Thứ 5 | 30/05/2024

Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về 3 nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình MTQG về phát triển văn hóa  - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Phát biểu thảo luận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho biết, vừa qua cả nước đã cùng nhau hướng về Điện Biên, hướng về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Qua theo dõi, đại biểu cho biết đã có sự đổi mới rất lớn trong quá trình tổ chức sự kiện này, đó là năm nay đã kết hợp tổ chức các chương trình kỷ niệm 70 năm với triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024 với sự đầu tư nguồn lực to lớn cả về cơ sở vật chất, thời gian, công sức.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình MTQG về phát triển văn hóa  - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước

Theo đại biểu, hầu hết các kênh truyền thanh, truyền hình, báo chí đều tích cực chủ động đưa tin về các chương trình trong và xung quanh sự kiện này. Từ đó đã tạo ra sự bùng nổ đối với du lịch Điện Biên, những từ khóa như cháy vé máy bay, cháy tour, cháy phòng khách sạn để nói về thu hút sự kiện này liên tục xuất hiện và được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, cho thấy sự quan tâm rất lớn của người dân trong nước, nhất là trong giới trẻ đối với Điện Biên nói chung và sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng.

Từ những kết quả trên, đại biểu cho rằng, để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì con đường đúng đắn nhất chúng ta là phải có sự đầu tư phát triển mạnh mẽ về văn hóa du lịch, không chỉ Điện Biên mà còn rất nhiều địa phương khác.

"Như các tỉnh Tây Nguyên dù có nhiều khó khăn về điều kiện, đường sá, sinh hoạt, sản xuất, đời sống của con người nhưng bù lại ở những nơi đó có những cảnh quan tươi đẹp, di tích sự kiện lịch sử rất nhiều và có nhiều nét văn hóa đa dạng" - nêu thực tế này, nữ đại biểu Đoàn Kon Tm cho rằng, nếu những điều kiện đó được quan tâm đầu tư, khai thác sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đó cũng là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa trong thời đại hiện nay, không chỉ tạo sự đột phá, sức sống mới trong hiện tại mà còn là giải pháp phát triển bền vững, dài hạn của tương lai.

Để làm được điều đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu một số kiến nghị. Thứ nhất, cần quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045.

Thứ hai, các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan đối với các địa phương, nhất là địa phương còn nhiều khó khăn, ít kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội kết hợp văn hóa và du lịch.

Thứ ba, có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước. Quyết tâm cải thiện, đưa người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương mình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Còn rào cản đối với một số hoạt động văn học nghệ thuật

Thống nhất và đồng tình với 11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ quan tâm đến nhiệm vụ và giải pháp thứ 6 liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật để Chính phủ quan tâm trong quá trình điều hành thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình MTQG về phát triển văn hóa  - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông

Đại biểu nhận thấy, thời gian qua, nhằm phát triển, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm phê duyệt nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan đến văn học nghệ thuật, nhưng khi cụ thể hóa, triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, làm rào cản đối với một số hoạt động văn học nghệ thuật.

Nêu dẫn chứng cụ thể, đại biểu Trần Thị Thu Đông cho biết, năm 2021, do dự toán được phê duyệt chậm, nên kinh phí của năm này ngân sách chỉ cấp 50% cho 130 đầu mối sử dụng ngân sách.

Năm 2022-2023, các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo Trung ương và địa phương được cấp kinh phí thuận lợi hơn, nhưng cũng có cá biệt một số tỉnh tuy đã được cấp kinh phí nhưng do không có hướng dẫn chi nên các tỉnh này không chi được, cuối năm phải hoàn trả lại ngân sách, trong khi các Hội Văn học nghệ thuật đang rất trông chờ vào nguồn kinh phí này để hỗ trợ các hoạt động chuyên môn cho hội viên của địa phương mình.

Còn năm 2024, đến nay các Hội Văn học nghệ thuật, Hội nhà báo từ Trung ương đến địa phương lại gặp vướng mắc về cơ chế thực hiện Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ về nguồn kinh phí để trao giải thưởng cho văn nghệ sĩ hàng năm. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề này./.

Có cơ chế mở để thu hút các nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đội ngũ nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn 67.000 nhà giáo. Ngoài ra, quy hoạch cũng định hướng phát triển thu hút 50.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp, trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu cho rằng, việc giảm về số lượng đội ngũ nhà giáo trong biên chế nhưng lại tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức hơn đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vì không phải nghề nào cũng dễ dàng mời được giảng viên thỉnh giảng khi nguồn kinh phí của các trường công lập hiện nay rất hạn chế vì đang thực hiện tự chủ.

Việc giữ chân các nhà giáo giỏi và việc thu hút các nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy cần phải có cơ chế mở, chính sách ưu tiên, ưu đãi đủ mạnh để giữ chân họ ở lại bám trường, bám lớp. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn nêu trên./.

Thế Công - Xuân Trường
Dẫn nguồn: 
Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình MTQG về phát triển văn hóa (bvhttdl.gov.vn)

 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com