Chủ nhật | 17/12/2023

Sáng 14/12, nhân chuyến thăm và tổ chức Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam năm 2023, tại Hà Nội, bà Suansavanh Viyaketh - Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch (TTVHDL) Lào và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã có buổi hội đàm nhằm nhìn lại kế hoạch phối hợp năm 2023 và phương hướng hợp tác trong năm tới.

Thông qua cầu nối văn hóa để vun đắp mối quan hệ "đặc biệt" giữa Việt Nam-Lào - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội đàm

Cầu nối văn hóa đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội của nhân dân hai nước

Phát biểu mở đầu buổi hội đàm, với tinh thần phấn khởi như được gặp lại những người anh em, đồng nghiệp thân thiết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp Đoàn công tác của Bộ TTVHDL Lào do Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh dẫn đầu.

Bộ trưởng cho biết, nhìn lại năm 2023 trên lĩnh vực hợp tác, hai Bộ đã luôn bám sát quan điểm, đường lối đối ngoại của 2 Đảng, các cam kết, tuyên bố cấp cao của các đồng chí lãnh đạo cấp cao hai Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào. Chúng ta có những thuận lợi khi năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào, chúng ta đã sôi nổi tổ chức các hoạt động đối ngoại đa phương, song phương, đối ngoại văn hóa. Thành tựu của năm 2022 là tiền đề để chúng ta tiếp bước thực hiện có hiệu quả những kế hoạch trong phối hợp giữa hai nước trong năm 2023.

Nhìn từ góc độ đó, Bộ trưởng cho rằng có một số điểm nhấn mà hai Bộ đã đạt được. Thứ nhất, chúng ta đã lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa của mỗi quốc gia với cách tiếp cận nhân dân là chủ thể sáng tạo để bồi đắp quan hệ đối ngoại thông qua việc tăng cường giao lưu văn hóa, nhân dân.

"Chúng ta cũng vui mừng khi nhìn thấy tất cả các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam - Lào đều sôi nổi tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa, các hoạt động an sinh xã hội để tô thắm hơn tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Thông qua cầu nối văn hóa đã tác động đến đời sống kinh tế xã hội của nhân dân hai nước theo hướng ngày càng tốt hơn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông qua cầu nối văn hóa để vun đắp mối quan hệ "đặc biệt" giữa Việt Nam-Lào - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi hội đàm

Điểm nhấn thứ hai đó là chúng ta đã duy trì thực hiện cam kết tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam, Lào ở hai quốc gia. Trong đó, phía bạn Lào đã tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào được diễn ra rất thành công. Qua đó để một lần nữa khẳng định đây là cầu nối hiệu quả, làm tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia.

Điểm nhấn thứ ba đó là chúng ta đã chú ý nghiên cứu có tính chiều sâu để hỗ trợ, đề xuất các cấp có thẩm quyền công nhận các di tích, di sản. Trong đó, một trong những công việc trọng điểm mà hai bên đang phối hợp triển khai đó là xây dựng hồ sơ để mở rộng Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), cùng với Vườn quốc gia Hin Nam No (tỉnh Khăm Muộn) trở thành di sản liên quốc gia được UNESCO ghi danh.

Điểm nhấn thứ 4, trong lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua hai nước, hai Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác trao đổi khách du lịch. Bộ trưởng cho biết, từ đầu năm đến nay, qua thống kê cho thấy lượng khách Việt Nam đến Lào đạt 120 nghìn lượt, lượt khách Lào đến Việt Nam đạt 600 nghìn lượt.

Bộ trưởng cho rằng, thông qua việc phát triển du lịch giúp cho người dân hai nước hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị hết sức đặc biệt mà các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước đã dày công vun đắp để có được ngày hôm nay.

Nhắc lại 4 điểm nhấn quan trọng này, Bộ trưởng khẳng định, chúng ta có thể vui mừng khi kết quả hợp tác giữa lĩnh vực Văn hóa - Du lịch mà hai Bộ đạt được đúng với tinh thần biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ trưởng, góp phần làm tốt hơn mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp giữa hai Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Thongloun Sisoulith đã nhận định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả rất đáng trân trọng nhưng do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, vẫn còn có những hoạt động mong muốn được tổ chức quy mô lớn, chiều sâu hơn nhưng nguồn lực chưa đủ để thực hiện. Đó là yếu tố khách quan mà cả hai bên đều nhìn thấy, cảm thông để hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Du lịch Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu

Phát biểu tại buổi hội đàm, bà Suansavanh Viyaketh - Bộ trưởng Bộ TTVHDL Lào cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị, thắm tình đồng chí anh em trong gia đình mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã dành cho đoàn.

