Thứ 4 | 09/05/2018
Bảo tàng Hùng Vương là nơi lưu giữ kho tàng lịch sử, văn hoá vùng kinh đô Văn Lang thời đại các vua Hùng - kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam, được khởi công xây dựng vào ngày 01/01/2008 và được khánh thành ngày 14/04/2010 đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Dần. Bảo tàng được thiết kế với kiến trúc đồ sộ, bề thế, thể hiện toàn bộ nội dung lịch sử vùng đất Tổ Vua Hùng từ buổi khai thiên mở lối trải qua quá trình đấu tranh và gây dựng nên mảnh đất tươi đẹp ngày hôm nay.
Trước thực trạng văn hóa truyền thống đang bị mai một trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, Bảo tàng Hùng Vương cũng như các bảo tàng khác trong cả nước chủ trương bảo tàng hóa các trò chơi dân gian với mục đích nhằm đem lại cho người tham quan bảo tàng những hoạt động vui chơi bổ ích, đồng thời thông qua đó lưu giữ, bảo tồn các tri thức dân gian, trò chơi dân gian nhằm lưu giữ phát triển tri thức trong quá trình đa dạng hóa về văn hóa ngày càng phát triển mạnh hiện nay.
Nhóm trò chơi phổ biến nhất thường được tổ chức trong các dịp hội làng ở rất nhiều làng quê tỉnh Phú Thọ như: nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, bịt mắt đập niêu, bắt trạch trong chum, kéo co... Dưới đây là một số trò chơi được lựa chọn đưa về tổ chức tại Bảo tàng Hùng Vương.
Nhảy sạp hay còn gọi là múa sạp, là điệu múa dân gian đặc sắc của dân tộc Mường trong những dịp vui, trong lễ hội xuân, ngay nay phát triển nhiều ra những dân tộc khác. Đạo cụ của trò chơi này là những thanh tre dài 2m, người chơi được chia thành 2 nhóm, một nhóm dập sạp và một nhóm nhảy, mỗi nhóm có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều đội hình càng phong phú, sinh động. Nhóm dập sạp: mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp 4/4, cứ 3 lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ 2 sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ, vừa hát.
 
      
Nhảy sạp- Vui xuân đầu năm 2018 tại Bảo tàng

Đi cà kheo: Đi cà kheo tỉnh phú thọ là một loại trò chơi dân gian của người dân tộc Cao Lan - huyện Đoan Hùng, được người dân tổ chức chơi trong những dịp lễ tết, hội hè đình đám. Đi cà kheo là một trò chơi mà người chơi đi trên hai thanh gỗ có gắn mấu cao hơn 1m, đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sắc khỏe tốt kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Các cuộc thi cà kheo tại các vùng quê tại dịp lễ tết thường tạo tiếng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ về độ khó của trò chơi.
 
 

Bịt mắt đập nồi: Trò chơi thường diễn ra vào các dịp hội làng mùa xuân ở các làng quê. Trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m được kẻ làm điểm xuất phát. Trước khi chơi, trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người bịt mắt và đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng nhỏ.

   
Trò chơi đập nồi tại sân Bảo tàng mỗi dịp tết đến xuân về

Bắt trạch trong chum: Trò chơi diễn ra vào mùa xuân trong lễ hội làng Tiên Du, huyện Phù Ninh. Với trò chơi bắt trạch trong chum, người ta đặt sẵn chiếc chum ở sân, trong chum được đổ 2/3 nước và thả vào đó vài con trạch. Khi trò chơi bắt đầu, từng đôi trai đến bên mỗi chiếc chum, mỗi người phải đưa một tay ra ôm nhau, còn tay kia thò vào chum bắt trạch. Cứ như vậy, cả hai choàng tay cho đến khi bắt được trạch. Trạch trơn nên luôn luôn chạy thoát, thành ra đôi trai gái chỉ bắt được tay nhau. Mọi người đứng xung quanh reo hò cổ vũ và trêu đùa các đôi, nhắc nhở đôi nào mải bắt trạch mà quên ôm nhau. Tiếng cười nói, tiếng chiêng trống náo động. Khi bắt được trạch, cả hai cùng giơ cao tay lên để mọi người xem đồng thời tiến lên lĩnh thưởng. Trò chơi xuất phát từ quan niệm âm dương, thể hiện ý nghĩa phồn thực. Sự kết hợp âm dương luôn mang lại những điều may mắn, mưa thuận, gió hòa, cuộc sống no đủ. 

Bịt mắt bắt vịt: Trò chơi bịt mắt bắt vịt là trò chơi rất vui nhộn. Mọi người đứng xung quanh thành vòng tròn, thả một vài con vịt vào giữa, sau đó cho 2-3 người bịt mắt vào lùa bắt. Người và vịt chạy trong vòng người đứng vây quanh. Ai bắt được vịt thì người đó thắng cuộc. Người khác lại vào chơi tiếp.     

   
Buổi vui chơi giã ngoại của các em học sinh tại Bảo tàng Hùng Vương

Trò chơi kéo co: Đạo cụ: 01 dây thừng dài khoảng 20m, giữa dây thắt một chiếc nơi đỏ. Trên  sân đặt một cột trụ hay vạch làm ranh giới. Mọi người tham gia chơi kéo co được chia làm hai phe. Có khi mỗi bên hoặc một bên nam, một bên nữ, mỗi bên đứng ở hai phía của mốc ranh giới, người trước người sau tay nắm chặt lấy dây thừng. Một người đứng giữa ra hiệu lệnh. Lập tức hai bên ra sức kéo, sao cho cột trụ kéo về phía bên mình là thắng. Bên ngoài mọi người cổ vũ  nồng nhiệt. Chơi Kéo co thường kéo 3 keo, bên nào thắng liền hai keo là bên ấy được.   

         
Có thể nói đây là các trò chơi vui, khỏe, đông người tham gia, ai cũng có thể vào chơi, không cần tập dượt nên rất phổ biến. Những hoạt động trên được nhân dân, đặc biệt là giới trẻ rất yêu thích vì vậy trong tương lai hoạt động này sẽ được bảo tàng Hùng Vương duy trì và phát triển không chỉ trong những dịp lễ tết, hội hè tại Bảo tàng mà sẽ trở thành hoạt động thường xuyên cho các đoàn khách tham quan, đặc biệt cho các em học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu về mảnh đất cội nguồn dân tộc.
                                                                                        
        Nguyễn Thị Bích Viên
VPTT BCĐ PT TDĐKXDĐSVH
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com