Thứ 3 | 10/10/2023
baophutho.vnNgay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và internet, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau, đặc biệt là lợi dụng thế mạnh của mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước với những âm mưu ngày càng thâm độc, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thực trạng này đặt ra thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và huy động sức mạnh toàn dân để đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Những thông tin xấu độc, sai sự thật được các thế lực thù địch, phản động đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội
Kỳ 1: Tỉnh táo trước những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi tung tin xuyên tạc
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet và lượng người truy cập, sử dụng các trang mạng xã hội cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay cả nước có khoảng 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% dân số, trong đó có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số. Bên cạnh nhiều tiện ích đem lại thì không gian mạng cũng trở thành công cụ đắc lực mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng triệt để nhằm tấn công, chống phá Đảng, chống phá chế độ.
Hàng loạt những chiêu trò chống phá, tấn công
Rạng sáng ngày 11/6/2023, một nhóm đối tượng có vũ trang đã tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, 2 người bị thương, nhiều tài sản khác bị đốt phá. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý, ổn định tình hình.
Tuy nhiên, trong khi vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thì các tổ chức phản động và phần tử cơ hội trong và ngoài nước ngay lập tức tạo ra một “làn sóng” truyền thông trên không gian mạng để xuyên tạc, bóp méo sự thật.
Chúng đặc biệt lợi dụng các hội, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ, gây nhiễu loạn thông tin; cố tình đánh tráo bản chất, hướng vụ án sang nguyên do khác nhằm kích động thù hận, kỳ thị dân tộc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thậm chí có nhiều bài viết, bình luận thể hiện thái độ hả hê của các đối tượng phản động trước sự hy sinh và mất mát của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ...
Các luồng thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng này đã gây tâm lý hoang mang, dao động, bất an trong một bộ phận quần chúng, thể hiện qua phần bình luận của cư dân mạng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến vụ việc.
Cùng với các chiêu trò, thủ đoạn trong vụ việc trên, các thế lực thù địch, phản động đã tạo lập hàng nghìn tài khoản trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Tiktok... với các tên gọi như “Việt Tân”, “Quỹ người Thượng”, “Đài Á Châu Tự do”, “Nước Mỹ trở lại”... để đăng tải, phát tán hình ảnh, video, thông tin xấu độc, thông tin giả, thiếu kiểm chứng, sai sự thật hòng phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bôi xấu, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo tâm lý hoài nghi, bi quan, khủng hoảng niềm tin, phân vân trong xác định mục tiêu lý tưởng.
Chúng còn tạo lập các tài khoản giả mạo các trang của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đăng tải các thông tin xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội; nguỵ tạo thông tin, giả danh các trang của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng cách cắt ghép hình ảnh của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cao cấp gắn với những phát ngôn gây “sốc” để đánh lạc hướng dư luận.
Ngoài ra, lợi dụng một số vấn đề liên quan đến nhân quyền, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng thành lập các tài khoản, fanpage phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu độc, phản động, từ đó lôi kéo, kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, gây rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn và có các hành vi vi phạm pháp luật.
Điển hình như việc lợi dụng việc xét xử 54 bị cáo vụ án “chuyến bay giải cứu”, các thế lực thù địch đã đưa ra nhiều bài viết bịa đặt, xuyên tạc tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đăng tải trên mạng xã hội. Vụ án xảy ra trong quá trình tổ chức những “chuyến bay giải cứu”, qua các chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại được nhào nặn, chế biến thành công cụ, phương tiện rất nguy hại nhằm đánh lận hiện tượng để quy kết bản chất.
Có thể nhận thấy nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thông qua không gian mạng rất đa dạng, trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, chúng lợi dụng các sự kiện mang tính thời sự, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân như: Trước các kỳ Đại hội Đảng, sửa đổi Hiến pháp, bầu cử Quốc hội; lợi dụng các vấn đề nóng, những bất cập yếu kém trong quản lý nhà nước, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước... để tung tin chống phá.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của các cơ quan truyền thông, báo chí, Bộ Công an cũng như các ngành, các cấp... đã kịp thời cung cấp tin tức chính thống về các vụ việc; định hướng thông tin, ổn định tình hình dư luận, từ đó huy động được sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Nguy hại khôn lường
Giống như nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua, Phú Thọ cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ sự chống phá của các thế lực phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trên không gian mạng. Các phần tử xấu đã lợi dụng các sự kiện lớn của tỉnh như: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các sự kiện chính trị hoặc khi thiên tai, dịch bệnh để xuyên tạc hình tượng lịch sử, đòi xét lại lịch sử, hòng làm phai mờ văn hóa dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, một số đối tượng còn tham gia đăng tải, chia sẻ những thông tin liên quan đến tỉnh trên các trang Youtube phản động nội địa như: “Tiếng Dân TV”, “Phong trào chấn hưng nước Việt”...
Thông qua internet, mạng xã hội, một số đối tượng đã câu móc với các phần tử phản động, chống đối, cơ hội trong và ngoài nước để trao đổi tài liệu vu cáo, xuyên tạc, chống phá; tham gia bình luận nói xấu Đảng, chính quyền, lực lượng Công an, cổ súy cho việc “phi chính trị hóa quân đội”, chia sẻ thông tin xấu độc, sai sự thật trên địa bàn tỉnh.
Tháng 2/2021, trước thời điểm chuẩn bị diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2021 - 2026, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số bài viết có nội dung bôi nhọ, nói xấu đồng chí Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Phù Ninh và trưởng khu Gai Hạ, xã Bình Phú với nội dung cho rằng Chủ tịch UBND xã Bình Phú và trưởng khu Gai Hạ đã ăn chặn tiền hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 của người dân trong xã; đồng thời nhắn tin đe dọa sẽ rải tờ rơi nói xấu nhằm hạ uy tín của hai đồng chí trên.
Sau khi xác minh, làm rõ đối tượng có hành vi đăng tải bài viết với nội dung sai sự thật trên mạng xã hội Facebook, cơ quan Công an đã củng cố hồ sơ và xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Phú Thọ xác minh, làm rõ hành vi vi phạm của đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook để bôi nhọ, hạ uy tín của lãnh đạo xã Bình Phú, huyện Phù Ninh (tháng 2/2021)
Từ những dẫn chứng trên cho thấy, các thế lực thù địch, phản động có thể lợi dụng bất cứ sự việc, hiện tượng nào diễn ra trong thực tiễn đời sống để đưa lên mạng xã hội nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Đối tượng tác động, lôi kéo của hoạt động âm mưu chống phá của các thế lực thù địch thường hướng tới là mọi tầng lớp, từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái tư tưởng chính trị; văn nghệ sĩ; học sinh, sinh viên, nhất là đội ngũ thanh thiếu niên vì đây là những thế hệ tương lai của đất nước.
Sự nguy hại của những phương thức, thủ đoạn này ở chỗ, chúng tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải tăng cường đấu tranh, phản bác luận điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, nhất trí của Nhân dân, tạo sức mạnh tổng lực sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Trên thực tế, nhiệm vụ đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng còn nhiều khó khăn, thách thức do sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày một tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và mục đích rõ ràng, trong khi việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc còn chưa kịp thời; nhất là việc ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc trên không gian mạng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ngoài đăng tải thông tin trên mạng xã hội, với phương thức tinh vi, các phần tử xấu có thể khai thác lỗ hổng bảo mật của các website để chèn thêm đường dẫn đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu, độc; chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ, mất cảnh giác, khó phân biệt được thật - giả... Những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt này gây ra không ít khó khăn cho công tác nhận diện và đấu tranh phòng chống, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com