Thứ 3 | 03/06/2014
           Được chính thức phát động từ năm 2000, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXD ĐSVH) ở tỉnh ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu; góp phần ổn định an ninh chính trị, tạo bầu không khí dân chủ trong nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ; huy động nguồn lực, thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững...
 
1
Đồng bào Mường huyện Thanh Sơn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc góp phần xây dựng đời sống văn hóa.
Ảnh: Phương Thanh
 

Những điểm nhấn
          Theo ông Phạm Bá Khiêm- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để phong trào thực sự phát huy hiệu quả, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện đã đảm bảo sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền; tạo sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn kịp thời của ngành chức năng, BCĐ phong trào các cấp đã nhanh chóng được thành lập, kiện toàn, đi đôi với bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; ký kết giao ước thi đua thực hiện có hiệu quả 3 nội dung chủ yếu, 6 phong trào cụ thể; gắn triển khai phong trào với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị; lựa chọn một số địa phương, khu dân cư mang nét đặc trưng của các vùng miền, dân tộc, tôn giáo để xây dựng điểm chỉ đạo, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa, góp phần đưa phong trào thực sự đi vào đời sống xã hội.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung của phong trào, BCĐ các cấp, các ngành trong tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, gắn với các chương trình trọng tâm của ngành, cấp mình để chỉ đạo thực hiện có hiệu qủa, nhất là xây dựng gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, qua đó kịp thời phát hiện, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, trở thành hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động ở địa phương. Từ thực tiễn phong trào, đã có 2.562 gương người tốt việc tốt tiêu biểu trên các lĩnh vực trong toàn tỉnh, 116 hộ gia đình tiêu biểu và 65 làng, khu dân cư có thành tích xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 13 gia đình văn hóa tiêu biểu được chọn tham dự hội nghị tuyên dương toàn quốc và nhận Bằng khen của Bộ VH-TT&DL năm 2013.
              Một trong những điểm nhấn trong triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh thời gian qua chính là việc tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình, làng, khu dân cư văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 321.969/370.080 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 87%), 2483/2887 khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 86%); toàn tỉnh có 98% cơ quan, đơn vị phát động CNVC-LĐ hưởng ứng phong trào TDĐKXDĐSVH, qua bình xét có 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí cơ quan văn hóa với số lượng CNVC-LĐ và gia đình CNVC-LĐ đạt tiêu chuẩn văn hóa ngày càng tăng.
            Điều dễ nhận thấy là, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và đồng bào công giáo. Ông Phùng Sinh Huyện- một gia đình người Dao tiêu biểu ở khu Đồng Măng, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập cho biết, địa phương ông vốn là vùng khó khăn lại có đông đồng bào dân tộc sinh sống nên bên cạnh việc gương mẫu của bản thân mình, ông còn tích cực vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ và người dân hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, nhất là trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, hạn chế các hủ tục, tập quán lạc hậu, khơi dậy những nét đẹp văn hóa của chính địa phương, dân tộc mình. Cùng chung ý nghĩ, ông Nguyễn Xuân Vương- gia đình theo đạo công giáo ở khu 1, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê chia sẻ: Là vùng Công giáo toàn tòng nên ông đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư tình cảm, tìm ra phương pháp thích hợp để tuyên truyền vận động gia đình và bà con giáo dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời đẹp đạo”, chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới.
             Điểm nhấn nữa trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH là việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động đông đảo lực lượng và các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng các thiết chế VH-TT-TT ở cơ sở với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, củng cố AN-QP của mỗi địa phương...

Khắc phục “rào cản”, nâng cao chất lượng phong trào
           Nhìn một cách tổng thể, phong trào tuy đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu song vẫn chưa xây dựng được nhiều mô hình điểm để nhân ra diện rộng; nhận thức về nội dung, tầm quan trọng của phong trào ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương và một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dẫn đến chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hưởng ứng phong trào; công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở chưa thường xuyên, liên tục.
          Ông Trần Văn Quang- Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa tuy có sự chuyển biến song còn chậm, việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa- thể thao, nhất là xây dựng NVH khu dân cư ở một số địa phương còn gặp khó khăn, chưa quy hoạch được quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở; năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ làm công tác văn hóa chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chưa chuẩn hóa được trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác VH-TT ở cơ sở và cấp huyện; kinh phí cho thực hiện phong trào còn hạn chế. 
             “Những tồn tại nói trên sẽ được ngành VH-TT&DL tập trung khắc phục trong thời gian tới”- ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định. Và theo ông Khiêm, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của phong trào, công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được đa dạng hóa và luôn đi trước một bước; gắn các nội dung, mục tiêu của phong trào với triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và các ngành chức năng, các tổ chức thành viên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện; tập trung chỉ đạo có chiều sâu các nội dung cơ bản của phong trào, đặc biệt là xây dựng gia đình, làng, thôn, bản, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
             Xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch phát triển VH-TT gắn với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng các thiết chế VH-TT-TT tại các xã điểm về nông thôn mới để nhân ra diện rộng; củng cố, kiện toàn BCĐ phong trào các cấp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hóa và cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở; tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển phong trào, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, hỗ trợ trang thiết bị cho các NVH ở các làng, bản vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.../.
T.D
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com