Thứ 2 | 13/12/2021
PhuthoPortal - “Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam - Độc lập” - Đó là khẳng định của Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về trận đánh Tu Vũ diễn ra từ 20 giờ ngày 10/12/1951 đến rạng sáng ngày 11/12/1951, trận đánh mở màn cho Chiến dịch Hòa Bình toàn thắng. Đây là trận công kiên đầu tiên, thể hiện tính tự chủ, sáng tạo và linh hoạt của quân đội ta; là bản anh hùng ca về tinh thần hy sinh, ý chí dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đập tan cứ điểm “bất khả xâm phạm”

Sau thất bại nặng nề ở mặt trận Biên giới Thu Đông năm 1950, thực dân Pháp lâm vào thế bị động phòng ngự. Để giành lại quyền chủ động trên chiến trường, Pháp chủ trương tập trung lực lượng lớn đánh thẳng lên Hòa Bình với mưu đồ xây dựng “xứ Mường tự trị”, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của nhân dân ta. Mặt khác, chúng mở rộng khu chiếm đóng, tăng cường phòng ngự phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ; ngăn chặn đường vận tải và liên lạc của ta từ Việt Bắc với Liên khu III và Liên khu IV. Để thực hiện âm mưu của mình, quân đội Pháp xây dựng một tuyến phòng thủ phân khu sông Đà với trọng tâm là Tu Vũ thuộc xã Tân Tiến, huyện Thanh Sơn (nay là xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy).

Theo chân anh cán bộ văn hóa xã Tu Vũ Khuất Đình Quân, chúng tôi tìm đến nhà của cụ Nguyễn Duy Sơn (97 tuổi) - nguyên lãnh đạo xã Tu Vũ thời kỳ những năm 60 của thế kỷ XIX, người được ví như “cuốn từ điển sống” của lịch sử địa phương, một trong số ít nhân chứng lịch sử hiện còn sống, được chứng kiến những giờ phút trọng đại của quê hương lúc bấy giờ. Tuy đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của cụ vẫn minh mẫn, giọng nói vẫn tràn đầy khí thế.


Cụ Sơn kể lại: Năm 1951, Pháp cho quân chiếm đóng Tu Vũ, phá hoại tài sản, nhà cửa của nhân dân để xây dựng một cứ điểm quân sự với hệ thống các lô cốt, hầm ngầm, ụ chiến đấu kiên cố, có hào chiến đấu, hào giao thông nối liền tạo thành thế liên hoàn vững chắc được bao bọc với nhiều lớp hàng rào thép gai xen kẽ các bãi mìn dày đặc. Cứ điểm được chia thành 3 khu A, B, C; trang bị 1 tiểu đoàn Ma rốc thiện chiến, xe tăng, xe bọc thép và sân bay dã chiến để sẵn sàng ứng cứu. Đồng thời, chúng phát quang toàn bộ thung lũng Tu Vũ trở thành một vành đai trắng, bố trí các đơn vị pháo ở Thủ Pháp, Chẹ và Đá Chông bên hữu ngạn sông Đà để tiếp viện cho Tu Vũ. Cứ điểm Tu Vũ chạy dài khoảng 300m bên bờ sông Đà, có chiều ngang hẹp, địa thế thuận lợi trong phòng thủ cùng với sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, thực dân Pháp tin rằng đây là cứ điểm “bất khả xâm phạm”.

Lúc này, Trung ương Đảng xác định nếu không phá được Tu Vũ sẽ không thể giải phóng được Hòa Bình và tiến công Tây Bắc. Do vậy, quân ta hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, phá bằng được kế hoạch chiếm đóng của địch trên cả mặt trận Hoà Bình và vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ. Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho quân và dân vùng Tây Bắc, đặc biệt là quân và dân tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) đánh địch bên tả ngạn sông Đà, tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh quân tăng viện trên sông từ Tu Vũ đến thị xã Hoà Bình.


