Thứ 3 | 09/11/2021
Đặng Đình Thuận
PCT Hội Văn nghệ dân gian PT
 
      Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), địa bàn tỉnh Phú Thọ là của ngõ ra vào chiến khu Việt Bắc. Chính vì vậy mà nhiều trận đánh vang dội đã diễn ra trên địa bàn và đó đều là những trận đánh lớn với chiến công hiển hách, những mốc son chói lọi ghi dấu những bước trưởng thành của quân và dân Phú Thọ nói riêng và của quân và dân cả nước nói chung. Đó là những chiến thắng tiêu biểu như:  Chiến thắng Sông Lô (10/1047); chiến thắng Tu Vũ - Đá Chông trong chiến dịch Hoà Bình (12/1951); chiến thắng Chân Mộng- Trạm Thản tháng 11 năm 1952. Sau chiến thắng Chân Mộng- Trạm Thản, thế và lực của quân và dân ta đã thay đổi, cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho ta và bất lợi cho địch. Quân và dân ta ngày càng giữ thế chủ động trên chiến trường và chuyển từ giai đoạn cầm cự, phòng ngự sang giai đoạn phản công trên các mặt trận đã góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử: “ Chín năm làm một Điện Biên; Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng…” ( Tố Hữu)
  
Ảnh tư liệu về trận đánh Chân Mộng - Trạm Thản
 
      Từ tháng 9 năm 1952, phán đoán được âm mưu của Thực dân Pháp, Tổng quân uỷ đã chỉ thị cho tỉnh Phú Thọ: " Trong khi chủ lực ta đánh mạnh trên chiến trường chính thì địch sẽ đối phó bằng cách tấn công ra Phú Thọ để kiềm chế, chia rẽ lực lượng ta, đồng thời phá hoại kinh tế, mùa màng của ta, khủng bố nhân dân, bắt thanh niên đi lính...Vì vậy, nhiệm vụ của Đảng bộ và các lực lượng vũ trang Phú Thọ là phải tích cực đánh địch bằng mọi cách để bảo vệ kho tàng, mùa màng, bảo vệ nhân dân".

      Trong những ngày tháng 10 năm 1952, quân và dân ta kết thúc thắng lợi đợt 1 của chiến dịch Tây Bắc và tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, vũ khí để mở đợt 2 của chiến dịch. Quân Pháp nhanh chóng bổ sung, tăng cường lực lượng để củng cố phòng tuyến Tây Bắc, đồng thời mở cuộc hành quân mang tên Lo- Ren với lực lượng bộ binh và cơ giới khá lớn đánh vào địa bàn Phú Thọ với mục đích phân tán quân chủ lực của ta, quấy rối và phá hoại hậu phương trực tiếp của chiến dịch Tây Bắc, hy vọng cứu vãn được tình thế đang dần dần bị nguy ngập trên toàn bộ chiến trường Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

      Thực hiện chỉ thị của Tổng quân ủy, Tỉnh uỷ Phú Thọ đã chỉ đạo nhân dân trong tỉnh tích cực phòng tránh, sơ tán kho tàng, của cải và xây dựng các phương án chống càn quét của địch. Ngày 28/10/1952, quân Pháp bắt đầu mở chiến dịch Lo- Ren bằng hai mũi tiến quân: Mũi thứ nhất tiến sâu lên Đoan Hùng. Mũi thứ hai tiến công sang hữu ngạn sông Thao và các huyện Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn. Ngày 2/11/1952 địch bắt đầu tiến công sang tả ngạn và đánh vào thị xã Phú Thọ, rải quân chiếm giữ quốc lộ 2. Ngày 9/11/1952, địch dùng xe cơ giới và phối hợp với quân nhảy dù chiếm Đoan Hùng nhằm cắt đứt đường tiếp tế của ta từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, Yên Bái.

