Thứ 5 | 23/04/2015
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, làng xóm chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần xã hội, trong truyền thống văn hiến của dân tộc. Làng là một cộng đồng dân cư được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, cùng nhau khắc phục thiên tai, chống lại mọi thế lực thù địch hình thành nên quốc gia dân tộc, trong đó làng tồn tại và phát huy bản sắc của mình. Từ làng xã mà chúng ta có được nhân tài, những phong tục tập quán tốt đẹp, những công trình văn hóa... Văn hóa làng vùng Đất Tổ thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam ở khía cạnh là văn hóa cội nguồn có bề dầy mấy ngàn năm. Từ văn hóa làng đến làng văn hoá và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có quan hệ  khăng khít gắn bó, bởi lẽ chúng ta xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên nền văn hóa truyền thống làng xã vùng Đất Tổ, biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp của văn hóa làng và biết khắc phục những mặt bất cập của văn hóa làng. Có làm được điều này thì cuộc vận động mới thật sự đi vào chiều sâu và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nói cho cùng cuộc vận động xây dựng làng văn hóa và toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đều nhằm vào mục tiêu chung xây dựng con người mới, xây dựng nếp sống văn hóa làm cho cuộc sống tinh thần của mọi người dân ngày thêm phong phú, giữ gìn ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Một nét đẹp trong văn hóa hội làng

          Xưa kia ông cha ta trong bước đầu dựng làng đều phải dựa vào nhau để đẩy lùi đầm hoang, chống chọi lại kẻ thù bốn chân, thiên tai lũ lụt, hạn hán. Từ lao động sản xuất và xây dựng làng xóm mà dần hình thành tâm lý bám đất, bám làng gắn bó cố kết cộng đồng. Tổ chức làng, tinh thần cố kết cộng đồng trong sản xuất và sinh hoạt với quan hệ dòng tộc huyết thống đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý cộng đồng trở nên đặc trưng trong quan hệ ứng xử: " Thương người như thể thương thân", " Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" và trong việc hình thành tư tưởng cội nguồn dân tộc: " Trăm con một bọc" ( Truyền thuyết Âu Cơ và bọc trăm trứng).
          Trong văn hóa làng vùng Đất Tổ truyền thống hiếu học, trọng người có trí thức mang hiểu biết của mình giúp xóm làng được khẳng định trong nhiều hương ước. Ví dụ hương ước được soạn thảo năm 1932 sao lại năm 1942 của làng Hy Cương, Phùng Nguyên, Xuân Lũng, Kiều Tùng đã dành 3 điều nói về sự học hành giáo dục.
          Truyền thống tương thân tương ái giúp nhau lúc hoạn nạn, truyền thống giữ gìn tôn ty trật tự kỷ cương trong nề nếp gia đình, dòng họ là những nét đẹp cần phát huy trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng xã văn hóa nông thôn mới.
          Trong lối sống, nếp sống của người nông dân Phú Thọ có nhiều nét đẹp trong phong cách thể hiện. Đó là sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình vô tư người khác, tôn trọng tình làng nghĩa xóm, sống hòa đồng với thiên nhiên, luôn đề cao sự tiết kiệm, luôn chăm lo vun vén cho thế hệ sau những điều tốt lành. Trong phong tục tập quán có nhiều nét đẹp trong việc cưới, việc tang như sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần như những người thân trong gia đình mà chúng ta cần trân trọng giữ gìn và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
          Hàng năm ở Phú Thọ có hàng trăm lễ hội truyền thống được tổ chức ở nhiều làng quê. Đây là dịp thuận lợi để tam linh con người nhớ về Tổ tiên, những người có công với làng, với nước, được tắm mình trong bầu không khí vừa thiêng liêng vừa gần gũi của cộng đồng làng xóm, được thư thái sau những ngày lao động mệt nhọc để hòa mình với niềm vui của cộng đồng.
