Thứ 5 | 08/12/2022
PhuthoPortal - Ngày 6/12/2022, tiếp tục chương trình nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu - BCH Trung ương Đảng khóa XIII, gần 1,2 triệu cán bộ, đảng viên trên toàn quốc đã được nghe truyền đạt 2 chuyên đề Nghị quyết về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Baochinhphu.vn)

“Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Truyền đạt nội dung chuyên đề Nghị quyết về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề Nghị quyết về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Làm rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm…; phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và truyền thống của giai cấp công nhân, vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam.

Theo đồng chí, Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á. Đồng thời, đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu này.

“Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, rất cần thiết nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ các nguyên tắc, quan điểm về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nhấn mạnh: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội hiện nay và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của cán bộ, đảng viên từ trung ương đến địa phương trong 2 ngày nghiên cứu, học tập Nghị quyết.

Liên quan đến các chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đây không phải lần đầu Đảng ta bàn về vấn đề này, tuy nhiên tại Nghị quyết lần này có nhiều điểm mới. Do đó, các cấp ủy đảng, tổ chức Đảng cần nghiên cứu kỹ những nội dung cốt lõi và điểm mới của các Nghị quyết. Trong quá trình triển khai thực hiện phải cẩn trọng, có lộ trình, bước đi vững chắc, phù hợp với thực tiễn và đặc biệt phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị: Ngay sau hội nghị, các cấp ủy Đảng tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, toàn diện, kịp thời với nhiều hình thức phù hợp nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung của Nghị quyết đến các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết thành chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, hiệu quả với phương châm: Chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20. Chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và phát hiện các mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng. Điều quan trọng là cần phải nhanh chóng tạo sự đồng thuận, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực mà Nghị quyết đề cập, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Phú Thọ có trên 26.700 cán bộ, đảng viên tham gia học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương Sáu



Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy...


... lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy...


... và lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh

Kết thúc 2 ngày học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương Sáu, tỉnh Phú Thọ đã có tổng số 244 điểm cầu (trong đó 1 điểm cấp tỉnh, 18 cấp huyện, 225 cấp xã) với trên 26.700 cán bộ, đảng viên tham dự. Thông qua hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên tỉnh Phú Thọ trong triển khai, thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Sáu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Tân Sơn

Đồng chí Nguyễn Tiến Khang - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Sơn cho biết: Tham dự hội nghị, huyện Tân Sơn có 18 điểm cầu, trong đó có 1 điểm cầu tại Trung tâm hội nghị huyện và 17 điểm cầu cấp xã với trên 2.900 đại biểu. Việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến giúp cho cán bộ, đảng viên huyện Tân Sơn được trực tiếp nghe lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước truyền đạt các nội dung chuyên đề Nghị quyết Hội nghị Trung ương Sáu. Điều này vừa tăng tính thuyết phục, hấp dẫn trong quá trình truyền đạt, quán triệt; vừa giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt đầy đủ, chuẩn xác và có hệ thống tinh thần của các Nghị quyết. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân trong triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm của các Nghị quyết… Đồng thời, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đất nước thời gian tới.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đảng bộ xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn

Theo Bí thư Đảng ủy xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn Đinh Công Trọng, bằng cách truyền đạt dễ hiểu, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã truyền tải đến cán bộ, đảng viên những nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ Sáu. Đây là cơ hội để các cấp ủy tại cơ sở được lĩnh hội các kiến thức, bài học về công tác xây dựng Đảng và xây dựng, đổi mới đất nước. Trên cơ sở những nội dung chuyên đề Nghị quyết được học tập và chỉ đạo của tỉnh, của huyện sau hội nghị này, Đảng ủy xã sẽ có những vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả.

Thanh Hòa - Ngọc Kiên
Dẫn nguồn: 
https://phutho.gov.vn/

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com