Thứ 5 | 03/11/2022
Phùng Thị Hoa Lê
                                                                                        Trưởng phòng Quản lý Du lịch
 
     Triển khai Kế hoạch 4971/KH- UBND tỉnh ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, trong đó thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch Phú Thọ gồm các nội dung: Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nguồn nhân lực tại các địa phương phát triển du lịch cộng đồng. Thu hút nguồn nhân lực du lịch trình độ cao về làm việc tại tỉnh, đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh mô hình liên kết đào tạo, đào tạo lại nghề du lịch giữa đơn vị kinh doanh du lịch với các trường đào tạo có chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh, coi trọng chất lượng đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên chuyên sâu, thu hút giảng viên có kinh nghiệm về đào tạo giảng dạy chuyên ngành du lịch, bổ sung lực lượng giảng viên trình độ cao cho các khoa du lịch tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân địa phương tích cực tham gia hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các di tích, bảo tàng, khu, điểm du lịch; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, về thông tin xúc tiến du lịch ở tỉnh và cấp huyện đảm bảo chuyên nghiệp, hiệu quả.
  
Nguồn nhân lực du lịch tham gia các hoạt động dịch vụ
 
     Thông qua kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và lao động trực tiếp ngành du lịch tỉnh Phú Thọ những năm gần đây để có cái nhìn tổng quan về sự phát triển hoạt động du lịch và nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh:
 
STT Chỉ tiêu Đơn vị tính Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Ước 2022 So sánh 2022/2021
1 Doanh thu du lịch Tỷ đồng 3.000 3.450 1.520 1.250 2.650 236,6%
2 Khách du lịch lưu trú Lượt người 550.000 610.000 394.700 305.000 740.000 242,6%
  Trong đó khách quốc tế Lượt người 6.500 7.800 4.900 4.000 7.500 187,5%
3 Lao động trực tiếp Người 3.790 3.850 2.000 1.800 3.400 188,9%
 
     Trước khi chịu tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lực lượng lao động ngành du lịch tỉnh Phú Thọ cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên chất lượng chưa cao, chưa thu hút được nhiều lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi về làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

     Giai đoạn 2020-2021: do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, các doanh nghiệp du lịch cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng đều bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động (phần lớn thuộc các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, vận chuyển khách du lịch, lưu trú du lịch, ăn uống…..), một số doanh nghiệp duy trì 30% công suất sử dụng, khoảng trên 50% số lao động nghỉ việc và chuyển việc làm tạm thời, số còn lại các đơn vị bố trí làm việc và nghỉ việc luân phiên, song vẫn đảm bảo mức thu nhập tối thiểu để giữ chân người lao động.

     Khi Việt Nam chính thức mở cửa lại các hoạt động du lịch (từ 15/3/2022), tỉnh Phú Thọ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, triển khai các chương trình kích cầu, mở cửa lại hoạt động du lịch, kết quả du lịch Phú Thọ đã có nhiều khởi sắc: ước thực hiện năm 2022, doanh thu du lịch đạt 2.650 tỷ đồng (tăng 136,6% so với cùng kỳ), thu hút 740 nghìn lượt khách du lịch lưu trú (tăng 142,6% so với cùng kỳ), trong đó 7.500 lượt khách quốc tế.

     Số lao động trực tiếp trong ngành du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2022 ước đạt 3.400 người, tăng so với cùng kỳ là 88,9%, song chỉ đạt trên 80% số lao động năm 2019 khi chưa bị ảnh hưởng bới đại dịch COVID-19 và chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng lao động có chuyên môn. Bên cạnh đó, tổng số khách du lịch nội địa và quốc tế tăng mạnh trở lại, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được đầu tư mở rộng, dẫn đến nhu cầu về nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn về thu hút lao động, cụ thể như: các doanh nghiệp lữ hành thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… thiếu đội ngũ nhân viên phục vụ, đặc biệt là nhân viên đã qua đào tạo, có chuyên môn, có kinh nghiệm công tác.

     So với nhu cầu sử dụng lao động du lịch, năm 2022 các ngành dịch vụ du lịch của tỉnh Phú Thọ ước thiếu khoảng 1.300 lao động trực tiếp, phân bố đều ở các loại hình dịch vụ du lịch và tập trung ở một số loại hình dịch vụ như: dịch vụ ăn uống với nhu cầu tăng cao, dịch vụ lưu trú và dịch vụ hướng dẫn du lịch; phân theo trình độ: nhu cầu về lao động qua đào tạo trung cấp và đào tạo nghề chiếm 54% và trình độ cao đẳng, đại học chiếm 23%, còn lại là lao động phổ thông cho các dịch vụ khác.

