Điểm nhấn tại phiên chợ không chỉ là hoạt động livestream bán hàng qua mạng xã hội TikTok để tiêu thụ nông sản mà còn là cơ hội để các chủ thể sản xuất, kinh doanh được tiếp cận trực tiếp cách bán hàng mới; đồng thời, phối hợp với đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao quy trình lập gian hàng, thiết lập kênh bán hàng trên sàn TMĐT và mạng xã hội để chủ thể sản xuất chủ động vận hành, kinh doanh nông sản tại địa phương.
Là đơn vị trực tiếp tham gia sáng tạo nội dung trong Chương trình livestream “Chợ phiên OCOP- Về miền Đất Tổ”, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường Foods đã học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng sáng tạo nội dung, cách thức quảng bá để có thể tự vận hành cửa hàng trực tuyến. Hiện nay tài khoản TikTok Hoa Thịt Chua của chị Nguyễn Thị Thu Hoa- Giám đốc Công ty đã có 359.000 lượt người theo dõi.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hoa khẳng định: Việc bán hàng qua mạng xã hội TikTok thuận lợi hơn so với bán hàng trực tiếp theo hình thức truyền thống. Chúng tôi có thể chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, bán hàng qua mạng xã hội yêu cầu mình phải chủ động nguồn nhân lực để thực hiện các khâu đóng gói, vận chuyển và cam kết với đơn vị giao hàng vận chuyện đúng thời gian quy định. Qua thống kê, sau mỗi phiên livestream từ 2,5-3 giờ, Công ty bán trung bình từ 1.000-1.200 đơn hàng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến, đưa sản phẩm nông sản của tỉnh giới thiệu, quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, tỉnh cũng đã đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Các sản phẩm tham gia sàn TMĐT ngày càng phong phú, đa dạng, từ các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến đến các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đến nay, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn đã thu hút được 303 gian hàng với 946 sản phẩm, trên 5,5 lượt người truy cập.
Việc chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các sàn TMĐT và mạng xã hội là hướng đi đúng đắn trong kinh doanh hiện nay với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nhanh, dễ tiếp cận với sản phẩm, không mất phí quảng cáo và quan trọng nhất là đối tượng khách hàng được mở rộng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc đưa nông sản lên sàn TMĐT nói chung và mạng xã hội nói riêng còn nhiều khó khăn đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, bởi đa phần người sản xuất là nông dân, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế; trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; nguồn nhân lực để vận hành kênh bán hàng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển một số sản phẩm nông sản chưa đảm bảo...
Để nông sản của tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn TMĐT, các ngành chức năng của tỉnh đang phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện đồng bộ giải pháp, hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh thiết lập, đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thêm các kênh phân phối mới; tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó thực hiện công tác đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho các chủ thể sản xuất và người quản lý hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng.