Tạ Nguyệt Thu
Phó Trưởng phòng PTTN Du lịch
“Net Zero tour” là một xu hướng du lịch mới, hướng đến việc tổ chức các chuyến đi với mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon. Từ phương tiện di chuyển, lưu trú, ăn uống đến các hoạt động trải nghiệm, mọi yếu tố trong tour đều được thiết kế để hạn chế tác động đến môi trường. Các trải nghiệm xanh, kết hợp với thông điệp bảo vệ thiên nhiên và giảm thiểu rác thải nhựa, không chỉ mang lại lợi ích bền vững mà còn góp phần quan trọng trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thuật ngữ NET ZERO (phát thải ròng bằng 0) đang trở thành từ khóa trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. NET ZERO được hiểu là trạng thái cân bằng giữa lượng khí nhà kính thải ra và lượng khí nhà kính được loại bỏ khỏi bầu khí quyển; điều này có nghĩa là một tổ chức, quốc gia hoặc ngành nào đó vẫn có thể phát thải CO₂ nhưng phải có các biện pháp bù đắp lượng phát thải đó thông qua hấp thụ hoặc loại bỏ. Mục tiêu Net Zero là một phần quan trọng trong các chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu, được đặt ra trong Hiệp định Paris 2015, với kỳ vọng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại Hội nghị COP26 của Liên Hợp Quốc diễn ra vào năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Du lịch Net Zero (Net Zero Tourism) là mô hình du lịch hướng đến phát thải ròng bằng 0, đảm bảo không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình vận hành. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch và lữ hành phải đóng vai trò trung tâm trong việc triển khai các chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Cốt lõi của du lịch Net Zero là áp dụng các giải pháp giảm thiểu và bù đắp lượng khí thải carbon trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch, từ vận chuyển, lưu trú, ẩm thực đến trải nghiệm tại điểm đến. Việc sử dụng công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và các mô hình kinh tế tuần hoàn giúp ngành du lịch tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, du lịch Net Zero không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để xây dựng ngành du lịch bền vững, có trách nhiệm và hài hòa với môi trường.
Phát triển du lịch Net Zero tại Việt Nam – Xu hướng tất yếu trong chiến lược tăng trưởng bền vững
Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy du lịch bền vững thông qua các chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động cụ thể: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh vai trò của du lịch trong việc tối đa hóa đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Tiếp đó, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022) đặt ra ưu tiên phát triển các mô hình du lịch thân thiện với môi trường, khuyến khích xây dựng sản phẩm du lịch xanh và bền vững.
Tại Diễn đàn Du lịch cấp cao “Chuyển đổi xanh, du lịch NET ZERO - Kiến tạo tương lai”, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và định hướng phát triển du lịch NET ZERO cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn là một quốc gia có trách nhiệm, cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế, đồng thời tôn trọng các khuyến nghị từ các tổ chức du lịch toàn cầu, đặc biệt là Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cách tiếp cận của UNWTO trong phát triển du lịch xanh không chỉ đề cao việc bảo vệ và tôn trọng môi trường mà còn gắn liền với mục tiêu đảm bảo cuộc sống bền vững cho cộng đồng địa phương. Ở một cấp độ cao hơn, du lịch Net Zero hướng đến việc giảm thiểu và loại bỏ khí thải carbon, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các hoạt động du lịch đối với môi trường.
Hướng tới mục tiêu Du lịch Net Zero, ngành du lịch Việt Nam đã triển khai một số giải pháp chiến lược như:
Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành Du lịch Net Zero: Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu số về du lịch Net Zero, bao gồm đo lường "dấu chân carbon" của du khách và các hoạt động du lịch, từ đó đưa ra lộ trình giảm thiểu và bù đắp khí thải hiệu quả. Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương, nhận định: “Du lịch là một trong những ngành cần chuyển đổi xanh nhất vì không chỉ phục vụ con người trực tiếp, mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của điểm đến và hình ảnh quốc gia. Du khách ngày nay, đặc biệt là thế hệ Gen Z, không chỉ tìm kiếm trải nghiệm cá nhân mà còn muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững ngay trong hành trình của họ”.
