Thứ 5 | 10/12/2015
1. Trong lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, đã hình thành nên những tập tục và nghi lễ mang sắc văn hoá riêng biệt. Song ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời điểm nào, gia đình vẫn là cái nôi sinh tồn, là cầu nối giữa các cá nhân và xã hội,  cống hiến cho xã hội những nhân tài; bởi vậy các giá trị của gia đình ngày càng được phát triển theo chiều hướng tiến bộ hơn lên.
          Văn hoá là yếu tố nền tảng làm nên sức mạnh cộng đồng. Sức mạnh ấy bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, được cố kết lại trong xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc; đã nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và quân cướp nước mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng.
Văn hoá gia đình được coi là thước đo của văn hoá dân tộc. Người Việt Nam coi việc cưới, việc tang là sự chuyển đoạn hệ trọng của đời người; coi lễ hội là nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng để hoà nhập cộng đồng củng cố đức tin. Việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội là 1 bộ phận quan trọng của văn hoá, là nền tảng tinh thần góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc. Nghiên cứu và tìm hiểu kỹ việc tổ chức lễ cưới, lễ tang, lễ hội có thể thấy được trình độ dân trí, tính nhân văn, bản sắc văn hoá của một tộc người hay của cả dân tộc đó.
          Việc cưới, việc tang, lễ hội là việc riêng của từng người, từng gia đình, từng cộng đồng nhưng lại có ảnh hưởng chung đến toàn xã hội. Đây là môi trường dễ thăng hoa, dễ nảy sinh hủ tục, tệ nạn, mê tín dị đoan và cao hơn nữa nó đã phát tác thành một vật cản trở xã hội, lãng phí về thời gian, tốn kém về kinh tế, dằn dựa về tinh thần cho gia đình và xã hội.
           Trong đời sống xã hội, văn hoá được thông qua việc cưới, tang, lễ hội đã làm cho đời sống văn hoá tinh thần của cả cộng đồng thăng hoa, viên mãn, là điểm tựa tinh thần cho chúng ta vững bước trên con đường CNH-HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.
          2. Hiện nay, hội nhập quốc tế đang đưa luồng gió mới thổi đến đem lại sinh khí mới phát triển đất nước song cũng không ít bụi khí ảnh hưởng đến môi trường và tâm lý cộng đồng. Nhiều nơi đã phát sinh lối sống thực dụng, trục lợi, sùng bái văn hoá ngoại, coi thường những giá trị văn hoá và đạo đức dân tộc, tình nghĩa cộng đồng mà biểu hiện rõ nhất trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Một bộ phận đảng viên, cán bộ, đặc biệt là bộ phận cán bộ “lớp trên” đã tổ chức đám tang linh đình, đám cưới tại nhiều địa điểm, kéo dài về thời gian, tốn kém về tiền của. Nhiều lễ hội bị biến dạng vì động cơ thương mại hoá.
    Nhiều hủ tục cũ được phục hồi và những hủ tục mới do có sự giao thoa văn hoá, cái mới, cái lạ một cách thiếu chọn lọc. Những biểu hiện đó đã tạo nên sức mạnh ngầm phá hoại tập quán, phong tục, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ta, cản trở việc xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
          Tập quán, phong tục, lễ hội là nhân tố quan trọng của nền văn hoá dân tộc, là bộ phận nền tảng hợp thành bản sắc dân tộc. Tập quán, phong tục không tạo nên lịch sử, không tạo nên lớp văn hoá của một dân tộc, song tập quán và phong tục lại góp phần tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc; chính nhờ những tập quán, phong tục đã làm nên vẻ đẹp của nền văn hoá dân tộc góp phần đắc lực vào việc cố kết cộng đồng dân tộc, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tập quán, phong tục tốt đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn là tài sản văn hoá của đất nước, của nhân loại; là động lực góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị. Song tập quán, phong tục có tính bảo lưu bền vững nên trải qua thăng trầm lịch sử, dần có tính bảo thủ và trở nên lạc hậu. Nếu không được phát hiện, bài trừ thì sự bảo thủ và lạc hậu ấy trở thành hủ tục. Một khi tập quán phong tục trở thành hủ tục sẽ lại là vật cản phát triển văn hoá của cộng đồng.
          Việc cưới là việc lớn và quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người, được luật pháp và xã hội luôn coi trọng. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là vấn đề nan giải và khó khăn nhất trong việc thực hiện nếp sống văn minh. Việc cưới cần tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các thủ tục có tính phong tục, tập quán cần được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc. Tổ chức ăn uống cần phải tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức cưới phải đảm bảo quy định về an toàn giao thông và trật tự xã  hội.
