Thứ 2 | 06/01/2020

Ngày Tết Nguyên Đán Canh Tý - 2020 sắp đến, gợi nhắc mỗi người chúng ta lại nhớ đến một phong tục đã trở thành nét đẹp đặc trưng văn hóa cổ truyền của dân tộc, đó là phong tục gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy làm lễ vật dâng cúng Tổ tiên, ông bà và các bậc tiền nhân trong mỗi gia đình mỗi khi tết đến, xuân về.
* Truyền thuyết về bánh chưng, bánh giầy: Sau khi đánh bại giặc Ân, vua Hùng thứ 6 - Hùng Huy Vương có ý định truyền ngôi. Nhân dịp đầu Xuân, vua  cho gọi các hoàng tử lại, bảo rằng: "Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang cao lương mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi". Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 tên là Lang Liêu có tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ, suốt ngày chỉ biết đến việc canh nông nên tả hữu ít người giúp đỡ, khó xoay xở trước lệnh vua ban, nên đêm ngày lo lắng, mộng mị bất an. Lang Liêu nằm mộng được một vị thần mách: "Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ". Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: "Thần nhân giúp ta vậy!. Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho thật sạch, lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho đỗ xanh và thịt lợn vào bên trong làm nhân để tượng trưng cho trời đất, vạn vật rồi nấu chín, gọi là Bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho trời gọi là Bánh giầy. Đến kỳ, vua Hùng vui vẻ truyền các con bày vật phẩm tiến lễ. Xem qua khắp lượt, thấy đầy đủ các món ăn " sơn hào, hải vị", không thiếu thứ gì. Duy có Lang Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh giầy, vua Hùng lấy làm lạ hỏi lý do, Lang Liêu đem chuyện thần báo mộng dạy cách làm lễ vật, giải thích ý nghĩa của 2 thứ bánh. Vua Hùng nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi vua cho Lang Liêu, anh em 21 người đều được chia giữ các nơi phiên trấn, tụ tập bộ đảng mà thành phiên quốc. Về sau, đến ngày Tết, vua thường lấy hai loại bánh này dâng cúng cha mẹ và ban cho thiên hạ bắt chước làm theo, rồi thành phong tục gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy làm trong ngày tết Nguyên Đán dâng cúng Tổ tiên trong mỗi gia đình thể hiện truyền thống đạo lý " Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây" của người Việt Nam.
* Giá trị nhân văn của phong tục gói bánh bánh chưng, giã bánh giầy ngày tết Nguyên Đán: Thông qua nội dung của truyền thuyết, bóc đi những yếu tố hoang đường, hư cấu của câu chuyện, chúng ta có thể thấy được ý nghĩa nhân văn về phong tục gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy như sau:
Truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy đã chứng minh thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử dựng nước với hình thức nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc ta đã ra đời với sự truyền ngôi giữa các đời và xã hội đã có sự phân chia giai cấp kẻ giầu, người nghèo. Việc truyền ngôi đã được thực hiện với sự tuyển chọn người có nhân có đức làm trọng và Lang Liêu - Vua Hùng thứ 7 - Hùng Chiêu Vương là vị vua nhân đức, anh minh sống ở ngoài cung điện, quanh năm làm bạn với ruộng đồng. Luôn cần cù, chịu khó, say mê lao động, khác với các hoàng tử khác, Lang Liêu chỉ là một chàng hoàng tử nghèo, lúc nào cũng gắn bó với ruộng đồng, cày cấy và làm ra những sản phẩm của nghề nông như: Lúa, ngô, khoai, sắn... và cũng là người đã có công tổ chức nghề nông trồng lúa nước phát triển ở mức độ cực thịnh. Đồng thời phản ánh đức tính lao động cần cù của cư dân thời Hùng Vương dựng nước mà Lang Liêu là nhân vật được quần chúng nhân dân hư cấu hóa thành truyền thuyết mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Thông qua phong tục gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy chứng tỏ nghề chế biến nông sản của thời kỳ Hùng Vương dựng nước đã đạt đến trình độ cao và cách thức chế biến nông sản đã đạt đến sự hoàn hảo về sự hiểu biết triết lý "Âm dương, ngũ hành" và giá trị dinh dưỡng của hạt lúa nuôi sống con người. Triết lý nhân sinh quan về vũ trụ: “Âm dương Ngũ hành”. Bánh chưng - Tượng trưng cho đất; bánh giầy - Tượng trưng cho trời là mô hình về văn hóa ẩm thực bằng thực vật thuộc âm tính phù hợp với môi trường phương Nam nóng - dương tính (Âm dương hài hòa). Trong bánh chưng, bánh giầy có cơ cấu của nhiều vị thuộc: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Kim vị nhạt ( bánh giầy), Mộc vị chua, Thủy vị mặn, Hỏa vị đắng, Thổ vị ngọt (nhân bánh chưng). Thông qua truyền thuyết, chúng ta có thể tôn vinh Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương là Ông tổ của văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Thông qua truyền thuyết phản ánh phong tục, chúng ta thấy việc tuyển dụng và dùng người có đức, có tài như Lang Liêu - Vua Hùng thứ 7 - Hùng Chiêu Vương đã được nhà nước Văn Lang chú ý để bố trí vào vị trí đứng đầu bộ máy nhà nước lãnh đạo nhân dân xây đắp quốc gia trong buổi bình minh của lịch sử. Đây là bài học sâu sắc về cách dùng người của thời kỳ Hùng Vương dựng nước còn có giá trị thực tiễn đến ngày nay.
Với những giá trị nhân văn thông qua phong tục gói, nấu, bánh chưng, giã bánh giầy trong ngày Tết Nguyên Đán, góp phần khẳng định giá trị bền vững của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Mặt khác, như đã nói ở trên, nhân vật Lang Liêu -  Vua Hùng thứ 7 - Hùng Chiêu Vương có thể kết hợp với tín ngưỡng thờ ông tổ sáng tạo ra văn hóa ẩm thực Việt Nam để làm đa dạng, phong phú thêm nền ẩm thực nước nhà và bánh chưng, bánh giầy là hai lễ vật tiêu biểu của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần phát triển du lịch tâm linh trên quê hương Đất Tổ ngày càng đa dạng và phong phú ./.
Đặng Đình Thuận - Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com