"Chúng tôi vui mừng khi được trở lại thăm Việt Nam và dự cuộc hội đàm cấp cao giữa hai Bộ" - Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ nhất trí với ý kiến đánh giá hợp tác của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về kết quả hợp tác Văn hóa- Du lịch giữa hai Bộ, qua đó thể hiện truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc anh em của chúng ta.

Thông qua cầu nối văn hóa để vun đắp mối quan hệ "đặc biệt" giữa Việt Nam-Lào - Ảnh 3.

Bà Suansavanh Viyaketh - Bộ trưởng Bộ TTVHDL Lào cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị, thắm tình đồng chí anh em trong gia đình mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã dành cho đoàn.

Nhấn mạnh câu nói của nhân dân Lào "Mất văn hóa là mất nước", Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho rằng, quan hệ hợp tác giữa hai Bộ thời gian qua đã góp phần vun đắp vào mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam-Lào. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực Văn hóa, Du lịch ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, từng bước cụ thể hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Lào Thongloun Sisoulith.

Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh khẳng định, nước Cộng hòa DCND Lào nói chung, Bộ TTVHDL Lào nói riêng luôn luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện với nước Việt Nam anh em, Bộ VHTTDL Việt Nam. Thời gian qua, Bộ TTVHDL Lào đã nỗ lực cùng Bộ VHTTDL Việt Nam để mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Bộ ngày càng "đơm hoa kết trái", góp phần tăng cường mối quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai quốc gia. Qua đó đã giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước về mối quan hệ giữa hai dân tộc.

Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh thông tin thêm, sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, Đảng, Chính phủ Lào coi du lịch là mũi nhọn quan trọng tạo động lực thúc để phát triển kinh tế, nguồn thu cho đất nước. Do đó, Chính phủ Lào đã chỉ đạo Bộ TTVHDL nghiên cứu, xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch dịch vụ mới nhằm thu hút khách du lịch, để du lịch xứng đáng là lĩnh vực tạo đà cho phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.

Bày tỏ vui mừng vì lượng khách du lịch Việt Nam đến Lào đạt thứ 2, xếp trên Trung Quốc và dưới Thái Lan, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho biết, các điểm du lịch văn hóa, lịch sử thiên nhiên của Lào đã đón nhiều khách quốc tế, đến tham quan, trải nghiệm. Từ phía ngược lại, Bộ trưởng cũng cho rằng, người dân Lào rất thích đi lịch Việt Nam vì có nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển đẹp.

Đề xuất một số nội dung hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho rằng cần tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước với chuỗi các hoạt động trao đổi văn hóa thường xuyên có quy mô ngày càng lớn, sâu sắc hơn.

Về lĩnh vực du lịch, cần xem xét nghiên cứu tăng cường kết nối giữa hai nước. "Như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ đó là xây dựng các tour, tuyến phù hợp để khách quốc tế khi đến Việt Nam sẽ có điều kiện để du lịch đến Lào và ngược lại" - Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh nhấn mạnh.

Về việc phối kết hợp Vườn quốc gia Hin Nam No của Lào kết hợp với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho biết: "Ngay khi chúng tôi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Lào, Bộ TTVHDL Lào đã phối hợp tích cực với Bộ VHTTDL Việt Nam để cùng xây dựng hồ sơ sớm đệ trình UNESCO theo quy định".

Cũng theo bà Suansavanh Viyaketh, phía Bộ TTVHDL Lào rất ghi nhận, cảm ơn những hỗ trợ của Bộ VHTTDL Việt Nam trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa, nghệ thuật thời gian qua. Thấu hiểu những khó khăn như Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, tuy nhiên, Bộ trưởng TTVHDL Lào cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới phía Bộ VHTTDL Việt Nam sẽ tiếp tục cử giảng viên, chuyên gia tập huấn cho đội ngũ cán bộ của Lào.

Thông qua cầu nối văn hóa để vun đắp mối quan hệ "đặc biệt" giữa Việt Nam-Lào - Ảnh 4.

Cảm ơn phía Việt Nam đặc biệt là Bộ VHTTDL đã tạo mọi điều kiện để Lào tổ chức Tuần văn hóa tại thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và tỉnh Ninh Bình với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cũng thông tin thêm, năm 2024, Lào sẽ đảm nhận vai trò là Chủ tịch luân phiên của ASEAN với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường".

Trong đó, các hoạt động văn hóa du lịch sẽ là trụ cột quan trọng trong năm 2024, nổi bật là Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa các nước ASEAN, giao lưu biểu diễn nghệ thuật các nước ASEAN. "Tôi trân trọng mời Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng đoàn công tác Bộ VHTTDL đến dự Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa các nước ASEAN cũng như các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lào trong năm tới" - bà Suansavanh Viyaketh bày tỏ.