Thúc đẩy nhận thức và hành động của doanh nghiệp du lịch: Nhiều địa phương và doanh nghiệp lữ hành đã chủ động triển khai mô hình du lịch thân thiện với môi trường. Tại Huế, mô hình Net Zero Tour được áp dụng với phương tiện di chuyển xanh như xe điện, xe đạp, đồng thời tích hợp trải nghiệm du lịch sinh thái tại làng Thủy Biều và tổ hợp văn hóa KODO Hue Hub. Hành trình kết thúc bằng hoạt động chèo thuyền SUP trên sông Hương, kết hợp vớt rác, góp phần bảo vệ môi trường. Hay tại Quảng Nam, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, địa phương này đã trở thành mô hình điểm về phát triển du lịch bền vững với các khu nghỉ dưỡng sinh thái ở Hội An và Cù Lao Chàm đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Du khách trải nghiệm không gian du lịch NetZero tại làng Nhỏ, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (Nguồn: Internet)
Dù định hướng phát thải ròng bằng 0 mang lại nhiều lợi ích, nhưng ngành du lịch vẫn đối diện với không ít thách thức: Hệ thống đo lường khí thải trong du lịch vẫn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai các giải pháp giảm thiểu. Chi phí đầu tư cao, các doanh nghiệp du lịch cần nguồn lực tài chính đáng kể để chuyển đổi sang các mô hình xanh, đặc biệt là áp dụng công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang du lịch xanh đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và du khách để tạo ra những thay đổi thực sự bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, thu hút lượng khách quốc tế có ý thức về môi trường, đồng thời góp phần vào xu hướng phát triển du lịch bền vững toàn cầu.
Tiềm năng phát triển Du lịch Net Zero tại Phú Thọ
Là vùng đất chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi phía Bắc, Phú Thọ sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và tiềm năng để phát triển du lịch Net Zero như: Vườn quốc gia Xuân Sơn – một trong ba vườn quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy – có trữ lượng khoáng nóng dồi dào, thích hợp cho phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, đồi chè Long Cốc – với cảnh quan hùng vĩ, được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long vùng Trung du”, hệ thống danh thắng sinh thái như Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên…
Không chỉ có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, Phú Thọ còn là cái nôi văn hóa Hùng Vương với các di sản được UNESCO ghi danh như Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch văn hóa kết hợp du lịch bền vững.
Với những tiềm năng sẵn có, để phát triển du lịch Net Zero, Phú Thọ cần tập trung hướng đến các hoạt động du lịch như:
- Xây dựng các loại hình du lịch thân thiện môi trường, du lịch cộng đồng: Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, trekking, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; khuyến khích phát triển các tour du lịch Net Zero tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (tour đạp xe trải nghiệm vườn quốc gia Xuân Sơn, trekking rừng, tour du lịch không rác thải nhựa…).
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo tại các khu, điểm trên địa bàn tỉnh: Khuyến khích sử dụng xe điện, xe đạp, phương tiện chạy bằng năng lượng tái tạo làm phương tiện di chuyển chính tại các khu, điểm du lịch để giảm phát thải khí carbon. Xây dựng hệ thống đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ để thúc đẩy giao thông xanh.
Bãi tắm bản Cói, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ (ảnh: Tạ Nguyệt Thu)
- Ứng dụng năng lượng tái tạo tại các cơ sở lưu trú: Khuyến khích các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay sử dụng hệ thống pin mặt trời để cung cấp điện năng, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, hệ thống điều hòa không khí thông minh, đèn LED tự động để giảm thiểu lượng điện tiêu thụ; sử dụng kiến trúc xanh, vật liệu tái chế để giảm tác động tới môi trường
- Thúc đẩy hợp tác công - tư nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào mô hình du lịch xanh giúp tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch xanh thông qua các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về ưu đãi thuế, tài chính, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho các dự án áp dụng tiêu chuẩn du lịch xanh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào mô hình du lịch xanh; đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải tái chế tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Nâng cao nhận thức cộng đồng và và tạo động lực cho doanh nghiệp: Tổ chức diễn đàn, hội nghị kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công nghệ và tìm kiếm nguồn lực tài chính cho các dự án du lịch xanh. Vinh danh và cấp chứng nhận du lịch bền vững cho các doanh nghiệp tiên phong trong mô hình du lịch xanh, giúp nâng cao uy tín và thu hút khách hàng có ý thức về môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh trong hội nhập và mở rộng thị trường du lịch quốc tế.
Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, du lịch Net Zero không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam. Đối với Phú Thọ, việc khai thác thế mạnh tài nguyên du lịch theo hướng bền vững sẽ giúp tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo vùng đất Tổ./.