Thứ 3 | 08/04/2014
Ngày 01 tháng 1 năm 2008 nhà Bảo tàng tỉnh Phú Thọ được chính thức khởi công xây dựng. Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích đất 15.732 m2. Trong đó, quan trọng nhất là nhà trưng bày được thiết kế gồm 3 tầng, với nhiều hạng mục phục vụ tốt nhất cho công tác trưng bày theo hướng khoa học, hiện đại.




Ngày 14/4/2010 ( ngày 01/3/2010 âm lịch) Bảo tàng được khánh thành vào đúng dịp giỗ tổ Hùng Vương năm Canh Dần 2010.
Ngày 06/12/2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 4053/QĐ-UBND đổi tên Bảo tàng tỉnh Phú Thọ thành Bảo tàng Hùng Vương.
Bảo tàng Hùng Vương là bảo tàng khảo cứu địa phương nằm trong hệ thống bảo tàng Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu những vấn đề về tự nhiên, sinh thái, lịch sử văn hóa, xã hội của tỉnh Phú Thọ.
Bảo tàng Hùng Vương là một trong những bảo tàng đẹp, khang trang, bề thế nhất của khu vực các tỉnh phía Bắc. Hiện nay Bảo tàng có hơn 11.000  hiện vật gốc phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Phú Thọ từ thời Tiền - Sơ sử đến nay.
Thiết kế không gian trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương gồm 3 tầng. Phần trưng bày cố định (thường trực) tại tầng 2 và tầng 3 có diện tích 4.100 m2 .
Với gần 2.000 hiện vật gốc được trưng bày thành 05 chủ đề chính chạy xuyên suốt tiến trình lịch sử tỉnh Phú Thọ từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước  đến thời đại Hồ Chí Minh:
          * Chủ đề 1: Thiên nhiên, con người Phú Thọ:
          Phần trưng bày này giới thiệu những nét đặc trưng nhất về vị trí địa lý, thiên nhiên, dân cư, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của một số dân tộc có số lượng dân cư lớn ở Phú Thọ: dân tộc Kinh, Mường, Cao Lan, Dao và H’Mông. Với 172 hiện vật gồm nhiều loại hình: các mẫu khoáng sản, mẫu động vật, thực vật, công cụ sản xuất, vũ khí, nhạc cụ, tín ngưỡng, trang phục… Bảo tàng đã sử dụng các giải pháp mỹ thuật kết hợp với hiện vật gốc nhằm tạo cho người xem có một cái nhìn toàn cảnh về thiên nhiên và con người sinh sống trên mảnh đất Phú Thọ.
          *  Chủ đề 2: Thời kỳ Tiền sử - Sơ sử/ Thời đại Hùng Vương:
Đây là phần trưng bày trọng tâm nhất của Bảo tàng Hùng Vương, được sử dụng giải pháp trưng bày hiện đại, giải pháp mỹ thuật kết hợp với các hiện vật gốc nhằm tái hiện cuộc sống của cư dân người Việt cổ cách ngày nay hàng vạn năm.
Giới thiệu các nền văn hóa thuộc giai đoạn Tiền sử và Sơ sử có niên đại cách ngày nay khoảng 20 vạn năm đến 2.000 năm TCN: Văn hóa Sơn Vi, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun và văn hóa Đông Sơn, tương ứng với sự hình thành và phát triển của thời đại Hùng Vương. Với 369 hiện vật chủ yếu là chất liệu: đá, gốm, đồng (trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý, hiếm như: sưu tập đồ gốm Phùng Nguyên; sưu tập đá ngọc trang sức; sưu tập Nha Chương; sưu tập đồ đồng thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn). Đặc biệt trong chủ đề này còn trưng bày hai ngôi mộ cổ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên được khai quật năm 2002 tại di tích khảo cổ Xóm Rền (xã Gia Thanh -  huyện Phù Ninh). Đây là hai di cốt người có niên đại cách ngày nay khoảng 4000 năm.
