Chủ nhật | 21/07/2024

Sau Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa do Thủ tướng Chính phủ trì vào cuối tháng 12/2023, hiện nay, Bộ VHTTDL đang trẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Công nghiệp văn hóa: Thách thức nhiều nhưng cũng là cơ hội - Ảnh 1.

Hình minh họa

Thông qua các Hội nghị, hội thảo do các ngành, các địa phương, đơn vị được tổ chức thời gian qua, Bộ VHTTDL đang tích cực tiếp thu các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.

Tại buổi tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030" mới đây, các chuyên gia nhận định, so với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới vốn đã chú trọng phát triển từ lâu và thành công vang dội với công nghiệp văn hóa, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay mới phát triển ở tầm trung. Lực cản còn lớn nên phải tập trung tháo gỡ.

Tiềm năng, thế mạnh của 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa là rất dồi dào, vì vậy cần nhiều giải pháp thiết thực để biến nguồn lực này thành giá trị kinh tế thật sự, đóng góp đáng kể hơn vào sự phát triển của đất nước.

Hàng loạt vấn đề hiện nay đang được đặt ra, từ công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và giao lưu, hợp tác quốc tế đến đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư tài chính để xây dựng những sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao trong các ngành công nghiệp văn hóa…

Thách thức nhiều nhưng cũng là cơ hội

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ thuật - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ, Viện đã theo đuổi phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam từ 2010, hơn 10 năm qua là giai đoạn căn cốt.

Sự thay đổi chóng mặt về tốc độ, quy mô khiến cho công nghiệp văn hóa đã khác so với trước đây. Theo đó, sự phát triển của công nghiệp văn hóa hiện nay liên quan đến nền kinh tế số. Thách thức lớn hiện nay đó là việc doanh nghiệp, người làm sáng tạo, nhà nước phải kịp thời nắm bắt công nghệ số, trí thông minh nhân tạo, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, quan điểm tiếp cận, mô hình tiếp cận…

"Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải nắm bắt như thế nào?" - đặt vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, với phát triển công nghệ số hiện nay đang đặt ra vấn đề yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam thay đổi mô hình để kiến tạo thị trường.

Người dân có xu hướng tiêu dùng số, sở hữu công nghệ thông minh, chi trả nhỏ, tiêu dùng toàn cầu đã tạo ra tính cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đây là vấn đề văn hóa và sáng tạo. Chúng ta sẽ mất thị trường này nếu không khai thác lợi ích, chuyển đổi mô hình để thay đổi công nghệ số hiện nay.

Cũng theo bà Thu Hà, vấn đề phát triển bền vững trong công nghiệp văn hóa cũng cần được quan tâm. Để tiến đến thị trường quốc tế, sản phẩm văn hóa Việt cũng phải đảm bảo các yếu tố về giảm tác động đến môi trường, phản ánh giá trị, mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu mới cạnh tranh môi trường quốc tế.

"Thách thức nhiều nhưng cũng là cơ hội như có tính hệ sinh thái, liên ngành, vì vậy cần chuyển đổi cách tiếp cận hiện nay để nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Tôi quan sát thời gian qua, một số ngành công nghiệp văn hóa mang tính toàn cầu, có tính thuyết phục của ngành để thu hút, kích thích doanh nghiệp, thế hệ trẻ, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực. Đây là cơ hội để Nhà nước có chính sách thúc đẩy thế hệ doanh nghiệp mới tạo ra sản phẩm có sự phát triển trong thời đại mới" - bà Thu Hà cho hay.

Hiện nay, doanh nghiệp mong có môi trường thuận lợi mọi mặt để kinh doanh, phát triển, đối xử công bằng vì vậy cần đột phá về chính sách. Một mặt rốt ráo thực hiện các cam kết, một mặt điều chỉnh để có chính sách đột phá, cơ chế tập trung, ưu đãi cho người làm sáng tạo. Doanh nghiệp khai thác ở mức độ nào đó ở tài sản công.

"Chúng ta cần có cơ chế đặc thù để doanh nghiệp có ưu đãi thuế. Thời điểm này chúng ta không được bỏ lỡ vì vài năm nữa sự phát triển có thể sẽ chuyển hướng sang khu vực khác như châu Mỹ, châu Phi" - bà Thu Hà nói.

