Thứ 5 | 15/02/2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có những chia sẻ với báo chí về một số thành tựu, cũng như những trăn trở, tâm tư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

- Năm 2023, năm được xem là bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đây cũng là thời điểm đánh dấu 2 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Bộ trưởng có thể chia sẻ về một vài chuyển biến kể từ sau Hội nghị quan trọng này?

Nhìn lại 2 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành VHTTDL cả nước nói chung và Bộ VHTTDL nói riêng hết sức vui mừng khi chủ trương đúng đắn của Đảng đã được triển khai một cách sâu rộng đến các cấp ủy, chính quyền địa phương. Với sự tham mưu tích cực, chủ động, đúng và trúng của Bộ VHTTDL nên đã có sự chuyển biến rất tích cực.

Những chuyển biến đó cũng đã được khẳng định trong các kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và trong các phiên họp của Chính phủ.

Khái quát lại, chúng ta có thể thấy được một số điểm nhấn nổi bật. Thứ nhất, chúng ta thấy được sự chuyển biến rõ nhất trong nhận thức khi đặt văn hóa ngang với kinh tế và chính trị. Từ nhận thức đúng đắn đó, các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo, làm sâu sắc hơn các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và 6 nhóm nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư đã chỉ ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Nhiều tỉnh, thành ủy sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã tổ chức các hội nghị chuyên đề nhằm truyền đạt những nội dung quan trọng. Hầu hết các địa phương đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về văn hóa nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, giá trị phẩm chất tốt đẹp của con người. Từ đó khơi dậy được ý chí tự hào, quyết tâm trong vấn đề xây dựng văn hóa, để văn hóa trở thành động lực và nguồn lực trong sự phát triển bền vững. Tôi cho đó là nhận thức rất quan trọng.

Thứ hai, từ nhận thức đúng, nhận thức đầy đủ và sâu sắc đã chuyển biến thành hành động. Có thể thấy, các cấp ủy cũng đều quan tâm đến văn hóa, dành nguồn lực để đầu tư cho văn hóa và con người, hướng đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quyết tâm xây dựng văn hóa trở thành động lực và nguồn lực trong sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Nếu như chỉ tính về tỷ lệ đầu tư, chúng ta cũng thấy được việc mà chúng ta phấn đấu để có được 2% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa thì nhiều địa phương cũng đã đạt được con số này. Và cấp trung ương thì cũng đặt ra lộ trình để phấn đấu đạt được mức tổng thể mà kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ ra.

Chuyển biến thứ ba mà chúng tôi cũng đánh giá rất sâu sắc đó là xác định vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo trong vấn đề xây dựng văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò nòng cốt, cơ quan quản lý văn hóa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của mình. Vì vậy, việc chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa đã thực sự đi vào chiều sâu, được nhân dân ủng hộ cùng đồng hành để cùng chăm lo cho nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Có rất nhiều mô hình và cách làm hay như xây dựng văn hóa ở cộng đồng dân cư thông qua việc ban hành các quy ước, hương ước do người dân xây dựng, để từ đó người dân ý thức được việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng những làng quê đáng sống, giữ được những phong tục tập quán đẹp đẽ, những phẩm chất tốt đẹp vốn có của các vùng đất giàu truyền thống văn hóa, có bề dày lịch sử.

Sự chuyển động trong môi trường văn hóa của các cơ quan, đơn vị, trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Chúng tôi cũng nhìn thấy được rất nhiều tín hiệu tích cực. Từ đó có thể nói văn hóa cũng đã bắt đầu từng bước tiếp cận được các mục tiêu, giữ vai trò, động lực của sự phát triển.

Điểm thứ tư, chúng ta đã nhìn văn hóa ở góc độ kinh tế trong văn hóa- văn hóa trong kinh tế, bằng việc Bộ đã tham mưu Chính phủ tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL rà soát để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và để xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, chúng ta đã bắt đầu khu trú lại những ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có lợi thế. Đồng thời, tranh thủ học tập thêm kinh nghiệm của bạn bè quốc tế đã thành công trong lĩnh vực này.

Chúng ta bước đầu đã "gặt hái" được từ lĩnh vực di tích, di sản, từ những giá trị văn hóa đặc trưng. Chúng ta đã biến nó thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, du lịch từ sản phẩm văn hóa, đóng góp được nguồn thu, giải quyết được việc làm. Nhờ đó, bài toán kinh tế trong văn hóa cũng đã có sự chuyển biến.