          Việc tang là thể hiện mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa người sống và người chết, giữa những người đang cùng chung sống, vượt qua ngoài tính huyết thống gia tộc, việc tang còn mang tính xã hội sâu sắc. Tổ chức việc tang phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hộ tịch, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Việc tang cần tổ chức chu đáo, trang trọng, gọn nhẹ, tiết kiệm; phải đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, an ninh cộng đồng. Khi đưa tang cần hạn chế rắc vàng mã, tiền âm phủ, tiền giấy… trên đường. Việc chôn cất, cải táng, xây mộ phải nằm trong quy hoạch nghĩa trang phù hợp với quỹ đất, phong tục, tập quán, hương ước, quy ước của địa phương.
          Hoạt động lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Hoạt động lễ hội đã tác động làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần đẩy mạnh phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
          Tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thông qua lễ hội để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt  Nam, đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và các nhu cầu chính đáng của nhân dân. Các hoạt động lễ hội nhằm mục tiêu hướng thiện: bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, khôi phục có chọn lọc để tổ chức các nghi thức truyền thống, những diễn xướng, trò chơi dân gian phù hợp với cuộc sống đương đại.
          3. Để xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ với tinh thần gạn đục khơi trong, ngăn chặn việc phục hồi các hủ tục đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội; nhiệm vụ bao quát hàng đầu của sự nghiệp văn hoá hiện nay là xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần những giá trị và chuẩn mực văn hoá mới phù hợp yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
          Ngày 12/1/1998 Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 27 - CT/TW nêu rõ: “Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến đổi mới những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu, nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội lành mạnh, tiết kiệm tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu. Chống khuynh hướng kinh doanh vụ lợi, xoá bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan”.      
Ngày 16/7/1998 BCHTW ban hành Nghị quyết 5 (khoá VIII) về việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội được nhấn mạnh : “Bảo vệ bản sắc văn hoá phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác, giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”.
Ngày 25/11/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 308/2005 QĐ/TTg ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Quy chế quy định: “ Tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội  phải đảm bảo không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không được thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan như xem số, xem bói, xóc thẻ, yểm bùa, trừ tà và các hình thức mê tín dị đoan khác, không gây mất trật tự an ninh xã hội, không lợi dụng để truyền đạo trái phép và có các hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc. Không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức. Không mời, không dự tiệc cưới trong giờ làm việc. Không sử dụng thời gian làm việc, công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi dự lễ hội khi không có nhiệm vụ. Không lợi dụng việc cưới, việc tang để nhận quà biếu nhằm trục lợi cá nhân; không sử dụng công quỹ của cơ quan, đơn vị, tổ chức để làm quà mừng cưới, viếng đám tang phục vụ cho mục đích cá nhân. Giữ sự yên tĩnh, hạn chế gây tiếng ồn vào ban đêm”.
          Sau 15 năm thực hiện NQ TW5 (Khóa 8), để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 33 – NG/TƯ ngày 9/6/2014 về “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
          Phú Thọ là tỉnh có nền văn hiến lâu đời, nơi khởi đầu phong trào xây dựng gia đình văn hoá mới. Năm 1950, Ty Tuyên truyền văn nghệ đã soạn ra các vở kịch ngắn: “ Chuyện nhà”, “ Quý tử”, “ Khoá vòng” gửi cho các đội văn nghệ cơ sở dàn dựng để vận động nhân dân xây dựng gia đình văn hoá; tổ chức đám cưới, đám ma theo hình thức mới, văn minh, tiết kiệm.
          Tính đến hết tháng 12/2014 toàn tỉnh có 323.745/370.106 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá (chiếm 87,5 % tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh); 2483/2887 khu dân cư đạt chuẩn văn hoá (chiếm 86% tổng số khu dân cư trong toàn tỉnh); đến hết tháng 5/2015 có 99,80% khu dân cư có nhà văn hoá.
          Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, với truyền thống dân tộc, với bề dày lịch sử - văn hoá, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, Phú Thọ sẽ cùng nhân dân cả nước triển khai có hiệu quả thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội.
Chúng ta tiếp tục phải làm cho dân ta thấu hiểu được lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đời sống mới không phải là cái gì cũng bỏ hết. Không phải cái gì cũng mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Ví dụ; ta phải bỏ hết tính lười biếng và tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng nhiều phiền phức thì phải sửa lại cho hợp lý. Ví dụ: Cơm cúng quá xa xỉ ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt thì ta phải phát triển thêm. Ví dụ: ta phải tương thân, tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay thì phải làm. Ví du: ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”.
          Triển khai có kết quả cao việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội không thể là việc làm một sớm, một chiều mà là công việc của cả một thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Xây dựng được một môi trường văn hoá lành mạnh, trong sạch, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, giữ gìn lối sống văn hoá truyền thống tốt đẹp trong gia đình, trong cộng đồng cũng là một trong những mục đích cơ bản của việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; góp phần tích cực “ Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong cả hiện tại và tương lai./.
 
Phạm Bá Khiêm
PGĐ  Sở VHTT&DL  Phú Thọ.
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com