          Trong di sản văn hóa truyền thống của Tổ tiên để lại hát Xoan là một loại hình dân ca nghi lễ - phong tục tiêu biểu. Năm 2011 tổ chức UNESCO đã công  nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Hát Xoan gắn liền với thờ cúng các Vua Hùng ở các di tích trong một không gian thiêng, hát Xoan là khúc hát cửa đình có nội dung tín ngưỡng với mục đích thờ thần, cầu thần phù hộ độ trì cho dân làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an. Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian thuộc tầng văn hóa cổ của cộng đồng cư dân nông nghiệp làm lúa nước. Người dân Phú Thọ luôn tự hào về sự ra đời của hát Xoan có từ thời các Vua Hùng dựng nước, trải qua hàng nghìn năm lịch sử hát Xoan vẫn có sức sống lâu bền, trường tồn trong các lễ hội, trong các sinh hoạt văn hoá của người dân. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cấp, các ngành đặc biệt là các địa phương có phường Xoan gốc tổ chức và thực hiện chương trình hành động với nhiều giải pháp tích cực để phục hồi, phát triển hát Xoan, để loại hình dân ca đặc sắc này có sức sống lâu bền tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng và sớm ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2015.
          Trong văn hóa làng vùng Đất Tổ còn có một điều chúng ta cần nghiên cứu suy nghĩ để vận dụng trong xây dựng làng văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đó là hương ước một phương thức tự quản làng xã của cha ông ta. Ở khuôn khổ bài viết này chúng tôi không có điều kiện phân tích sâu nhưng tựu chung lại có mấy điểm cần chú ý:
          Trước hết nói đến tính tích cực của hương ước: nó củng cố truyền thống đoàn kết, cố kết làng xã; hương ước khuyên mọi người ăn ở hòa thuận giữ đúng đạo hiếu trong gia đình giữ tình làng nghĩa xóm, giúp nhau lúc thiên tai, khó khăn hoạn nạn...Hương ước tạo cho người dân lòng tự hào về làng quê mình, do đó người dân không làm gì có hại đến thanh danh làng mình, dòng họ, gia đình mình; người dân quan tâm đến công ích và làm tròn các nghĩa vụ của mình với nhà nước. Hương ước góp phần trong việc củng cố các thiết chế văn hóa- tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu trong các làng quê vì nó quy định rất rõ trách nhiệm đóng góp tu bổ của các thành viên trong cộng đồng làng xóm.
           Tuy nhiên cũng nhận rõ những điều còn hạn chế của hương ước đó là tư tưởng cục bộ chỉ quan tâm đến lợi ích của làng mình, góp phần làm tăng hủ tục trong đám cưới, đám tang, mừng thọ tạo ra lối sống theo lệ làng không quen với pháp luật, các điều khoản phạt tiền, đánh đòn, đuổi khỏi làng... trong hương ước cũ rất nặng nề. Do vậy khi xây dựng quy ước làng văn hóa ta phải biết kế thừa những điểm tiến bộ trong hương ước cũ để quy định những điều dễ hiểu, dễ nhớ và phát huy thuần phong mỹ tục của cha ông, truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương. Đồng thời  kiên quyết loại bỏ những hủ tục lạc hậu, kể cả những hủ tục mới phát sinh không để quy ước làng văn hóa trở thành một thứ lệ làng mới và cái quan trọng nhất là được người  bàn bạc, nhất trí thông qua cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với cuộc vận động xây dựng đời sống kinh tế phát triển tạo được cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, có quy hoạch xóm làng, khu dân cư một cách hợp lý, xây dựng được các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, thường xuyên có các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và rèn luyện thể chất cho người lao động, xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội theo nếp sống văn minh như tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Quyết định 308 của Thủ tướng Chính phủ; bảo tồn giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, huy động được mọi nguồn lực xã hội tổ chức nhiều hoạt động ở cơ sở đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của quần chúng về văn hóa tinh thần, góp phần đưa nghị quyết TW5 khóa VIII vào cuộc sống.
          Khơi dậy và phát huy những nét đẹp truyền thống của văn hóa làng vùng Đất Tổ, tăng cường việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao có định hướng của nhà nước là nguồn động lực to lớn, là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển vừa có diện rộng vừa có chiều sâu.
 
Trần Văn Quang
                                                        Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ 
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com