     Nguyên nhân: trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19, người lao động ngành du lịch phải ngừng việc, thời gian chờ việc kéo dài nên đã tìm các công việc tạm thời để đảm bảo cuộc sống, khi ổn định công việc thì không trở lại làm du lịch, từ đó thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao; dịch vụ du lịch là ngành dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, chưa hấp dẫn người lao động và gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút sinh viên học tập, lao động làm việc cho ngành dịch vụ du lịch.

     Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay có 03 (ba) trường Đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo dịch vụ du lịch, tuy nhiên số lượng học viên, sinh viên đầu ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu về lao động du lịch trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận; công tác tuyển sinh, thu hút sinh viên của các trường còn gặp nhiều khó khăn, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch tại chỗ.
  
Toàn cảnh lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch năm 2022
 
     Để đảm bảo ổn định về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Phú Thọ, khắc phục những khó khăn về thu hút lao động ngành du lịch sau đại dịch COVID – 19, từng bước phục hồi các hoạt động dịch vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-SVHTTDL ngày 25/8/2022 về việc tổ chức các Lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, lớp Truyền dạy và hướng dẫn luyện tập biểu diễn văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch năm 2022, trong đó tập trung tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch và tổ chức hoạt động giao lưu, trình diễn kỹ năng nghề cho sinh viên và người lao động du lịch trên toàn tỉnh. Hướng dẫn, vận động các đơn vị chủ động trong công tác đào tạo, đào tạo lại cho nhân viên các kỹ năng nghiệp vụ du lịch, phối hợp với các trường gắn học tập lý thuyết với thực hành thực tế tại doanh nghiệp cho học viên, sinh viên có nhiều cơ hội cọ sát nghề nghiệp…

Tặng quà cho đại diện các trường đào tạo du lịch tham gia trình diễn kỹ năng nghề trong các sự kiện du lịch (Ảnh: Khánh Hiền)
 
     Kết quả trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, đào tạo lại cho gần 1.500 lượt học viên, người lao động về kỹ năng nghề du lịch như: nghiệp vụ lễ tân, bàn, buồng, chế biến món ăn, hướng dẫn viên du lịch tại điểm, nghiệp vụ tổ chức hoạt động du lịch trong tình hình mới, kỹ năng du lịch cộng đồng, nghiệp vụ thông tin xúc tiến du lịch, truyền dạy và hướng dẫn luyện tập văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch...
 
Học viên tham gia lớp tập huấn Hướng dẫn viên du lịch tại điểm năm 2022
 
     Dự báo trong những năm tiếp theo, quy mô phát triển ngành du lịch Phú Thọ sẽ mở rộng hơn, thu hút khách du lịch lưu trú tăng lên trung bình từ 10-15%/năm (khoảng 1,3 triệu lượt khách du lịch lưu trú, trong đó ước đạt 15,5 nghìn lượt khách quốc tế) với việc đưa vào hoạt động một số dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng ngày càng được hoàn thiện, các sự kiện văn hóa - thể thao và du lịch cấp vùng, quốc gia và khu vực được tổ chức thường xuyên…từ đó thu hút khách du lịch về Phú Thọ và thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch tăng lên, dẫn đến ngành du lịch tỉnh sẽ cần số lượng lớn nguồn nhân lực (khoảng trên 6,5 nghìn lao động trực tiếp) để đáp ứng nhu cầu phát triển.

     Nhằm thu hút đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về ngành dịch vụ du lịch và nhu cầu về lao động ngành du lịch trên các phương tiện truyền thông; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ đối với lao động ngành du lịch; hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng nghề du lịch, tập huấn nghiệp vụ tại doanh nghiệp và các khu, điểm du lịch, đặc biệt ở các điểm du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho người lao động được nâng cao nâng cao kỹ năng nghề, phục vụ khách du lịch tạo ấn tượng tốt về điểm đến; tổ chức và tham gia các cuộc thi tay nghề du lịch cấp tỉnh, cấp vùng để khích lệ, tạo môi trường hấp dẫn thu hút, giữ chân người lao động gắn bó với ngành du lịch; các trường đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh nâng cao hơn nữa năng lực đào tạo và thu hút học viên, sinh viên, tăng cường mở các lớp đào tạo nghề du lịch chuyên sâu, thời gian ngắn hạn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực du lịch...từ những giải pháp trên góp phần từng bước khắc phục khó khăn về nhân lực du lịch sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và tiến tới phục hồi, phát triển nhanh, bền vững các ngành dịch vụ du lịch của tỉnh Phú Thọ.
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com