Cần phải đồng bộ về hạ tầng

Đặt vấn đề tại sao Trung Quốc thành công lễ hội văn hóa, họ quan trọng tính địa phương, lịch sử, văn hóa? - đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng, cần nhìn lại "chất liệu" của chúng ta để hiểu được giá trị gì tính toàn cầu, địa phương. Đồng thời, cần để gắn kết giữa giải trí và giáo dục, giải trí phải chú ý đến tính giáo dục, trong đó tính toán cả nhân lực, vật lực. Nhân lực ở đây là con người biểu diễn và cả khán giả.

"Chúng ta nói đến biểu diễn nhưng chúng ta quan tâm nhiều đến lễ hội, mảnh đất màu mỡ chưa tận dụng hết đó là văn hóa địa phương. Chúng ta có thể thấy, khách du lịch đến nước nào cũng tìm hiểu về thiên nhiên, lịch sử, tâm linh, văn hóa" - đạo diễn Phạm Hoàng Nam nêu quan điểm.

Cũng theo đạo diễn Hoàng Nam, việc phát triển du lịch, công nghiệp biểu diễn cần phải quan tâm đến yếu tố bền vững. Cảm xúc là sản phẩm đặc biệt, tồn tại ngoài vật chất, thế giới đang đánh mạnh vào cái này và chúng ta cần tận dụng để đưa giáo dục vào.

"Việt Nam mình cần bổ sung niềm tự hào trong cảm xúc, đó là cảm xúc thỏa mãn về niềm tự hào, một cái chúng tôi muốn theo đuổi. Tôi nghĩ rằng cũng cần bổ sung thêm giao diện online và offline để thể hiện sản phẩm đó. Online thì chúng ta đã nói nhiều như kỹ thuật số, không chỉ là biểu diễn mà bất kỳ điều nào là hiện tượng, định hướng và nhận thức. Phần offline, nếu chúng ta có nhân tài, chương trình lớn mà không có địa điểm, hệ thống chuyên nghiệp thì không thể nào thực hiện" - ông Phạm Hoàng Nam bày tỏ.

Tuy nhiên, đạo diễn Hoàng Nam cho rằng: "Hạ tầng để phát triển công nghiệp văn hóa của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ. Mọi thứ không đồng bộ thì phát triển rất khó. Phải có tính đồng bộ thì mới tạo ra công nghiệp từ tầm tư duy đến những điều nhỏ nhất".

Tìm kiếm các địa điểm tổ hợp, phức hợp để phát triển văn hóa, giải trí

Nêu câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa tại TP HCM, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM cho biết, TP HCM là địa phương tiên phong, sáng tạo trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trong nhiều năm qua, mang lại nhiều giá trị văn hóa.

Bà Thanh Thúy cho biết, TP HCM khi ban hành đề án phát triển các ngành văn hóa đã nghiên cứu, tham khảo "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Chính phủ ban hành, lấy ý kiến các cơ quan ban ngành, đánh giá thực tiễn liên quan nhằm chọn ra một số ngành trọng tâm để phát triển, đó là nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, quảng cáo, mỹ thuật, triển lãm, du lịch văn hóa…

Hội đồng nhân dân TP HCM cũng đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức các lễ hội cấp thành phố và Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng đã từng chỉ đạo, đó là thành phố mỗi tháng phải có một sự kiện lễ hội tiêu biểu.

TP HCM có lễ hội Áo dài, lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, các liên hoan quốc tế… lấy chất liệu từ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương TP HCM. Khi xây dựng đề án "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã có một số đánh giá, như dân số thành phố khoảng 10 triệu, dao động tầm 13 triệu bao gồm độ tuổi lao động chính thức, được ghi nhận là “dân số vàng”.

"Chúng ta có những nhà đầu tư quốc tế, có các nhà làm phim với khoản đầu tư hàng trăm tỉ đồng, hệ thống phát hành phim. Một doanh nghiệp lĩnh vực phát hành phim cần 20 năm để thu hồi vốn. Chúng ta cần tổ hợp để có thể tạo một nơi phát triển, phục vụ điện ảnh. TP HCM nhìn thấy điều ấy và trong các phiên họp phát triển tổng thể, lãnh đạo TP đã có những chỉ đạo phải tìm kiếm các địa điểm tổ hợp, phức hợp để phát triển văn hóa, giải trí" - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cho hay.
Bảo Trân
Dẫn nguồn: 
Công nghiệp văn hóa: Thách thức nhiều nhưng cũng là cơ hội (bvhttdl.gov.vn)

 
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com