi thường được hướng dẫn viên hoặc người trông coi di tích giới thiệu, thuyết minh. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng gặp hoặc có hướng dẫn viên đi cùng. Từ khi Đoàn thanh niên các cấp triển khai số hóa địa chỉ đỏ, tôi có thể biết được toàn bộ thông tin về di tích, địa chỉ đỏ rất đơn giản, nhanh chóng, chính xác”.
Những công trình “Tuổi trẻ Đất Tổ chuyển đổi số di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ” đã góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách. Để tích hợp đầy đủ, chính xác các thông tin trên QR Code, Tỉnh đoàn - Hội LHTN tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đối chiếu với sách, tư liệu chính thống để soạn thảo thông tin, hình ảnh chính xác, phù hợp.
Đồng chí Đinh Thị Tuyết Mai - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Việc số hóa tại các di tích văn hóa, lịch sử thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ Đất Tổ trong chuyển đổi số, đồng thời giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây là hình thức cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử tới người dân, du khách một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả.
Hà Trang
Dẫn nguồn: “Số hóa” trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa (baophutho.vn)