Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945 (Ảnh tư liệu)
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béclin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Phong trào đấu tranh chống Nhật cũng bùng lên mạnh mẽ ở các nước phía Đông và Đông Nam châu Á.
Tại Việt Nam, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam, tháng 3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, Đảng ta đứng trước một cơ hội lịch sử, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước.
Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng: Nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào ta đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và thời cơ ngàn năm có một, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 - 28/8/1945), Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hòa cùng khí thế của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, hàng vạn nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã vùng dậy đập tan bộ máy thống trị của chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng trên phạm vi toàn tỉnh. Từ ngày 2 - 22/8/1945, các địa phương trong tỉnh lần lượt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền: Hạ Hòa (ngày 2/8); Thanh Sơn (ngày 11/8); Thanh Ba (ngày 15/8); Cẩm Khê, Đoan Hùng (ngày 17/8); Phù Ninh, Tam Nông, Yên Lập (ngày 18/8); Hạc Trì, Lâm Thao (ngày 20/8); Thanh Thủy (ngày 22/8). Sau khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện, Đảng bộ Phú Thọ tiếp tục lãnh đạo nhân dân tập trung toàn lực để khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh và thị xã Phú Thọ.
Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục vượt qua khó khăn, đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển (Ảnh: Một góc thành phố Việt Trì nhìn từ trên cao)
Mặc dù đã có lệnh đầu hàng Đồng Minh nhưng quân đội Nhật ở thị xã Phú Thọ vẫn rất ngoan cố, tiếp tục dùng tay sai để chống phá cách mạng. Song với sự khéo léo, linh hoạt và sáng tạo, đội ngũ cán bộ của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh đã lợi dụng thời cơ, trong lúc kẻ thù đang hoang mang dao động để vừa đàm phán vừa đe dọa, khiến cho chúng phải từng bước nhượng bộ. Lực lượng cách mạng có sự hậu thuẫn của nhân dân kéo về bao vây thị xã, buộc chính quyền tay sai Nhật phải trao lại chính quyền cho ta.
Ngày 25/8/1945, thị xã Phú Thọ được giải phóng, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Phú Thọ thành lập cũng là ngày kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đây, nhân dân Phú Thọ cùng cả nước hân hoan bước vào cuộc sống mới trong độc lập, tự do dưới chính thể dân chủ cộng hòa, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do và Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta. Nhân dân Phú Thọ tự hào về trang sử vàng Cách mạng tháng Tám của mình và tự hào vì đã đóng góp phần xứng đáng vào thắng lợi huy hoàng trong Cách mạng tháng Tám của cả nước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 kết thúc thắng lợi. Cuộc cách mạng là biểu tượng tuyệt vời của sức mạnh, tinh thần, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Dân tộc Việt Nam tự hào sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới với tư cách là dân tộc đi tiên phong trong đấu tranh cách mạng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
76 năm qua, thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã trở thành ngọn nguồn sức mạnh, là tiền đề quan trọng, động lực mạnh mẽ cổ vũ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ và toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên cường đấu tranh, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Từ đó, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thanh Hòa
Dẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/