      Ngày 11/11/1952, Tổng quân uỷ quyết định thành lập Ban chỉ huy mặt trận Phú Thọ và tăng cường lực lượng chủ lực cho mặt trận và trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ chiến đấu. Quân và dân Phú Thọ ở các huyện Tam Nông, Hạc trì ( Việt Trì), Lâm Thao, Phù Ninh đã chủ động đánh địch, chặn đứng các cuộc càn quét của chúng, bảo vệ nhân dân và làm tiêu hao một phần lớn sinh lực địch, làm cho lực lượng địch phải phân tán và dàn mỏng trên một chiến tuyến dài 80 km, gặp nhiều khó khăn về tiếp tế và ứng cứu, buộc chúng phải có ý định rút quân trước dự định. Bộ tổng tư lệnh đã đoán trước việc rút quân của chúng, ngày 9/11/1952, quân ta điều trung đoàn Bắc- Bắc( Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn quân Tiên phong 308) từ Tây Bắc quay về Phú Thọ chiến đấu. Ban chỉ huy mặt trận Phú Thọ đã phối hợp với Trung đoàn 36 bố trí trận địa phục kích táo bạo trên quốc lộ 2 đoạn qua các xã Chân Mộng- Trạm Thản. Ngay trong đêm 16/11/1952, chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu mai phục chờ giặc rút từ Đoan Hùng về. Đến 10 giờ 20 phút ngày 17/11/1952, đội hình hành quân của địch lọt vào trận địa phục kích của quân và dân ta đã bày sẵn. Các chiến sỹ trung đoàn 36 đã anh dũng nổ súng chụp lửa lên đoàn xe của địch. Đội hình rút quân của địch nhanh chóng bị cắt làm đôi. Số địch đi đầu thoát chết nhanh chóng rút chạy về Phú Hộ, số còn lại nằm gọn trong tầm súng tiêu diệt của ta. Sau 20 phút chiến đấu vô cùng ác liệt, ngoan cường, dũng cảm. Quân ta đã phá huỷ 31 xe cơ giới của địch, hàng trăm tên xâm lược phải đền tội. Thừa thắng, quân ta tiếp tục truy kích đánh địch diệt thêm 13 xe cơ giới. Sau một ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, trong đó có tấm gương chiến đấu anh dũng của đồng chí Sơn Mã, tiểu đoàn trưởng tiếu đoàn 84 trung đoàn 36 và hàng trăm chiến sỹ của sư đoàn 308 đã hy sinh anh dũng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử tiêu diệt hơn 400 tên địch; phá huỷ 44 xe cơ giới, trong đó có 17 xe tăng, xe bọc thép. Thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân trang, quân dụng của địch.
 
      Bị thiệt hại nặng nề ở mặt trận Chân Mộng- Trạm Thản, quân Pháp ra lệnh cho tướng Đờ- li- na- rét kết thúc cuộc hành quân Lo- Ren. Ngày 25/11/1952, quân Pháp rút khỏi Phú Thọ. Sau chiến thắng Chân Mộng- Trạm Thản, ngày 19/11/1952, Tỉnh uỷ Phú Thọ đã chỉ thị cho các cấp uỷ, chính quyền nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân, tăng cường công tác bảo mật phòng gian và tuyên truyền tin chiến thắng, động viên nhân dân khắc phục thiệt hại để tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.

      Trận đánh Chân Mộng- Trạm Thản đã đi vào lịch sử chiến đấu oai hùng của quân và dân ta nói chung và của Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ nói riêng. 69 năm đã trôi qua, những dấu tích của chiến trường xưa đã được cuộc sống mới hôm nay phủ lên màu xanh no ấm, hạnh phúc. Nhưng trong ký ức của quân và dân Đất Tổ vẫn còn ghi nhớ rõ sự hy sinh to lớn để có được chiến công oanh liệt hào hùng như một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và của quân và dân Đất Tổ- Phú Thọ.

      Để ghi nhớ chiến thắng lịch sử đã diễn ra trên địa bàn hai xã Chân Mộng (Đoan Hùng)- Trạm Thản (Phù Ninh) và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ và nhân dân Phú Thọ, năm 2004, Bộ Văn hóa, Thông tin( Nay là Bộ VHTT&DL) đã công nhận địa điểm chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản là di tích LSVH Cách mạng kháng chiến cấp quốc gia tại quyết định số 08/QĐ- BVHTT ngày 23/01/2004. Đó là căn cứ pháp lý để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích LSVH cách mạng kháng chiến Chân Mộng- Trạm Thản. Tuy vậy, với hệ thống tượng đài và quy mô di tích như hiện nay còn khá khiêm tốn, chưa xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của chiến thắng. Vì hiện trạng di tích tượng đài nằm trên địa bàn của xã Chân Mộng ( thuộc huyện Đoan Hùng); khu vực nghĩa trang và trưng bày hiện vật lại nằm trên địa bàn xã Trạm Thản ( thuộc huyện Phù Ninh), nhưng quyết định công nhận di tích cấp quốc gia lại ghi địa danh huyện Đoan Hùng. Do vậy, đề nghị ngành văn hóa, các ngành liên quan và các cấp chính quyền, quan tâm xây dựng quy hoạch chung và đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo khu di tích bao gồm các công trình: Cụm tượng đài và các công trình như nghĩa trang liệt sỹ, nhà trưng bày hiện vật và các công trình phụ cận khác giống như các khu di tích cấp quốc gia tượng đài chiến thắng Sông Lô; tượng đài chiến thắng Tu Vũ trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng, để thiết thực góp phần  giáo dục truyền thống yêu nước, ý trí quật cường chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Thể hiện đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây" của thế hệ hôm nay và cả mai sau, thiết thực đóng góp công sức và trí tuệ trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước vì mục tiêu " Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh" ./.                                                      
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com