Chủ nhật | 27/10/2024

baophutho.vnXây dựng văn hóa giao thông, làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác của người tham gia giao thông luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Theo phân tích của các ngành chức năng, trên 80% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra là do ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Do vậy, xây dựng văn hoá giao thông là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cả hệ thống chính trị và từng người dân để người dân tự giác chấp hành pháp luật, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông với mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, bảo đảm cho hoạt động giao thông được diễn ra một cách trật tự và an toàn.

Kỳ I: Thực trạng báo động

Công an tỉnh tổ chức các đợt ra quân thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm nhằm bảo đảm TTATGT, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân.

Khi tham gia giao thông chỉ cần một chút chủ quan, lơ là, thiếu quan sát trong điều khiển phương tiện là TNGT có thể xảy ra. Nhiều vụ TNGT đã khiến vợ mất chồng, cha mẹ mất con, người khoẻ mạnh bỗng tàn phế... để lại gánh nặng và nỗi đau dai dẳng cho gia đình, xã hội. Dẫu có biện hộ, lý giải bằng cách nào thì những hành vi gây ra TNGT đều rất đáng lên án, phản ánh ý thức chấp hành pháp luật chưa cao và hành vi đó đã phải chịu hình thức xử lý kịp thời, nghiêm khắc.

“Hồi chuông” cảnh báo

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 30 người bị thương và 20 người tử vong vì TNGT. Tại tỉnh Phú Thọ, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động quyết liệt, trong công tác bảo đảm TTATGT; quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm, TNGT tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại, hiện nay là tình trạng thanh thiếu niên có dấu hiệu tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT.

Hẳn chúng ta còn nhớ hình ảnh trong clip người dân phản ánh về việc 2 xe mô tô “bốc đầu” gây bất bình dư luận tại huyện Tam Nông vào tháng 7 vừa qua. Lực lượng CSGT Công an huyện đã nhanh chóng xác minh thông tin để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Được biết, vụ việc xảy ra tại đoạn đường thuộc xã Hương Nộn, 2 thanh niên Hoàng Đức Duy, sinh năm 2007 và Đặng Ngọc Sơn, sinh năm 2005, cùng trú tại xã Vạn Xuân đã điều khiển xe mô tô có hành vi vi phạm: Điều khiển xe chạy bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh; không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông trên đường bộ; không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên...

Thiếu tá Trần Hữu Dũng - Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Tam Nông cho biết: Trên cơ sở thông tin xác minh, Công an huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 trường hợp trên; đồng thời, tiến hành làm việc, lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với bà Nguyễn Thị Anh, sinh năm 1975, ở khu 12, xã Vạn Xuân (là mẹ đẻ của Hoàng Đức Duy) về hành vi vi phạm: “Giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông”.

Còn một số vụ việc tương tự cũng đã được các cơ quan chức năng xử lý từ đầu năm đến nay. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản, xử lý gần 50 trường hợp với lỗi vi phạm: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông. Đáng lưu ý, từ ngày 1- 31/10, Công an tỉnh mở cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh. Chỉ sau 14 ngày triển khai (từ ngày 1-14/10) lực lượng CSGT toàn tỉnh xử lý 978 trường hợp vi phạm; phạt tiền 264 triệu đồng; tạm giữ 473 phương tiện; trong đó 117 trường hợp vi phạm lỗi giao xe cho người chưa đủ điều kiện; 274 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện bị xử lý. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh trong việc thực hiện quy định của pháp luật về TTATGT.

Đáng suy ngẫm là chỗ, mặc dù, các cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiềm chế, ngăn chặn nhưng TNGT vẫn còn xảy ra. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, từ ngày 15/12/2023 đến 14/9/2024, toàn tỉnh xảy ra 265 vụ va chạm và TNGT làm 129 người chết, 185 người bị thương.

