Thứ 3 | 06/11/2018
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa huyện Phù Ninh đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ và các tầng lớp nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 
 

CLB Gia đình hạnh phúc 5 không 3 sạch xã Hạ Giáp tham gia Hội thi
 
Ngay sau khi có Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành,  huyện Phù Ninh đã tổ chức phổ biến, quán triệt Luật các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, công tác Phòng, chống bạo lực gia đình tới cán bộ chủ chốt các phòng, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật. Hàng năm, đều xây dựng kế hoạch triển khai công tác gia đình trong đó có lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình. Trong những năm gần đây, tình hình BLGĐ trên địa bàn huyện Phù Ninh có sự chuyển biến tích cực, số vụ bạo lực gia đình đã được giảm dần năm 2010 xảy ra 69 vụ, năm 2017 giảm xuống còn 25 vụ BLGĐ. Từ năm 2008 đến nay toàn huyện xảy ra 527 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đối tượng gây ra bạo lực gia đình chủ yếu là nam giới; gần 39% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Nhận thức rõ những hệ lụy, hậu quả của tình trạng bạo lực gia đình, thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện được quan tâm với nhiều giải pháp, trong đó tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng của việc triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã cấp phát được 582 cuốn tài liệu gồm “văn bản quản lý nhà nước về công tác gia đình”; “sổ tay công tác gia đình”; “Hỏi đáp về luật phòng, chống bạo lực gia đình”; xây dựng được 25 cụm pano; 210 băngzôn  tuyên truyền về đạo đức, lối sống truyền thống của gia đình Việt Nam và phòng chống bạo lực gia đình.  Trên trang thông tin điện tử huyện xây dựng chuyên trang chuyên mục “Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình”, đưa được 550 tin, bài phản ánh về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; thông qua hệ thống đài truyền thanh từ huyện và cơ sở phát thanh được 950 lượt. Hàng năm, nhân kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam (28/6) từ huyện đến cơ sở đều tổ chức nhiều hoạt động như: giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức biểu dương, gặp mặt gia đình tiêu biểu xuất sắc, nói chuyện chuyên đề về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Tại các xã, thị trấn, nội dung phòng, chống bạo lực gia đình được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh, Luật phòng chống bạo lực gia đình còn được đưa vào các hương ước của khu dân cư. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, đến nay toàn huyện có 8 mô hình, 23 câu lạc bộ, 29 địa chỉ tin cậy, 25 nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Các mô hình này hoạt động khá tích cực, hiệu quả, nhất là trong việc tuyên truyền phổ biến cho hội viên tham gia các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc. Nhờ các mô hình này, nhiều vụ bạo lực đã được can thiệp kịp thời, xử lý thành công bằng các biện pháp như góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư và hòa giải tại gia đình, trong 10 năm hòa giải được 946 vụ. Hiện nay, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt, một số câu lạc bộ vẫn duy trì sinh hoạt định kỳ 1 tháng/1 lần, do kiều kiện kinh phí không có nên thường tổ chức sinh hoạt lồng ghép trong các buổi họp khu dân cư. 
 

Tiểu phẩm hưởng ứng ngày gia đình Việt Nam 28/6

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn những tồn tại, hạn chế: công tác gia đình là lĩnh vực mới, cán bộ từ cấp huyện đến cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc, chưa được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về văn hoá gia đình, chưa nắm rõ các quy định của Luật PCBLGĐ cũng như việc chỉ đạo thực hiện các mô hình điểm còn lúng túng, hiệu quả đạt được chưa cao. Công tác thống kê số liệu về bạo lực gia đình rất khó khăn do chưa có đội ngũ cộng tác viên và còn thiếu kinh phí hỗ trợ cho việc điều tra thu thập số liệu. Việc phát hiện, thống kê báo cáo về bạo lực gia đình rất khó khăn, không đầy đủ;  việc xử lý các hành vi vi phạm bạo lực gia đình chưa kịp thời; công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo pháp luật còn hạn chế. Nguồn kinh phí chi hàng năm cho công tác PCBLGĐ còn hạn hẹp. Công tác xã hội hóa hoạt động của các CLB chưa được quan tâm... Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả cao, Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp huyện Phù Ninh đã và đang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; đặc biệt là nêu cao vai trò trách nhiệm của các ngành các tổ chức chính trị  - xã hội, các thành viên gia đình trong việc việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Củng cố, kiện toàn ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ huyện đến cơ sở. Làm tốt việc bồi dưỡng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ, đảng viên, cán bộ làm công tác gia đình và cộng tác viên các cấp. Duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó chú trọng vào những địa phương có nguy cơ cao về BLGĐ, tệ nạn xã hội.
Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững./.
 
                                                     Đặng Hiền – Phòng Văn hóa &
                                                        Thông tin huyện Phù Ninh
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com