baophutho.vnGiữa không gian rực rỡ sắc màu của Hội trại văn hóa, những tiếng chiêng, tiếng đâm đuống, tiếng hát của các “diễn viên không chuyên” tại các trại văn hóa đã thu hút đông đảo du khách thập phương. Mỗi tiết mục là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông... đều do các CLB, các đội văn nghệ không chuyên đến từ các xã trên địa huyện, góp thêm những màu sắc cho Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa- Du lịch Đất Tổ năm nay.
Chương trình giao lưu văn nghệ của các Câu lạc bộ
Thức dậy từ khá sớm, chỉ hơn 7h sáng bà Phùng Thị Hanh- xóm Mu, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn cùng các thành viên trong CLB đã có mặt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng: “Chúng tôi phấn khởi lắm, chuẩn bị tập luyện hàng tháng nay rồi. Hôm nay được đến với Hội trại văn hóa, giao lưu cùng các CLB dân gian, văn nghệ trong huyện rồi được biểu diễn phục vụ cho nhân dân và du khách thập phương nên ai cũng háo hức để giới thiệu các nét văn hóa dân tộc Mường, các điệu múa, điệu hát truyền thống”. Những thanh âm của núi rừng cứ thế nối tiếp nhau như mời gọi, như giục giã bước chân của các du khách nhanh bước về trại văn hóa huyện Tân Sơn. Chỉ dăm ba phút vòng trong rồi vòng ngoài người nọ nối tiếp người kia chăm chú thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Tiếng vỗ tay, tiếng cười nói tán thưởng của du khách chính là phần thưởng dành cho những “diễn viên không chuyên”.
Biểu diễn Hát Xoan tại trại văn hóa huyện Phù Ninh
Là thành viên của CLB Hát Xoan xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, bà Đỗ Thị Sử, khu 8 cùng các thành viên mang đến hội trại những điệu Hát Xoan cổ phục vụ du khách: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ hội trại văn hóa tại Lễ hội Đền Hùng. Tôi cũng như các thành viên đều cảm thấy vui và vinh dự khi được đóng góp vào các hoạt động của địa phương để phục vụ du khách. Dù không phải diễn viên chuyên nghiệp nhưng mỗi chị em trong CLB đều cố gắng tập luyện để mang đến những tiết mục hay nhất, giới thiệu đến đông đảo du khách di sản Hát Xoan của quê hương Phú Thọ”.
Chương trình giao lưu văn nghệ tại trại văn hóa huyện Thanh Thủy
Chăm chú nghe lời hát, thả hồn theo từng điệu múa, ông Nguyễn Văn Độ, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Năm nào gia đình chúng tôi cũng về dâng hương các Vua Hùng. Xong phần lễ, vợ chồng cùng con cháu lại thư thả đi ngắm cảnh và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đến tham quan Hội trại văn hóa chúng tôi thực sự cảm thấy nhiều màu sắc, nhiều hoạt động hấp dẫn. Các trại văn hóa đều tổ chức các hoạt động văn nghệ rất đặc sắc như múa sạp, đâm đuống, các trò chơi dân gian... tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu cho lễ hội”.
Các tiết mục biểu diễn văn nghệ tại trại văn hóa huyện Tân Sơn thu hút đông đảo du khách đến xem.
Đến với Hội trại văn hóa, du khách sẽ được thưởng thức không gian văn hóa của nhiều địa phương trong tỉnh, những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của các dân tộc không chỉ của tỉnh Phú Thọ mà còn của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài các chương trình biểu diễn văn nghệ của các trại văn hóa, Ban tổ chức đã dành riêng một sân khấu giao lưu văn nghệ cho các CLB văn nghệ từ các tỉnh: Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh... Các CLB đã mang đến những tiết mục dân ca và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận như: Hát Xoan, Chầu văn, Hát Then, Quan họ, Trống quân, Chèo...
Bà Đỗ Thị Minh, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Đến với trại văn hóa tôi được xem, nghe các tiết mục văn nghệ của các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh mới thấy hết được sự đa dạng, nhiều màu sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Có những tiết mục chỉ được nghe được xem qua truyền hình thì bây giờ được tận mắt chứng kiến, rất hấp dẫn. Là những tiết mục văn nghệ quần chúng nhưng các thành viên đều thể hiện sự luyện tập cũng như nhuần nhuyễn trong khi biểu diễn. Đây thực sự là một điểm nhấn tại hội trại”.