Mới đây, nhiều người dân cũng bàng hoàng và thương tâm khi tận mắt chứng kiến vụ tai nạn giữa 2 xe mô tô trên đường liên xã thuộc khu Quyết Tiến, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn khiến anh Đinh Văn Thanh, sinh năm 1993, ở khu 18, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy mãi mãi mất đi người vợ thân yêu ở tuổi 27. Đây chỉ là 1 trong số các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Những vụ TNGT không chỉ gây ra đau thương, mất mát về người và tài sản mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và gánh nặng cho xã hội. Càng thương tâm hơn khi nạn nhân là những người có tuổi đời còn rất trẻ, để lại bao dự định, ước mơ còn dang dở.

Từ những vụ việc, hành vi trên, có thể thấy, TNGT nói chung, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói riêng vẫn đang là một vấn đề nhức nhối, là nỗi lo của toàn xã hội. Những nguy hiểm về TNGT vẫn đang “rình rập” hàng ngày, hàng giờ và chúng ta vẫn còn phải chứng kiến những hình ảnh đau xót do TNGT gây ra.

Thực hiện tháng cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh, lực lượng CSGT, Công an huyện Phù Ninh ra quân xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đi tìm nguyên nhân

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân căn bản gây ra TNGT là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT chưa nghiêm khiến cho số vụ va chạm và TNGT xảy ra. Cùng với đó, sự gia tăng của các loại phương tiện, trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Điều đáng nói, TNGT không chỉ xảy ra ở các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, nội thị mà còn xảy ra ở các tuyến đường nông thôn, miền núi...
Theo phân tích của cơ quan chức năng, trong số tổng số các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh 9 tháng qua có 100 vụ do người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường, chiếm 38%; chuyển hướng không quy định 48 vụ, chiếm 18%; vượt xe sai quy định 47 vụ, chiếm 17,7%; người điều khiển phương tiện không nhường đường 20 vụ, chiếm 7,5%; người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ chạy xe 17 vụ, chiếm 6,5%; người điều khiển giao thông vi pham quy trình thao tác lái xe 10 vụ, chiếm 2,7%; do người đi bộ 10 vụ, chiếm 2,7%; không chấp hành biển báo hiệu đường bộ 6 vụ chiếm 2%; do sử dụng rượu bia 7 vụ, chiếm 2,6%... Phương tiện được xác định gây TNGT chủ yếu là ô tô, chiếm trên 50% tổng số vụ TNGT.

Qua phân tích cũng chỉ ra rằng, độ tuổi gây ra TNGT dưới 18 tuổi xảy ra với 14 vụ. Lý giải nguyên nhân này, đồng chí Ngô Văn Tân - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội với nhiều luồng thông tin độc hại tác động xấu đến nhân cách, hành động của thanh niên, học sinh. Hiện nay không ít thanh niên, học sinh dễ bị lôi cuốn vào những trào lưu, xu hướng mới thiếu lành mạnh, không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Những biểu hiện “lệch chuẩn” trong lựa chọn giá trị sống như: Bản thân sống buông thả, thiếu trách nhiệm, bất chấp pháp luật... dẫn đến các hành vi vi phạm TTATGT.

Ở một khía cạnh khác, công tác định hướng giá trị sống cho thế hệ trẻ hiện nay ở một số nơi còn hạn chế, chưa thực sự được coi trọng, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Về phía gia đình, nhiều trường hợp cha mẹ chưa quan tâm đầy đủ, đúng cách với con trẻ cũng dễ dàng đẩy thanh, thiếu niên đến những lỗi vi phạm TTATGT. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, kiểm tra, xác minh 4 vụ việc có dấu hiệu tụ tập điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng và chống lại lực lượng CSGT tại huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Thủy và thành phố Việt Trì.

Trước thực trạng ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân nói chung và giới trẻ nói riêng chưa cao, dẫn đến xảy ra các vụ TNGT trong thời gian qua. Do vậy thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp kéo giảm TNGT, đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc đồng bộ với tinh thần và trách nhiệm cao, đặc biệt, phát huy tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên gắn với thực thi văn hóa công vụ và trách nhiệm người đứng đầu.

Kỳ II: Siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm
Nhóm PV Kinh tế
Dẫn nguồn: 
Nâng cao ý thức về an toàn giao thông - Cần thiết và cấp thiết

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com