Thứ 2 | 22/08/2016
Phú Thọ là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên là 3.532,9 km2, dân số trên 1,3 triệu người; gồm 13 huyện, thành, thị, 277 xã, phường, thị trấn, 2.887 khu dân cư; có 10 huyện miền núi, 218/277 xã, thị trấn miền núi với 2.186 thôn, bản miền núi; 43 xã và 190 thôn, bản được thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II) của Chính phủ; có trên 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số là 212.688 ngư­ời, chiếm 16% dân số toàn tỉnh.
Trước khi triển khai thực hiện Phong trào và Cuộc vận động; đời sống văn hoá xã hội nước ta nói chung và ở tỉnh Phú Thọ nói riêng đã có bước phát triển mới, đạt được nhiều kết quả và thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế: Đời sống nông dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều vấn đề văn hoá mới phát sinh. Nếp sống mới ở nông thôn chưa bền vững, tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều giá trị văn hoá truyền thống bị mai một. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ các hoạt động của nhân dân. Môi trường sinh thái nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, cảnh quan truyền thống bị phá vỡ, nhiều di tích lịch sử văn hoá bị xâm hại. Chất lượng phong trào TD ĐKXD ĐSVH còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém; dân trí một số vùng còn thấp.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; cấp ủy, chính quyền, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chăm lo tới việc xây dựng đời sống văn hóa, từng bước nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã thể hiện được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng gắn liền với lợi ích thiết thực của nhân dân, của xã hội, tạo động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào nhiệt tình, tự giác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh ngày một tốt hơn.  
          Ban Chỉ đạo của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai và thực hiện phong trào từ tỉnh đến cơ sở như: Hướng dẫn bình xét công nhận làng văn hoá, khu dân cư văn hoá, xã, phường, thị trấn văn hoá, gia đình văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá; hướng dẫn quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn bình xét “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Phường, thị trấn đạt    chuẩn văn minh đô thị”; hướng dẫn thực hiện Quy chế Lễ hội... Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung của phong trào được duy trì thường xuyên. Ban chỉ đạo phong trào các cấp đã tổ chức 186 lượt kiểm tra địa phương, cơ sở thực hiện nội dung phong trào. Ban Văn hoá xã hội - Hội đồng nhân dân tỉnh và HĐND các huyện, thành, thị hàng năm đều thực hiện chức năng giám sát việc tổ chức thực hiện phong trào. Thông qua đó, kịp thời  chấn chỉnh, rút kinh nghiệm chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở.
 
Lễ cắt băng khánh thành nhà văn hóa khu Tân Hương - xã Hương Cần – huyện Thanh Sơn.
Ảnh: Trọng Bằng
Ngành Văn hoá Thông tin (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ tỉnh đến cơ sở  đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp về lãnh, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời là cầu nối tích cực, liên kết sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể nhằm  tạo sự thống nhất trong chỉ đạo. Đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể xây dựng chương trình phối hợp để đưa nội dung cuộc vận động vào thực tiễn đời sống như: phong trào xây dựng “Đời sống văn hoá cơ sở trong CNVC, LĐ”; phong trào “Gia đình nông dân văn hoá, kinh doanh sản xuất giỏi”; phong trào xây dựng “Môi trường văn hoá sư phạm”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phong trào“ Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá”.
Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”   đã đạt được những kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 23,5% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 11% so với năm 2000), tỷ lệ gia đình thể thao đạt 17,8% (tăng 5% so với năm 2000), 980 CLB TDTT, 90% số cơ quan đơn vị doanh nghiệp; 85% số xã, phường, thị trấn có phong trào tập luyện TDTT với các môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông; 90 % địa phương đã qui hoạch đất xây dựng các thiết chế thể thao như sân vận động, bể bơi
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đẩy mạnh phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đồng thời triển khai có hiệu quả các cuộc
 vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các phong trào thi đua yêu nước do Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam phát động.
Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được phát động, triển khai thực hiện từ năm 1995. Đến nay đã có 98% khu dân cư tổ chức triển khai đầy đủ 5 nội dung cuộc vận động: Vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình;  xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp, vận động nhân dân tham gia thực hiện tiêu chí về môi trường; phát huy dân chủ, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”.
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phong trào “ Xanh- sạch đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ” trong CNVC- LĐ gắn với phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong công nhân, viên chức, lao động”. Thông qua tổ chức các phong trào đã có nhiều công trình sản phẩm có giá trị được gắn biển chào mừng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh trong hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh và các cơ quan nhà nước. Nhiều đề tài khoa học đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều sáng kiến đã được áp dụng trong đó tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương pháp quản lý và cách thức sản xuất, góp phần tăng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc  cho công nhân viên chức và người lao động. Trong 15 năm qua, đã có 24.748 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận và đưa vào ứng dụng trong sản xuất, làm lợi cho nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và chương trình xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “ No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến nay đã có 206.438 chị đăng ký thực hiện phong trào đạt 95%; qua bình xét có 170.724 cán bộ, hội viên đạt 3 tiêu chuẩn chiếm 82,7%. Hội phụ nữ  các cấp đã mở 1.131 lớp tập huấn chuyển giao KHKT, kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản vv... cho gần 93.000 lượt phụ nữ.  
Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đẩy mạnh phong trào thi đua “Tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” gắn với phong trào xây dựng “Nếp sống đẹp” trong đoàn viên thanh niên. Trong những năm qua các cấp bộ đoàn đã phát động trong toàn Đoàn đợt sinh hoạt chính trị "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20", vận động ĐVTN đọc và học tập gương hy sinh dũng cảm của anh hùng liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc với nhiều nội dung phong phú hấp dẫn, thu hút 42.000 ĐVTN tham gia.
