Thứ 3 | 18/05/2021
PhuthoPortal - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh. Trong thời gian diễn ra sự kiện này, việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, không để xảy ra sự cố là nhiệm vụ quan trọng được ngành Thông tin và Truyền thông chú trọng thực hiện.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông rà quét hệ thống đảm bảo an toàn thông tin tại Trung tâm SOC
 

Theo ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Nhằm tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo thực hiện việc rà soát cơ sở hạ tầng, đảm bảo hoạt động thông suốt của các hệ thống dùng chung của tỉnh; phân công cán bộ trực 24/24 giờ tại Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC), Trung tâm dữ liệu số của tỉnh nhằm kịp thời xử lý sự cố nếu phát sinh. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất nhằm phát hiện, sàng lọc, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống, hạ tầng mạng lưới thuộc phạm vi quản lý.

Sở Thông tin và Truyền thông hiện đang quản lý, duy trì hoạt động của gần 80 trang thông tin điện tử các sở, ngành, huyện, thị, các xã, thị trấn trong toàn tỉnh; hơn 10 nghìn hòm thư công vụ; các hệ thống dùng chung: Hệ thống thông tin, báo cáo Văn phòng chính phủ; hệ thống thông tin, báo cáo tỉnh; hệ thống văn bản, chỉ đạo điều hành của tỉnh...

Đây là những hệ thống phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; đồng thời cũng là phương tiện truyền thông tích cực phục vụ công tác bầu cử. Tuy nhiên những hệ thống này sẽ trở thành nguy hại nếu như công tác bảo đảm an toàn thông tin để xảy ra sự cố, tạo điều kiện cho các phần tử gián điệp can thiệp vào hệ thống, chiếm quyền điều hành và phát tán thông tin xấu, độc gây nhũng nhiễu thông tin làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống dùng chung, hòm thư điện tử công vụ, trang thông tin điện tử các đơn vị, nhất là trước, trong và sau ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, hướng dẫn các sở, ngành, huyện, thành, thị các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an toàn an toàn thông tin ở cấp mình quản lý, thường xuyên phân công cán bộ chuyên môn theo dõi hoạt động của các cổng/trang thông tin điện tử để kịp thời xử lý khi có sự cố; rà soát đội ngũ cán bộ sử dụng hòm thư công vụ để cảnh báo, thiết lập hệ thống an toàn khi cần thiết. Đồng thời, áp dụng các giải pháp tường lửa để tránh việc truy cập trái phép vào hệ thống...

Sở đã phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), Công an tỉnh rà quét toàn bộ hệ thống hòm thư điện tử công vụ tỉnh, Cổng/Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các lỗ hổng bảo mật. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, đánh giá lại cơ sở hạ tầng để đảm bảo kết nối thông suốt và an toàn đối với các hệ thống dùng chung, hệ thống máy tính ở các sở, ngành của tỉnh và một số xã.

Để tránh việc đưa, truyền thông tin xấu độc từ bên ngoài vào trong hệ thống, Sở đã xây dựng bộ lọc thông tin rác từ bên ngoài, thực hiện rà soát, cảnh báo và khóa các tài khoản thư điện tử nếu cần thiết để hạn chế tình trạng bị lợi dụng phát tán mã độc...

Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chủ động tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị; triển khai các phương án tối ưu, dự phòng phân tải đảm bảo thông tin; có phương án ứng cứu, xử lý các sự cố thông tin tại các điểm bầu cử. Tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng lưới viễn thông và internet để gửi, phát tán thư điện tử, điện thoại, điện tín có nội dung phản động, trái pháp luật.

Hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn thông tin (Ảnh: Các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 Đơn vị bầu cử số 10 huyện Lâm Thao tiếp xúc cử tri)
 

Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn giải pháp tổ chức các hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Để đảm bảo các hội nghị diễn ra thuận tiện, an toàn thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn đảm bảo nhân lực, trang thiết bị phục vụ hội nghị, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin. Yêu cầu đơn vị triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến phân hệ mạng tách biệt về mặt logic với các phân hệ mạng khác trong hệ thống; sử dụng thiết bị tường lửa (Firewall) cho phép hoặc cấm những dịch vụ truy cập ra ngoài, từ ngoài truy cập đến các thiết bị mạng, máy chủ liên quan đến dịch vụ; thiết lập quyền truy nhập an toàn cho phân hệ điều khiển…

Anh Lương Khánh Toàn - Cán bộ Trung tâm công Nghệ thông tin (VNPT Phú Thọ) cho biết: Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh Phú Thọ với giải pháp VNPT Meeting dựa trên nền tảng Polycom có tính bảo mật cao, bảo mật nhiều lớp nên không có khả năng tấn công từ mạng ngoài như internet. Mỗi phiên họp được điều khiển bởi ứng dụng chuyên dùng. Đây là giải pháp tối ưu hóa trong bảo đảm an toàn thông tin đối với các cuộc họp trực tuyến.

Cán bộ Viễn thông Phú Thọ thực hiện kết nối điểm cầu tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Lập
 

Với sự chủ động, tích cực của toàn ngành Thông tin và Truyền thông, đến nay công tác đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu đề ra, chưa để phát sinh sự cố, sẵn sàng phục vụ cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021 tới đây.

Vũ Tuân
D
ẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com