Thứ 4 | 27/04/2016
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.       
     1. Gia đình là nơi tái tạo con người.
     Gia đình là tế bào của xã hội, là tổng hợp các mối quan hệ, ứng xử, giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng, dân tộc. Gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu coi xã hội là cơ thể sống thì mỗi gia đình là tế bào làm nên cơ thể xã hội. Xã hội (cơ thể) lành mạnh tạo điều kiện cho các gia đình (tế bào) tiến bộ, hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa, bền vững của xã hội. Việc xây dựng gia đình mới là một trong những vấn đề quan trọng của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
     Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001, chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Ngày gia đình Việt Nam là cơ hội để mỗi chúng ta, mỗi gia đình, mỗi cơ quan rà soát lại công tác gia đình nơi mình đang sinh sống.
     Chủ tịch UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: “ Qua hàng ngàn năm phát triển của đất nước, gia đình Việt Nam ngày nay vẫn là nơi gìn giữ và phát triển các truyền thống chuẩn mực giá trị cao đẹp của dân tộc, như tình yêu quê hương đất nước, vun đắp cuộc sống gia đình, lao động cần cù, sáng tạo, dũng cảm kiên cường bảo vệ tổ quốc…Xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc luôn là mục tiêu được Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quan tâm…”.
2. Gia đình văn hóa là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức.
Xây dựng Gia đình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mặt trái của cơ chế thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài tràn vào tác động đến con người, việc xây dựng gia đình văn hóa bền vững, hạnh phúc càng trở nên cấp thiết.
Ta thường nói gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố tích cực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc tái sản xuất ra con người và sức lao động,                 
nuôi dưỡng và chăm sóc các thành viên trong gia đình; tế bào ấy có lành mạnh thì xã hội mới phát triển tốt đẹp. Giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá quí báu của dân tộc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự thuỷ chung giữa vợ và chồng, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, sự tôn kính biết ơn với tổ tiên, sự thương yêu đùm bọc giữa anh chị em trong gia đình, sống có tình, có nghĩa, có nhân cách với  họ hàng, làng xóm…
Gia đình hiện nay đang tiếp thu và thể hiện những tư tưởng tiến bộ của nhân loại: Tôn trọng và thực hiện quyền bình đẳng giới, tôn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, chăm sóc và dạy bảo con cái… Gia đình còn là một chủ thể văn hoá, là nền tảng cho sự phát triển và hình thành nhân cách của mỗi con người. Nhân cách tốt hay xấu, phát triển đến mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Ông cha ta đã dậy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Đây thực sự là một kinh nghiệm quí báu, một bí quyết về cách sống và là văn hoá ứng xử trong gia đình để giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
 

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trao tặng hoa và quà
cho các gia đình hạnh phúc tiêu biểu năm 2013 - ảnh Quách Sinh
 
3. Xây dựng gia đình văn hóa: no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Đảng ta khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Nhà nước cần có phương hướng, chính sách và biện pháp tổ chức thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, bảo đảm hạnh phúc gia đình”. Nhà nước đã ban hành các chính sách để xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình; coi đây là một động lực quan trọng quyết định thành công sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển, lan rộng đến các vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Tính đến hết tháng 12 năm 2015, toàn tỉnh có gần 98% khu dân cư thực hiện đúng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội; 87,6% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 86,7% số khu dân cư, làng, bản đạt tiêu chuẩn khu dân cư, làng, bản văn hóa; 12/30 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% khu dân cư có nhà văn hóa; 100% khu dân cư đã xây dựng được quy ước, hương ước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng; đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn; kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, hiện nay toàn tỉnh không còn hộ đói, số hộ giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, chính sách an sinh xã hội tiếp tục được phát triển; các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng; tình làng nghĩa xóm được củng cố, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng tiến bộ; các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ; cảnh quan môi trường được xây dựng khang trang xanh - sạch - đẹp; nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, của, ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm và các công trình phúc lợi khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí tại địa phương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ý thức của người dân về chấp hành các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng nâng cao.
Mỗi gia đình và cộng đồng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, có trách nhiệm vận động nhau xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, khuyến khích phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp, có lối sống lành mạnh, văn minh, tôn trọng kỷ cương phép nước, có ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình, tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái, sự hy sinh vô bờ bến của các bậc sinh thành, tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy…chú trọng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, các thành viên trong gia đình hòa thuận, yêu thương, chăm sóc nhau và có ý thức rèn luyện, học tập nâng cao kiến thức.
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác xây dựng gia đình đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: nguồn lực đầu tư phát triển còn thiếu, thiên tai, dịch bệnh…còn diễn biến phức tạp; việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người giữa các gia đình chưa ổn định, nhất là các gia đình ở vùng nông thôn, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xây dựng gia đình văn hoá trong giai đoạn hiện nay.
Gia đình Việt Nam mặc dù chịu nhiều tác động của xã hội, nhưng hiện tại  vẫn là một gia đình truyền thống; là tế bào của xã hội; là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi người. Sự đùm bọc yêu thương và chăm sóc nhau của mỗi thành viên gia đình là vĩnh cửu, là nền tảng phát triển xã hội.
Giáo dục cho các thành viên trong gia đình lòng yêu nước, yêu quê hương; gia đình hòa thuận, nền nếp gia phong, lối sống giản dị, tiết kiệm, biết kính trọng và chăm sóc người già - chăm sóc các gia đình chính sách, vun đắp xây dựng gia đình trên nền tảng giá trị đạo đức, để các giá trị ấy luôn tồn tại bền vững và phát triển là trách nhiệm của mỗi người./.
                                                                           
                                                                    Tháng 4/2016
     Phạm Bá Khiêm
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com