Hội Cựu chiến binh tỉnh gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ công tác Hội một cách toàn diện, trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua ở địa phương. Qua hơn 15 năm thực hiện đã có 85% hội viên đạt gương mẫu, 88% tổ chức Hội đạt trong sạch vững mạnh, 95% số hộ gia đình CCB đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Đã hỗ trợ 9.935 ngày công lao động, 47.143 kg lương thực, 3.389 cây giống hỗ trợ các hội viên  phát triển kinh tế gia đình.
Hội Nông dân tỉnh đã vận động hội viên nông dân trong tỉnh tích cực tham gia các hoạt động bài trừ văn hoá độc hại, các biểu hiện tiêu cực xã hội, tham gia tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, di tích lịch sử, xây dựng qui ước, hương ước văn hoá ở khu dân cư, góp phần xây dựng  nông thôn  mới.  Đã  mở trên 3.000 lớp tập huấn kỹ thuật trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề dịch vụ cho hơn 120.000 lượt hội viên, thành lập 450 tổ vay vốn phục vụ nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình của trên 6.000 hộ nông dân.
Ngành Giáo dục - Đào tạo đẩy mạnh phong trào “Thi đua dạy tốt- học tốt”, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” phát triển rộng khắp ở tất cả các ngành học, cấp học; cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động 4 không trong giáo dục và cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Phong trào thi đua đã khơi dậy nội lực, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo Phú Thọ vươn lên trở thành một trong những tỉnh có phong trào giáo dục đứng đầu cả nước. Hàng năm có trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ giáo viên giỏi và học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng.
Ngành Y tế tập trung đẩy mạnh phong trào “Thực hiện 12 điều y đức”, “ Lương y như từ mẫu”  trong toàn ngành. Kết quả đã làm chuyển biến về phong cách, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh trong đội ngũ cán bộ, y bác sĩ. Đặc biệt phong trào xây dựng “Làng văn hoá sức khoẻ” đã góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động y tế cộng đồng diễn ra ở địa phương, tạo điều kiện cho việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Trung tâm dân số gia đình và trẻ em tỉnh đã chỉ đạo thành lập 210 nhóm tín dụng- gia đình ở 7 huyện với tổng số vốn vay ưu đãi 25 tỷ 125 triệu đồng thu hút hơn 8.000 hộ tự nguyện tham gia nhóm để giúp nhau phát triển kinh tế và cam kết xây dựng gia đình ít con, khoẻ mạnh, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hoá tốt” trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang theo 5 tiêu chuẩn đã góp phần  xây dựng phẩm chất, lối sống trong cán bộ, chiến sĩ; xây dựng tốt các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng đội và quan hệ với nhân dân. 100% cán bộ, chiến sĩ không uống rượu bia trong giờ làm việc, không tham gia cờ bạc, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.
Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện việc xây dựng “Đơn vị kiểu mẫu về điều lệnh”; “đơn vị văn hóa trong lực lượng Công an nhân dân”, lồng ghép với các phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; xây dựng đơn vị CAND có lối sống văn hóa tinh thần phong phú có nếp sống văn minh, lành mạnh, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người cán bộ chiến sĩ Công an.
 Toàn tỉnh hiện có 2.497/2.887 làng, khu, bản được các cấp công nhận danh hiệu văn hoá ; có 2.562 gương người tốt, việc tốt tiêu biểu cho các tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Năm 2007 có gần 1.000 hộ gia đình tiêu biểu được tuyên dương khen thưởng, trong đó có 116 hộ gia đình văn hoá tiêu biểu, xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 17 hộ gia đình được chọn cử tham dự hội nghị biểu dương các gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc được Bộ VHTTDL tặng Bằng khen. Năm 2011 có 250 làng, khu dân cư được các cấp tuyên dương khen thưởng, trong đó UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 65 làng, khu dân cư có thành tích tiêu biểu xuất sắc; 03 làng được tham dự hội nghị toàn quốc.
Phong trào xây dựng gia đình văn hoá với 3 tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của  Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Tính đến nay toàn tỉnh đã có  324.526/370.325 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá (chiếm 86,6 % tổng số hộ gia đình) tăng 37,6% so với năm 2000.
Kết quả triển khai thực hiện phong trào cho thấy đây thực sự là chủ trương lớn của Đảng hợp lòng dân, mang tính toàn diện và sâu sắc, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia góp phần lập lại trật tự kỷ cương, tạo lập môi trường văn hoá lành mạnh nhất là văn hoá cơ sở. Phong trào và Cuộc vận động đã đ­ược nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng và tự giác tham gia, khơi dậy được các nguồn lực trong nhân dân, tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi ng­ười dân, đó là yếu tố quan trọng thúc đẩy cuộc vận động ngày càng phát triển và có hiệu quả.
Phong trào đã kết hợp được sức mạnh pháp luật, hệ thống chính trị với dư luận xã hội thực sự đưa văn hoá trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố khối đại đoàn kết gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc; phát huy kết quả của các phong trào thi đua yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái xây dựng xã hội mới vì mục tiêu dan giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá; làng, khu dân cư văn hoá, xã phường, thị trấn văn hoá; cơ quan, đơn vị văn hoá. Tạo động lực quan trọng  thúc đẩy đời sống kinh tế phát triển; tham gia xoá đói giảm nghèo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tạo năng xuất, chất lượng, hiệu quả cao. Đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường văn hoá lành mạnh; góp phần ổn định tình hình chính trị ở cơ sở và cơ quan, đơn vị. Huy động được đông đảo lực lượng xã hội tích cực tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thông tin, thể thao; góp phần xây dựng văn hoá, con người  Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
                                                                    Tháng 8/2016     
                                                                                        Phạm Bá Khiêm
 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com