Đúng 20 giờ 10/12/1951, quân đội ta nổ súng mở màn trận tấn công cứ điểm Tu Vũ. Trung đoàn 88 và lực lượng vũ trang địa phương được lệnh chia làm 3 mũi tiến công chiếm lĩnh trận địa. Trong đó, Tiểu đoàn 29 chiếm lĩnh phía Đông, tiến đánh khu B; Tiểu đoàn 23 đánh phía Bắc khu A; Tiểu đoàn 322 đột nhập khu vực Đông Nam, tiêu diệt khu C. Tuy nhiên, khi tiến hành áp sát qua khu vực vành đại trắng, lực lượng của ta bị địch phát hiện, chúng sử dụng hỏa lực từ trong cứ điểm bắn ra và gọi viện trợ từ các khẩu đội pháo xung quanh căn cứ. Chỉ trong hơn 1 giờ, địch đã bắn hơn 5.000 quả đạn pháo xung quanh căn cứ, biến bơi đây thành một vành đai lửa khiến quân ta bị tổn thất không nhỏ.

Với tinh thần anh dũng, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng, quân ta bí mật tiếp cận mục tiêu, triển khai lực lượng, hình thành thế bao vây, cắt gỡ hàng rào dây thép gai, dùng hỏa lực chế áp quân địch, thọc sâu chia cắt tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch. Sau hơn 5 giờ chiến đấu, đến sáng ngày 11/12/1951, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ; tiêu diệt 155 tên địch trong tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ của địch, 12 tên bị bắt sống, gần 100 tên tháo chạy, phá huỷ 4 xe tăng, xe thiết giáp, 1 tàu chiến, 7 ụ súng, thu 10 súng đại liên và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác.


“Chiến thắng Tu Vũ đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của thực dân Pháp. Quân ta hoàn toàn làm chủ tả ngạn sông Đà, khai thông đường vận chuyển từ hậu phương Việt Bắc tới Hòa Bình, tạo điều kiện để triển khai lực lượng đánh bại âm mưu của Pháp chiếm đóng vùng giải phóng Hòa Bình. Sau này, những kinh nghiệm từ trận đánh Tu Vũ đã được vận dụng sáng tạo, linh hoạt góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - cụ Sơn tự hào cho biết thêm.

Sức sống mới trên mảnh đất anh hùng

70 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng Tu Vũ, ngày nay dòng sông Đà hiền hòa đang chở theo những khát vọng đổi thay của Tu Vũ đi khắp muôn nơi. Năm 1994, địa điểm chiến thắng Tu Vũ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày chiến thắng Tu Vũ, công trình Tượng đài chiến thắng Tu Vũ và nhà truyền thống được khánh thành và đưa vào sử dụng. Giờ đây, Khu di tích chiến thắng Tu Vũ đã trở thành một điểm đến của đông đảo người dân địa phương cũng như cả nước, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử để giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng của thế hệ cha anh đi trước.


Cùng với việc gìn giữ những giá trị lịch sử trên mảnh đất quê hương, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tu Vũ đã phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng Tu Vũ, không ngừng phấn đấu, đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

                             


Sau 2 năm sáp nhập, xã Tu Vũ có tốc độ phát triển kinh tế ở mức khá. Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước của xã ước đạt 15 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,07%; 93,54% gia đình đạt danh hiệu văn hoá. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.


Ông Bùi Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Tu Vũ cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó chú trọng triển khai nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế mới cho giá trị kinh tế cao; đưa cây, con giống cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác. Đặc biệt từ khi sáp nhập, chúng tôi đã phát huy, tận dụng được thế mạnh của 3 địa phương (Tu Vũ, Yến Mao, Phượng Mao) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Nhìn lại chặng đường gần một thế kỷ đã qua, Đảng bộ và nhân dân xã Tu Vũ tự hào vì đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu ấy sẽ là điểm tựa để Tu Vũ vững bước đi lên trên con đường đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp trong tương lai.

Thanh Hòa - Ngọc Kiên
D
ẫn nguồn: https://phutho.gov.vn/

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com