          * Chủ đề 3: Phú Thọ thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ:
Nội dung cơ bản phần trưng bày đã khái quát những giá trị văn hoá tiêu biểu của nhân dân Phú Thọ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước của quê hương từ thế kỷ I đến thế kỷ XIX.
Với trên 400 hiện vật được trưng bày đã minh chứng cho truyền thống văn hoá rực rỡ và truyền thống đấu tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Phú Thọ trong suốt  chặng đường lịch sử từ 1000 năm Bắc thuộc đến các triều đại phong kiến Việt Nam. Một số sưu tập quan trọng của thời kỳ này như: sưu tập hiện vật liên quan đến các nữ tướng của Hai Bà Trưng trên đất Phú Thọ; sưu tập trống đồng loại II Herger (hay còn gọi là trống Mường); sưu tập đồ gốm thuộc thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn...
* Chủ đề 4: Phú Thọ thời kỳ từ khi Pháp xâm lược đến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (1883 - 1975):
Thời kỳ từ 1883 - 1975 là một giai đoạn lịch sử hào hùng oanh liệt của dân tộc ta. Để tái hiện được phần nào những hy sinh mất mát và ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân Phú Thọ trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Bảo tàng Hùng Vương đã lựa chọn trưng bày 326 hiện vật với rất nhiều sưu tập hiện vật cách mạng như: sưu tập hiện vật về nỗi khổ cực của nhân dân dưới ách thống trị của Thực dân Pháp; sưu tập hiện vật của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX; sưu tập các hiện vật của các phong trào yêu nước trước khi có Đảng; sưu tập hiện vật khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; sưu tập hiện vật chiến lợi phẩm của Pháp; sưu tập hiện vật tội  ác chiến tranh, sưu tập hiện vật của các anh hùng LLVT, anh hùng lao động và nhiều sưu tập khác phản ánh toàn diện  hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Cùng với việc trưng bày hiện vật gốc, đã sử dụng hệ thống video chiếu phim tư liệu cùng nhiều tài liệu khoa học phụ nhằm phát huy một cách hiệu quả, sinh động nhất nội dung trưng bày.
* Chủ đề 5: Phú Thọ thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ năm 1975 đến nay):
Với 194 hiện vật được trưng bày đã giới thiệu những thành tựu nổi bật của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong công cuộc xây dựng Tổ quốc và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Ngoài 05 chủ đề chính phần trưng bày thường trực còn trưng bày 90 hiện vật do các cá nhân, tập thể hiến tặng Bảo tàng như: sưu tập gốm Chu Đậu (Hải Dương), sưu tập gốm Hoàng thành Thăng Long, sưu tập hiện vật văn hóa Tày (Thái Nguyên), sưu tập đá quý Yên Bái...
Tầng 1 là không gian tổ chức trưng bày chuyên đề phục vụ các ngày kỷ niệm và các ngày lễ lớn với diện tích 1.524,5m2.
Khu vực ngoài trời trưng bày các hiện vật có kích thước thể khối lớn, gồm: 02 máy bay, 01 tàu chiến, 01 xe tăng để giới thiệu rõ hơn về đóng góp của nhân dân Phú Thọ với các chiến công của quân đội Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
2. Bảo tàng Hùng Vương là cuốn lịch sử bằng hiện vật của cộng đồng dân cư vùng đất Tổ. Sau 3 năm mở cửa đã đón được trên 60.000 lượt khách đến tham quan. Đối tượng chủ yếu là khách trong tỉnh và một số  đoàn khách quốc tế như: đại diện UNESCO tại Việt Nam, đoàn chuyên gia Trung Quốc, Nhật Bản, Đại sứ quán Lào, Campuchia, đoàn kiều bào  Việt Nam tại 21 quốc gia trên thế giới...
Với tính liên tục về lịch sử, toàn diện về nội dung, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương mang đến cho người xem sự phát triển chung của lịch sử Việt Nam cũng như những nét truyền thống riêng có của địa phương. Bảo tàng Hùng Vương là điểm đến của khách du lịch, là một sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao.Thông qua bảo tàng, du khách có được cái nhìn tổng quan hơn về lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán của mảnh đất và con người nơi du khách đến tham quan - Phú Thọ đất Tổ Hùng Vương.
