Thứ 4 | 22/07/2020
Đặng Đình Thuận - PCT Hội VNDG Phú Thọ
 
Cách đây 73 năm, chiều ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức, các đại biểu đã nghe đại diện Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh (lúc đầu chưa có liệt sỹ) toàn quốc và một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Tại đây Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ tịch. Trong thư Người viết:
“... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu ...”.
“... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
“... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào".
“... Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ".
“... Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần...”.

Địa điểm xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên - Nơi phát tích ngày 27/7 (Ảnh tư liệu)

Để khởi nguồn cho hoạt động tri ân công lao và sự hy sinh của các thương binh liệt sỹ, Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch vào quỹ đến ơn đáp nghĩa. Từ đó, ngày Thương binh liệt sĩ được tổ chức thường kỳ hàng năm, lúc sinh thời, năm nào vào dịp này, Hồ Chủ Tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Trong suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các thương binh, liệt sỹ là những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Tháng 7/1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Đến ngày 27/7/1955, ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh liệt sĩ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” trên phạm vi cả nước.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi “Ngày Thương binh toàn quốc”, “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” ngày 27 tháng 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống đạo lý " Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, tự do, vì thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã đi vào lịch sử đất nước ta như một ngày lễ lớn của dân tộc, hội tụ đầy đủ ý nghĩa chính trị, đạo lý truyền thống của văn hóa Việt Nam thông qua các hình thức tổ chức các hoạt động kỷ niệm, thăm hỏi, tặng nhà chính sách, tặng quà, chăm sóc,phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng.v...v. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục ghi nhận, tôn vinh các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
73 năm đã trôi qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát động sâu rộng trong nhân dân thực hiện tốt việc “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, điển hình như các phong trào: Xây dựng nhà tình nghĩa, cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sửa chữa và làm nhà mới tặng cho các đối tượng gia đình chính sách thương bệnh binh; tặng hàng trăm sổ tiết kiệm; thường xuyên tổ chức thăm hỏi tăng quà cho thân nhân người thương, bệnh binh; ngoài ra còn tổ chức thăm và tặng quà của Chủ tịch nước cho một số gia đình chính sách nhân dịp tết Nguyên Đán hàng năm; nhận phụng dưỡng hàng chục Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn; đỡ đầu con liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sĩ, thương bệnh binh… Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, khích lệ kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội như lời Bác Hồ đã từng dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Thiết thực kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh chung tay, góp sức cùng các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và toàn thể nhân dân các dân tộc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi với người có công, tăng cường các hoạt động chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Giải quyết chính sách ưu đãi đối với người và gia đình có công với cách mạng; đẩy nhanh tiến độ rà soát, xét duyệt chế độ theo đúng các quy định hiện hành với phương châm khách quan, công tâm cho người hoạt động kháng chiến, người hưởng chính sách và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định của Nhà nước. Làm tốt công tác quản lý, chăm sóc các công trình ghi tên liệt sĩ; phát động mạnh mẽ các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ thân nhân liệt sĩ khó khăn, tổ chức phát động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; duy trì phong trào xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Trong nhiều năm qua theo số liệu của Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sỹ tỉnh Phú Thọ, hoạt động " Đền ơn đáp nghĩa" đã đem lại niềm vui cho hàng ngàn gia đình liệt sỹ: Trên 3 nghìn gia đình đã có thông tin phần mộ chính xác; trên 2 nghìn gia đình có thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng; gần 600 gia đình được thăm hỏi tặng quà; hơn 100 hài cốt liệt sỹ được giám định ADN; hỗ trợ và làm nhiều nhà tình nghĩa; tư vấn hỗ trợ di chuyển hài cốt về quê hàng chục trường hợp; tặng gần 30 sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên sau buổi gặp tại Phủ Chủ tịch ngày 29/1/1957. (Ảnh tư liệu)

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 7/7/2020) là dịp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung luôn dành những tình cảm thiêng liêng nhất để tưởng nhớ, biết ơn những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để cho mỗi chúng ta có được cuộc sống hòa bình và hạnh phúc ngày hôm nay. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian, câu ca dao đáng ghi nhớ mà đồng chí Lê Tất Đắc (đại diện Cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam - Nay là Quân đội nhân dân Việt Nam) đã từng đọc trong hội nghị thống nhất chọn 27/7 là ngày Thương binh Liệt sỹ đến giờ vẫn còn vang mãi:
 
“ Dù ai đi Đông về Tây
27 tháng 7 nhớ ngày thương binh.
Dù ai lên thác xuống ghềnh
27 tháng 7 thương binh nhớ ngày ”.
 
Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com