Một lý do nữa mà bà Suansavanh Viyaketh mong muốn được mời Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đến thăm Lào vào năm 2024, là Năm du lịch quốc gia Lào với chủ đề "An toàn tận hưởng văn hóa lịch sử thiên nhiên", trong đó sẽ có chuỗi các hoạt động quảng bá, giao lưu về văn hóa du lịch hết sức nổi bật và ấn tượng.

Việt Nam sẽ là thành viên có trách nhiệm để cùng Lào tổ chức thành công Năm Chủ tịch ASEAN

Cơ bản đồng tình về nhận định trong công tác phối hợp giữa hai Bộ trong năm 2023 và kiến nghị, đề xuất của Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia, Bộ VHTTDL luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ nước bạn Lào trong điều kiện cho phép của mình.

Thông qua cầu nối văn hóa để vun đắp mối quan hệ "đặc biệt" giữa Việt Nam-Lào - Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ là thành viên có trách nhiệm để cùng Lào tổ chức thành công Năm Chủ tịch ASEAN

Về hợp tác trong lĩnh vực di sản, sau khi nghe báo cáo của Cục Di sản văn hóa tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: "Phía Bộ VHTTDL luôn nỗ lực với tinh thần và trách nhiệm cao nhất để cùng phía Lào thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ hai nước".

Trên tinh thần đó, Việt Nam cũng sẽ là thành viên có trách nhiệm để cùng Lào tổ chức thành công Năm Chủ tịch ASEAN cũng như sẽ cử lãnh đạo tham dự các hoạt động của Năm du lịch quốc gia Lào 2024. Nếu phía Lào đồng ý, trong thời điểm diễn ra các hoạt động nghị sự chính của năm ASEAN tại Lào, Việt Nam có thể tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại Lào làm phong phú thêm màu sắc văn hóa của các quốc gia ASEAN.


Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ TTVHDL Lào Suansavanh Viyaketh tặng quà lưu niệm

Về việc cử chuyên gia Việt Nam sang giúp công tác tập huấn, đào tạo tại Lào, Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ và nhấn mạnh việc này đã được Việt Nam thực hiện rất hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, phía Lào cần có báo cáo về nhu cầu cụ thể của mình gửi đến phía Việt Nam để công tác đào tạo, tập huấn được thiết thực, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thông tin về việc Lãnh đạo hai nước đã quyết định xây dựng Công viên văn hóa hữu nghị tại Thủ đô Viêng Chăn do Văn phòng Trung ương Đảng Lào và Bộ VHTTDL làm chủ đầu tư. Vì vậy ông mong muốn Bộ TTVHDL Lào ủng hộ, báo cáo với Văn phòng Trung ương Đảng Lào để sớm có phương án chọn lựa thi tuyển kiến trúc, sớm thi công đúng tiến độ.

Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện cho Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào để thực hiện tốt hơn chức năng giao lưu, quảng bá văn hóa, trở thành hạt nhân tích cực trong quá trình giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Thông qua cầu nối văn hóa để vun đắp mối quan hệ "đặc biệt" giữa Việt Nam-Lào - Ảnh 7.

Hai bên cùng chụp hình lưu niệm.

Tại buổi hội đàm, hai bên đều thống nhất cao tiếp tục tổ chức các hoạt động làm sâu sắc hơn nhận thức nhân dân về quan hệ đối ngoại đặc biệt. Lãnh đạo hai bên đều kỳ vọng, thông qua kết quả của cuộc hội đàm, hợp tác văn hóa, du lịch sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa vì mục tiêu phát triển bền vững của hai nước Việt Nam-Lào./.

Cơ hội tốt để di sản "liên biên giới" đầu tiên của hai nước được UNESCO ghi danh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, báo cáo tại buổi hội đàm về đề xuất hợp tác trong lĩnh vực di sản từ phía Lào, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bộ, Cục đã ngay lập tức phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục.

Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Cục Di sản nước bạn và tỉnh Quảng Bình để hoàn thiện hồ sơ, kế hoạch quản lý di sản ở mỗi quốc gia. Hiện, Cục đã nhận được hồ sơ hoàn thiện chỉnh sửa bổ sung từ phía Lào. Đã tiến hành thẩm định, báo cáo Bộ trưởng, gửi xin ý kiến các Bộ của Việt Nam để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, với việc Việt Nam trúng cử trở thành một trong 121 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, đây là cơ hội tốt để di sản "liên biên giới" đầu tiên của hai nước được UNESCO ghi danh./.

Thế Công - Ảnh: Nam Nguyễn
Dẫn nguồn: Thông qua cầu nối văn hóa để vun đắp mối quan hệ "đặc biệt" giữa Việt Nam-Lào (bvhttdl.gov.vn)

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com