 Khách du lịch đến thăm Bảo tàng Hùng Vương chưa nhiều, chưa thường xuyên.Theo một số hướng dẫn viên du lịch, nguyên nhân khiến khách chưa “mặn mà” với tham quan bảo tàng là do lâu nay bảo tàng mới chủ yếu chú trọng tới hoạt động trưng bày mà chưa quan tâm nhiều đến đa dạng hoá hoạt động dịch vụ, chưa chú trọng quảng bá hình ảnh và thương hiệu đáp ứng thị hiếu khách du lịch. Đó là chưa kể đến trình độ kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ thuyết minh viên còn hạn chế. Trong khi đội ngũ này chính là cầu nối kéo du khách đến với bảo tàng. Bảo tàng sinh động hấp dẫn hay không cũng chính là nhờ vào đội ngũ thuyết minh viên. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, hướng dẫn viên du lịch của các công ty lữ hành cũng chưa thực sự quan tâm tới việc giới thiệu, tư vấn, đưa du khách đến tham quan bảo tàng với nhiều lý do khác nhau…
Thực tế, hiện nay Bảo tàng Hùng Vương chưa nằm trong một tour du lịch nào nên du khách cũng ít có điều kiện tiếp cận với bảo tàng. Ngoài ra, vấn đề tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế. Tâm lý, thị hiếu của du khách chưa có thói quen đến tham quan bảo tàng... Chính những hạn chế này đã là rào cản đối với việc thu hút khách du lịch đến với bảo tàng.
3. Bảo tàng Hùng Vương - điểm đến của du lịch di sản
Bảo tàng Hùng Vương là bảo tàng tổng hợp của tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn. Để bảo tàng thực sự trở thành một sản phẩm văn hoá đặc trưng thu hút khách du lịch thì nó phải vừa là nơi bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống cũng vừa phải là nơi giải trí, thu hút tất cả mọi đối tượng. Du lịch sẽ không chỉ đơn thuần là thưởng ngoạn, ngắm cảnh nữa mà còn là dịp để du khách tìm tòi, khám phá, chiêm nghiệm, học tập và mở rộng kiến thức của mình. Đối với mỗi du khách, còn gì thú vị hơn khi biết được lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán nơi vùng đất mình đã đi qua.
Ưu tiên đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và sưu tầm hiện vật, đặc biệt là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vùng đất Tổ phục vụ công tác trưng bày và lưu giữ. Thực hiện các đề tài khoa học trong đó chú trọng công tác nghiên cứu ứng dụng đề tài vào thực tế để phát huy giá trị các hiện vật và hoạt động di sản của Bảo tàng.
Đa dạng các hoạt động theo hướng xã hội hóa gắn với thiết chế và  cơ sở vật  chất của Bảo tàng. Xây dựng dự án tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của đất Tổ theo định kỳ hàng tháng kết hợp với trưng bày chuyên đề, trưng bày cố định nhằm thu hút khách đến với Bảo tàng góp phần tạo nên thói quen cho cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo tồn, bảo tàng và góp phần khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hoạt động của Bảo tàng thông qua hệ thống thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, in ấn sách và các ấn phẩm giới thiệu Bảo tàng. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trình diễn, quảng bá trên quy mô toàn quốc.
Phối hợp với ngành du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch vùng đất Tổ - khám phá vùng đất cội nguồn, trong đó lấy Bảo tàng Hùng Vương là điểm xuất phát và là điểm đón tiếp du khách về với Đền Hùng - đất Tổ.
Hệ thống bảo tàng, di tích là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đây cũng là điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản đặc biệt, khác biệt các loại hình du lịch khác. Nếu biết khai thác, phát huy một cách khoa học, sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn nhằm đánh thức những tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng, di tích đang lưu giữ. Bảo tàng Hùng Vương đã và đang trở thành điểm đến quan trọng của khách du lịch di sản vùng đất Tổ./.
P.N.V

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com