Xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử, huyện Yên Lập đã tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
- Cán bộ Văn phòng UBND huyện kiểm tra, rà soát các văn bản điện tử đã nhận trên hệ thống.
PTĐT - Thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, ổn định, an toàn, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; giảm thời gian, chi phí cũng như nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, tháng 9/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện.
Sau hơn 1 năm thực hiện toàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng thành công chính quyền điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Là một trong những đơn vị đi tiên phong trong xây dựng, thực hiện chính quyền điện tử để thay đổi từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, huyện Yên Lập đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT ngày càng hiện đại, trang bị đồng bộ hệ thống máy tính có kết nối mạng Internet băng thông rộng đến cấp xã. Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử; lưu trữ văn bản đi, đến; quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị. Đến nay, 100% các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền ban hành và giải quyết của các cơ quan Nhà nước đã được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản, điều hành; các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, điều hành, ứng dụng chữ ký số để xử lý, điều hành trong nội bộ đơn vị; hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ huyện xuống xã tổ chức theo đúng quy định.
Ông Đinh Hải Nam- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Triển khai chính quyền điện tử đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ các bộ, công chức, viên chức. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ, người dân; các ứng dụng dùng chung đã được triển khai sử dụng, nhân rộng: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử, trang thông tin điện tử, hệ thống một cửa điện tử, các ứng dụng chuyên ngành… vừa phục vụ tốt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ vừa nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, giảm thời gian, chi phí.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, tạo tính thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh, thời gian qua, hạ tầng CNTT của tỉnh được quan tâm đầu tư, Trung tâm tích hợp dữ liệu số được xây dựng, đảm bảo vận hành ổn định các hệ thống dùng chung của tỉnh như: Hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành, trang thông tin điện tử của các cơ quan và một số ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành khác. Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Ngay sau khi Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được phê duyệt, Sở TT&TT đã tham mưu cho tỉnh triển khai xây dựng, hoàn thiện các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử đảm bảo phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử, phát triển các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ đồng bộ, liên thông, thống nhất kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu Quốc gia và các bộ, ngành Trung ương.
Từ ngày 15/3/2020, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Từ sau ngày 1/6/2020, 100% sở, ban, ngành, huyện, thành, thị, trên 90% xã, thị trấn thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ văn bản mật và văn bản bắt buộc gửi văn bản giấy theo quy định). Đến ngày 30/8/2020 Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Phú Thọ (IOC) chính thức đi vào hoạt động phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được trang bị máy tính đáp ứng nhu cầu làm việc đạt trên 98,46%; cấp xã, phường, thị trấn đạt 70%. 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao phục vụ công tác. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được tổ chức thường xuyên phục vụ tốt các cuộc họp của tỉnh với Trung ương, các cuộc họp giữa các cơ quan Nhà nước của tỉnh, huyện…
Đặc biệt, cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp trực tuyến 100% các thủ tục hành chính (TTHC) công mức độ 2, 1.522 TTHC công mức độ 3 (đạt 79,85%), 602 TTHC công mức độ 4 (đạt 31,21%). Ứng dụng hoạt động ổn định, góp phần giải quyết các hồ sơ, TTHC của người dân và doanh nghiệp một cách công khai minh bạch.