Tóm lại sau 2 năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng tôi nhìn thấy sự chuyển biến này rất đáng trân trọng.

Có được kết quả đó nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo sát sao của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và đặc biệt là nhân dân với vai trò là chủ thể nhằm hiểu hơn về giá trị văn hóa, nhận thức rõ hơn và trân quý giá trị văn hóa để cùng nhau xây dựng, tạo ra được chuyển biến căn bản này.

- Thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để trình Chính phủ và Quốc hội. Bộ trưởng có thể chia sẻ nhiệm vụ này đang được Bộ triển khai như thế nào?

Từ đề xuất của Bộ VHTTDL, trên cơ sở Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, được sự đồng ý của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan nghiên cứu bám sát quy trình xây dựng văn bản pháp luật để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Đến thời điểm này, sau nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, của các hiệp hội, địa phương, và qua vòng của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ VHTTDL đã hoàn tất được các bước và đang hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét.

Với tiến độ này, dự kiến đến kỳ họp sắp tới của Quốc hội, Bộ VHTTDL sẽ trình để các Ủy ban của Quốc hội làm nhiệm vụ thẩm tra, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quyết tâm xây dựng văn hóa trở thành động lực và nguồn lực trong sự phát triển bền vững - Ảnh 2.

Theo đó, Chương trình mục tiêu này hướng đến 7 mục tiêu tổng quát, 11 mục tiêu cụ thể với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp, đi kèm với đó là 9 đề án để tập trung vào việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững, góp phần để kiến tạo sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội.

Các nội dung đã được đề cập khá đầy đủ và chi tiết, nguồn lực cũng được cân đối để xem xét, trong đó phân bố rõ đâu là nguồn lực đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt, đâu là nguồn đầu tư từ xã hội.

Chương trình sẽ được phân kỳ trong từng giai đoạn 5 năm, trong đó nêu rõ từ 2025 đến 2030 phải làm gì và đạt được bao nhiêu chỉ tiêu, giai đoạn tiếp theo từ năm 2030 – 2035 là hoàn thành tổng thể các mục tiêu tổng quát để báo cáo với Quốc hội khi tổng kết chương trình.

Nếu Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, thì nhiệm vụ vào năm 2024 và 2025 là tập trung hoàn thiện thể chế bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn. Rút kinh nghiệm từ các chương trình trước đó là có nguồn lực nhưng phải chờ các hướng dẫn để tổ chức thực hiện, vì vậy, công tác hoàn thiện thể chế sau khi chương trình được thông qua cần được khẩn trương, chủ động để có thể thực hiện ngay các nội dung được chỉ rõ trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

- Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch triển khai mà Bộ VHTTDL đã xây dựng sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được Quốc hội thông qua?

Sau khi được Quốc hội thông qua và phân bổ nguồn lực, chúng ta phải tiến hành có trọng tâm, trọng điểm với quan điểm là không cào bằng và đẩy mạnh phân cấp. Ví dụ như vấn đề hoàn thiện thiết chế văn hóa khi đã phân cấp rõ ràng, ở cấp Trung ương thì có bao nhiêu thiết chế và ưu tiên cho hạng mục nào. Chúng ta rất cần những thiết chế văn hóa cấp Trung ương mang dấu ấn của thời đại Hồ Chí Minh, việc này phải lựa chọn một vài công trình vừa đảm bảo tính kiến trúc, vừa đảm bảo phục vụ cho vấn đề nghệ thuật. Từ đó chúng ta sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét phê duyệt Đề án.

Cũng tương tự như vậy, với địa phương thì phải chủ động rà soát, cái nào được ưu tiên làm trước phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương đó.

Đối với cấp cơ sở thì phải xác định cái nào là nâng cấp, cái nào là phải được đầu tư mới để đảm bảo giữ vai trò thiết chế phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Ở di tích, di sản, để biến di tích di sản thành tài sản thì phải có cách để đầu tư. Phải làm rõ những việc nào có thể xã hội hóa, những việc nào Nhà nước phải giữ vai trò đầu tư.

Ví như, những di tích lịch sử cách mạng thì chắc chắn Nhà nước phải đầu tư tôn tạo để giữ vững việc giáo dục truyền thống.

Và còn những di tích thuộc loại hình văn hóa khác thì cũng có thể thông qua cơ chế, chính sách để chúng ta có thể thu hút thêm các nguồn lực từ xã hội.

Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực không phải bằng tiền. Ví dụ như Cuộc vận động Xây dựng văn hóa ở cơ sở, với tư cách là phát huy vai trò của người dân trong vấn đề xây dựng hương ước, quy ước, chúng ta vẫn phải làm và phải làm có tính chiều sâu để thực sự người dân là chủ thể đóng góp xây dựng nền văn hóa của chúng ta.

Rồi việc xây dựng, phát huy các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt, những nội hàm đó phải được các địa phương quán triệt cụ thể hóa một cách sâu sắc hơn. Ví dụ như ở Thủ đô Hà Nội, cần nhấn mạnh thêm yếu tố thanh lịch người Hà Nội. Hoặc như một vùng quê khác có truyền thống hiếu học thì có thể nhấn mạnh thêm yếu tố đó.

- Thưa Bộ trưởng, một mùa lễ hội nữa đã đến gần, Bộ VTTTDL đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương như thế nào để nâng cao công tác quản lý để đảm bảo mùa lễ hội văn hóa-văn minh-an toàn-lành mạnh-tiết kiệm?

Việt Nam của chúng ta là một quốc gia có rất nhiều lễ hội, đến thời điểm này, theo thống kê của ngành, có hơn 8.000 lễ hội từ cấp Trung ương đến cấp địa phương. Các lễ hội của chúng ta có thể nói được tổ chức rất bài bản, giữ gìn và phát huy được phong tục truyền thống, tạo sự đồng tình, ủng hộ và phấn khởi cho nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản thì một số lễ hội cũng đã bắt đầu có dấu hiệu bị biến tướng, có tình trạng lợi dụng lễ hội để thương mại hóa, không đúng với tính chất của lễ hội.

Chính vì vậy, phát huy kết quả của năm 2023 về tăng cường công tác quản lý lễ hội, Bộ VHTTDL đã có chỉ thị, ban hành nhiều công văn và chỉ đạo các địa phương ban hành, xây dựng đề án tổ chức lễ hội. Lễ hội nào là của nhân dân phải do nhân dân đứng ra tổ chức và phải cam kết trước chính quyền về việc tổ chức lễ hội để không bị biến tướng, không làm xấu đi hình ảnh. Những lễ hội nào do Nhà nước chủ thì phải làm đúng trọng tâm trọng điểm có sức lan tỏa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quyết tâm xây dựng văn hóa trở thành động lực và nguồn lực trong sự phát triển bền vững - Ảnh 3.

Chúng tôi khuyến khích các lễ hội phải hướng về cái đẹp đúng với bản chất của nó. Người dân cần hiểu đúng bản chất của lễ hội để tham gia lễ hội với tư cách là một chủ thể sáng tạo trong vấn đề gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống ở các vùng quê.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đạt được yêu cầu về đảm bảo được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo được công tác phòng, chống cháy nổ. Quan trọng hơn nữa là phải làm thỏa mãn đời sống văn hóa của nhân dân và có đóng góp đáng kể vấn đề về dịch vụ. Như thế chúng ta phải giải được bài toán "3 trong 1" thì việc tổ chức lễ hội mới thành công.

Tôi mong rằng, từ chỉ thị, các công văn chỉ đạo, từ các đề án mẫu mà Bộ VHTTDL đã thiết kế, đã triển khai, các địa phương sẽ đồng hành cùng với Bộ để tổ chức thành công mùa lễ hội năm nay.

Tôi được biết các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực như thế, lễ hội của chúng ta sẽ đạt được yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

- Với không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày Tết đến Xuân về, Bộ trưởng có muốn nhắn gửi điều gì trong dịp này?

Mùa Xuân luôn luôn gắn liền với hy vọng. Tôi nghĩ rằng những mơ ước, khát vọng để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quyết tâm xây dựng văn hóa trở thành động lực và nguồn lực trong sự phát triển bền vững - Ảnh 4.

Hy vọng trong năm tới, sự đồng hành của nhân dân, sự nỗ lực của đội ngũ văn nghệ sỹ, cùng với việc tăng cường vai trò quản lý của những người làm công tác văn hóa, chắc chắn là ngành VHTTDL của cả nước sẽ có bước phát triển tốt hơn.

Tôi cũng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành trước sự quan tâm của lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành, ủng hộ của Nhân dân đối với toàn ngành VHTTDL trong thời gian qua. Đó sẽ là động lực, hành trang quan trọng để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó./.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nội dung:
Thế Công
Thiết kế:
Xuân Trường
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com