Thứ 3 | 30/07/2024

baophutho.vnNgày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là về hạ tầng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 90 quyết định quy phạm. Các bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn có liên quan.

Tại các kỳ họp, Quốc hội khoá XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố... Riêng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 11 luật, 2 nghị quyết quy phạm; 1 nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 9 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc tổ chức hội nghị hôm nay là hết sức cần thiết nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống, đồng thời điểm lại một số kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai một số luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua.

Bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực tế cũng như trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...

Hội nghị đã nghe quán triệt các nội dung chính, điểm mới và tình hình công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi các Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV gồm: Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ...; việc chuẩn bị nguồn lực cho công tác triển khai, thi hành. Những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước sớm hoàn thiện các kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết và tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực, trong đó các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Chính quyền địa phương khẩn trương phân công soạn thảo và ban hành văn bản quy định chi tiết 120 nội dung, trong đó có 95 nội dung được giao tại 3 luật, 2 nghị quyết và 25 nội dung giao tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ, Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, thường xuyên làm việc trực tiếp với các bộ, sở, ngành liên quan để kịp thời nắm bắt tiến độ, tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trên cơ sở các tài liệu phổ biến luật, nghị quyết đã được xây dựng, tổ chức tuyên truyền, quán triệt rộng rãi, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của các luật, nghị quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát, kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP, ngày 18/6/2024 của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, tập trung tháo gỡ các vướng mắc của một số luật như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công..., nhất là các vấn đề phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự linh hoạt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương.
Ngọc Tuấn
Dẫn nguồn: 
https://baophutho.vn/hoi-nghi-quan-triet-trien-khai-mot-so-luat-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-khoa-xv-216307.htm

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com