Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có những đóng góp tích cực của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban cán sự UBND tỉnh đã khẳng định: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, các giá trị văn hóa truyền thống Vùng Đất Tổ được gìn giữ và phát huy; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; tổ chức thành công các sự kiện, giải đấu thể thao trong nước, khu vực và quốc tế như vòng loại môn Bóng đá nam SEA Games 31, vòng loại môn Bóng đá nam U20 châu Á, bóng đá nữ U20 châu Á; Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể UNESCO; Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; Tuần Văn hóa du lịch đất Tổ; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc. …
(Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức thành công với nhiều nội dung phong phú - Ảnh: Sưu tầm)
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và có chất lượng ngày cao; các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tạo sự lan tỏa tích cực của không gian văn hoá vùng Đất Tổ đến với nhân dân cả nước.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt 02 di sản văn hóa đại diện của nhân loại "Hát Xoan Phú Thọ" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được thực hiện hiệu quả gắn với phát triển du lịch bền vững; công tác số hóa trong lĩnh vực di sản, văn hóa được quan tâm thực hiện. Trong nửa đầu nhiệm kỳ đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - năm 2021 cho 17 cá nhân; công nhận 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 03 bảo vật quốc gia; trình UBND tỉnh công nhận 04 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ tháng 4/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ hằng tháng Chương trình nghệ thuật dân gian – Đêm di sản văn hóa nhằm giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc vùng Đất Tổ tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.
(Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá tại chùa Xuân Lũng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao được công nhận năm 2021- Ảnh: Sưu tầm)
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, tác động tích cực đến đời sống văn hoá tinh thần, động viên, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển mạnh mẽ; hoạt động giao lưu văn nghệ - thể thao của các câu lạc bộ văn hoá được duy trì thường xuyên. Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 375.472/413.352 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (chiếm 90.8%); 2.169/2.328 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (chiếm 93.17%); 50% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí cơ quan văn hoá; 95% số đám cưới, đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh theo quy định của nhà nước và quy ước văn hoá ở khu dân cư.
(Hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở phát triển sâu rộng gắn với việc khai thác thiết chế Nhà văn hóa khu dân cư một cách hiệu quả - Ảnh: Sưu tầm)
Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã được đông đảo nhân dân trong toàn tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, dân tộc thiểu số... hưởng ứng tích cực và thực hiện nghiêm túc; nhân dân chủ động tham gia tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng chống dịch bệnh. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, số CLB và gia đình thể thao không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng: số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 39% (tăng 1,4% so với năm 2020); số gia đình thể thao đạt 30,7% (tăng 1,2% so với năm 2020).
Thể thao thành tích cao từng bước đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của xã hội cho phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Tham gia thi đấu 06 giải quốc tế giành 13 huy chương (trong đó có 09 HCV, 02 HCB, 02 HCĐ). Giành 05 huy chương các loại (trong đó có 01 HCV, 02 HCB, 02 HVĐ) tại Đại hội thể thao Đông Nam Á 31, 32 (SEA Games 31, 32), 01 huy chương vàng tại Giải Vô địch Đông Nam Á Pencak Silat năm 2022 và 02 huy chương đồng tại Giải Vô địch Pencak Silat thế giới năm 2022.
(Trên Sân vận động Việt Trì, đội tuyển Việt Nam đã có thành tích bất bại trên hành trình bảo vệ ngôi vương Bóng đá nam Đông Nam Á- Ảnh: Sưu tầm)
Các hoạt động du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, doanh thu, số lượng khách du lịch tăng cao, thu hút 1,4 triệu lượt khách lưu trú, tăng bình quân 25,6%/năm với tổng doanh thu dịch vụ lưu trú từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đạt 7.670 tỷ đồng. Đã trình UBND tỉnh công nhận điểm du lịch Văn hóa cộng đồng Hùng Lô và điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, điểm du lịch Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa là điểm du lịch cấp tỉnh. Xây dựng sản phẩm, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ du lịch tại Nhà biểu diễn nghệ thuật, nhà múa rối nước, điểm du lịch văn hóa Hùng Lô, các điểm di tích văn hóa gắn với Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... Bình quân hàng năm phục vụ gần 300.000 lượt khách tham quan.
Việc triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc được thực hiện gắn với quảng bá du lịch và các sự kiện văn hóa cấp quốc tế, quốc gia, khu vực. Sau các chương trình xúc tiến hợp tác nhằm phục hồi du lịch hậu Covid – 19, lượng khách du lịch theo tour từ các tỉnh miền Trung, miền Nam về Phú Thọ ước đạt trên 200 nghìn lượt khách lưu trú và sử dụng dịch vụ ăn uống tại tỉnh.
Hoạt động đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch được chú trọng, đến nay đã có một số dự án hoàn thành, phục vụ du khách tại thành phố Việt Trì, Thanh Thủy, như: Công viên Văn Lang, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Wyndham Thanh Thủy; một số dự án trọng điểm khác đang được đầu tư, hoàn thành trong thời gian tới.
(Các du khách quốc tế được tham gia thực hành trình diễn hát Xoan Phú Thọ khi đến với đình cổ Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì - Ảnh: Sưu tầm )
Tuy nhiên, kết quả xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một; việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa thực sự gắn kết và phát triển du lịch. Hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ phát triển văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng chưa được quan tâm đầu tư. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn với đô thị và trong tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Chất lượng các hoạt động dịch vụ văn hóa chưa cao; sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa đặc sắc. Còn thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật tầm cỡ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, có tác động tích cực đối với việc xây dựng văn hóa, xây dựng con người đất Tổ. Công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa ở một số nơi còn hình thức. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ còn hạn chế.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, bám sát kết luận số 362-KL/TU tại Hội nghị lần thứ Mười ba của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; Ngành văn hóa, thể thao và du lịch quyết tâm thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nội dung trọng tâm sau:
- Tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa, con người Đất Tổ giai đoạn 2023-2030; Đề án hỗ trợ cho người trực tiếp trông coi di tích được Nhà nước xếp hạng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Đề án trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ... góp phần tạo khung chính sách, định hướng cho sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh phát triển.
- Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vùng Đất Tổ trong đó tập trung triển khai thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan Phú Thọ; di sản văn hóa Tín ngưỡng Thờ cùng Hùng Vương. Nghiên cứu, phục dựng các lễ hội và không gian thực hành lễ hội đặc biệt là các lễ hội tại thành phố Việt Trì gắn với thực hiện Đề án xây dựng thành phố Việt Trì là thành phố lễ hội.
- Nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
- Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, khu vực, quốc tế góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, thiên nhiên, con người Vùng Đất Tổ với bạn bè trong nước, quốc tế. Đầu tư xây dựng các chương trình, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao, phù hợp với truyền thống văn hóa vùng đất Tổ.
- Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc: Giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, đảm bảo bình đẳng giới và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình theo phương thức lồng ghép trong các hoạt động truyền thông của lĩnh vực gia đình.
- Đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khai thác sử dụng hiệu quả các thiết chế thể thao. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào các hoạt động thể dục thể thao.
- Tăng cường hợp tác liên kết trong và ngoài nước; tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ. Đổi mới hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 hiệu quả. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng loại hình du lịch./.
Nguyễn Thị Nha Trang, chuyên viên Văn phòng Sở