Thứ 4 | 12/06/2024

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư.

Tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa

Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Trong đợt 1 của Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã có thảo luận tổ để cho ý kiến về nội dung này. Tiếp đó, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường vấn đề này trong đợt 2 của Kỳ họp (dự kiến diễn ra từ ngày 17-28/6).

Cho ý kiến tại tổ thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đều cơ bản nhất trí sự cần thiết thực hiện Chương trình MTQG về phát triển văn hóa như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, đánh giá cao sự đầu tư, nghiên cứu, xây dựng Chương trình của Chính phủ với 7 nhóm mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể, 10 nội dung thành phần, 135 chỉ tiêu, 42 nhiệm vụ cụ thể và 186 hoạt động chi tiết thực hiện trong hai giai đoạn 2025 - 2030 và 2030 - 2035.

Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách phát triển văn hóa hiện nay.

Đồng thời tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần rà soát, giảm thiểu sự trùng lặp về nội dung trong các chương trình đang triển khai thực hiện. Mặt khác, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính độc lập tương đối của chương trình nhưng cũng phải tranh thủ nguồn lực phù hợp từ các chương trình khác.

Bố trí nguồn lực đảm bảo Chương trình thực hiện theo đúng lộ trình và thời gian

Về đối tượng thụ hưởng, Chương trình xác định 07 nhóm đối tượng thụ hưởng, trong đó có một số đối tượng, gồm: Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc; Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ; Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; Đội tuyên truyền lưu động; Các cơ sở, địa điểm vui chơi cho trẻ em; Các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng công lập; Di vật, bảo vật, cổ vật quốc gia.

Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát theo hướng khái quát, tránh bỏ sót về đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Bên cạnh đó là rà soát cơ sở pháp lý của các đối tượng thụ hưởng để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư.

Nêu ý kiến về thời gian thực hiện Chương trình, Tờ trình của Chính phủ đề xuất thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035), chia thành 03 giai đoạn, trong đó: giai đoạn 1, năm 2025; giai đoạn 2, từ 2026 - 2030; giai đoạn 3, từ 2031 – 2035, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng việc xây dựng Chương trình trong khoảng 10 năm là phù hợp để bảo đảm thực hiện các mục tiêu dài hạn và nên chia thời gian thực hiện Chương trình theo hai giai đoạn là 2026 - 2030 và 2031 – 2035 để bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, việc chia thành 2 giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 sẽ bảo tính khả thi trong việc phân bổ nguồn vốn, phù hợp với giai đoạn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời thuận tiện trong công tác theo dõi, đánh giá.

Đối với năm 2025, các hoạt động chuẩn bị cho triển khai Chương trình, như: xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn,… nên phân công cho các cơ quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và được bố trí kinh phí trong phương án dự toán chi thường xuyên của cơ quan theo phân cấp ngân sách nhà nước năm 2025.

Cùng dành sự quan tâm đến thời gian thực hiện Chương trình, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tán thành với ý kiến đề xuất của Chính phủ và cho rằng, cách phân chia như vậy là hợp lý, có thời gian để các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị thực hiện Chương trình vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng, phân công, phân cấp rõ ràng các cơ quan liên quan phụ trách và bố trí nguồn lực đảm bảo Chương trình thực hiện theo đúng lộ trình và thời gian tránh như các chương trình mục tiêu vừa qua.

Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Cũng theo đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, việc triển khai Chương trình ở thời điểm hiện nay là phù hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”; đồng thời, đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển của đất nước hiện nay.

Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Liên quan đến quản lý, khai thác và phát huy giá trị của di sản, ĐBQH Đặng Xuân Phương (Quảng Ninh) cho rằng, đây là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt là với những di tích văn hóa lịch sử, cách mạng. Bên cạnh đầu tư xã hội hóa thì nguồn lực của Nhà nước cũng rất quan trọng để hoàn thiện các hồ sơ di sản, từ đó góp phần làm giàu vốn văn hóa, củng cố cơ sở khoa học, cũng như củng cố luận cứ để phát triển kinh tế di sản.

Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư - Ảnh 4.

Đại biểu Đặng Xuân Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Trong Chương trình đã đề ra giải pháp rất thiết thực và cũng thấy được tiềm năng để quy hoạch lại các khu vực phát triển di sản cũng như đô thị di sản; trong đó di sản phải có mối liên hệ chặt chẽ với công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, "chỉ tiêu phát triển công nghiệp văn hóa như nghệ thuật biểu diễn vẫn còn khiêm tốn". Nêu nhận định này, đại biểu Đặng Xuân Phương dẫn chứng, một show trình diễn của Taylor Swift tại Singapore đã có doanh thu gần 1 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu 31 triệu USD. Con số khiêm tốn như vậy là do liên quan đến thiết chế về hạ tầng kỹ thuật chưa đạt chuẩn.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị, nguồn lực nhà nước cũng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải vào những vấn đề cụ thể; đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành có định hướng phát triển du lịch, phát triển văn hóa.

Cho ý kiến tại tổ thảo luận, ĐBQH Võ Văn Hội (Bến Tre) đề nghị, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần gắn kết với các chương trình khác như nông thôn mới, giảm nghèo, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, phải có sự quan tâm kinh phí để bảo đảm xây dựng, trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử mang tính chất giáo dục, Nhà nước cần có nguồn lực để bảo đảm vấn đề này./.
Thế Công - Ảnh: Quốc hội
Dẫn nguồn: 
Chương trình MTQG về phát triển văn hóa sẽ khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư (bvhttdl.gov.vn)

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com