Thứ 3 | 28/05/2024

Hướng tới kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2024 với chủ đề "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

                                 Nguyễn Thị Hương - Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình

     Từ bao đời nay, nhiều nét tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam được đúc kết từ trong nếp sống gia đình truyền thống. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn luôn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, gia đình Việt Nam đang trong quá trình biến đổi mạnh mẽ từ truyền thống sang hiện đại. Nhiều giá trị văn hóa quý báu của gia đình truyền thống, cũng như những giá trị văn hóa tiên tiến của gia đình hiện đại đang cùng tồn tại trong đời sống gia đình.
     Quá trình đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, tuy nhiên, việc bảo tồn giá trị truyền thống của gia đình và giáo dục gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường, sự tác động của các yếu tố ngoài gia đình như sự du nhập văn hóa, các hành vi tệ nạn xã hội, internet đến việc giáo dục đạo đức cho con cái ngày càng tăng lên. Sự bảo lưu đậm nét các quan niệm truyền thống của dân cư về hôn nhân và gia đình. Quan hệ tâm lý- tình cảm giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, chức năng tái sinh sản của gia đình... cũng thay đổi rõ rệt. Số vụ ly hôn ở các gia đình trẻ ngày càng tăng;  việc tảo hôn còn tồn tại, việc sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra nhiều thách thức mới. Tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, rượu chè bê tha đang thâm nhập vào các gia đình có xu hướng gia tăng, nạn bạo hành trong gia đình, tình trạng trẻ em bị lạm dụng, bị xâm hại, nhiều trẻ em vi phạm pháp luật… Khi gia đình chịu những tác động xấu của xã hội, sẽ dễ mất đi những nét đẹp truyền thống. 
     Trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động, thay đổi, xen lẫn với những chuẩn mực, hành vi của xã hội mới. Mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con cái dường như bị suy giảm. Nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của một số trẻ em đang có nguy cơ bị lung lay, bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và thiếu vắng sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình. “Ðiều đáng lo ngại hiện nay là vì những lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không thật sự trở thành Tổ ấm” cho mỗi con người. Nếu cấu trúc gia đình lỏng lẻo, liên kết giữa các thành viên gia đình yếu, các thành viên gia đình không được đối xử bình đẳng, cha mẹ thiếu gương mẫu và không có thời gian hoặc không quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột, bạo lực gia đình gia tăng... thì gia đình khó có thể làm tốt chức năng giáo dục, các thành viên trong gia đình khó hòa thuận, hạnh phúc, và đặc biệt, con cái khó có thể sống trong tình yêu thương, ấm no và hình thành nhân cách tốt”. 
     Bên cạnh đó, làn sóng của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng làm cho nhận thức về gia đình có nhiều thay đổi. Lối sống hiện đại của nhiều nước trên thế giới có sức hấp dẫn đối với không ít gia đình trẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì tính thực dụng của các nền văn hóa tiên tiến cũng khá xa lạ với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Một trong số đó chính là việc gia đình không còn là giá trị duy nhất. Việc độc lập giữa cha mẹ và con cái, việc cha mẹ không can thiệp vào cuộc sống riêng của con, để mặc con tự bươn chải hay việc người già bị phó mặc cho các tổ chức xã hội chăm sóc…, đã khiến cho sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Sự ảnh hưởng đó đã phá vỡ đi những nguyên tắc của gia đình truyền thống Việt Nam. Xu hướng nới lỏng, giản tiện các nghi lễ, phép tắc trong các gia đình Việt ngày càng tăng… Do đó, việc học hỏi, tiếp thu là cần thiết nhưng cũng cần lắm sự chọn lọc. Ðể khắc phục những mâu thuẫn nảy sinh xung quanh vấn đề gia đình và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam hiện đại, cần có những định hướng trong nghiên cứu và xây dựng chiến lược cho công tác quản lý gia đình, nhằm phát huy hơn nữa các giá trị tích cực trong văn hóa dân tộc, nhất là trong việc định hướng giá trị, hình thành và nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho thế hệ tương lai.

Nguồn: Sưu tầm 

     Việc xây dựng gia đình văn hóa trong những năm qua đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng, gia đình Việt Nam đang trong quá trình biến đổi để thích ứng với những điều kiện mới. Ngay trong cấu trúc của gia đình đã có những đổi thay, ngày càng ít đi những gia đình nhiều thế hệ kiểu Tam đại, tứ đại đồng đường”, quy mô gia đình thu hẹp với mô hình hai thế hệ và ít con. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ trên cơ sở số liệu báo cáo của các huyện thành thị, tính đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh có: Tổng số hộ gia đình: 419.197 hộ; Số hộ gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con: 64.553 hộ; Số hộ gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng): 51.185 hộ; Số hộ gia đình 2 thế hệ: 180.772 hộ; Số hộ gia đình 3 thế hệ trở lên: 108.871 hộ; Số hộ gia đình khác như các hộ gia đình đơn thân, gia đình không đầy đủ vợ, chồng, con…: 13.816 hộ.
Lối sống công nghiệp với các điều kiện về thu nhập, chi tiêu, nhà cửa, ý thức về tự do cá nhân khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không thật gắn kết như trước. Trong khi còn đang lúng túng định hình những giá trị mới cho gia đình thì mặt trái của cơ chế thị trường cùng những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài tràn vào đã gây tác động không tốt. Đạo đức gia đình đang có những biểu hiện suy giảm, xuống cấp. Cách sống, lối sống xa lạ, lệch chuẩn đã xuất hiện ở không ít gia đình. Lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền, đề cao lợi ích cá nhân đã tác động mạnh tới các giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam như lòng nhân ái, vị tha, sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau… Đặc biệt, bạo lực gia đình và nạn xâm hại tình dục trẻ em gái đang gây nhức nhối cho toàn xã hội.
     Cấu trúc của gia đình trong cuộc sống hiện đại thay đổi khi gia đình nhiều thế hệ ngày càng có xu hướng giảm dần mà phát triển gia đình hai thế hệ ít con hơn và quy mô nhỏ hơn. Tất nhiên sẽ sinh ra những khoảng trống, nhất là đối với thành viên là trẻ em và người già. Công tác xây dựng gia đình văn hóa cần quan tâm đặc biệt tới những khoảng trống đó. Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều áp lực, con người phải bươn trải với thời gian và cường độ công việc nhiều hơn để kiếm tiền, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Chức năng xã hội hóa của gia đình có nhiều thay đổi. Cha mẹ có ít thời gian hơn quan tâm đến giáo dục con cái trong khi con cái dành nhiều thời gian với bạn bè và mạng xã hội. Công tác giáo dục gia đình ngày càng trở nên cấp thiết, người cao tuổi trong gia đình hiện nay vẫn giữ được sự kính trọng, nhưng không còn uy tín và sự ảnh hưởng lớn như trước. Việc vai trò của người cao tuổi bị giảm dần dễ dẫn đến ý thức coi thường ông bà, cha mẹ. Không ít trường hợp cha mẹ trở thành người giúp việc cho con cái. Quy mô gia đình nhỏ, đặc thù công việc khác nhau, mối quan hệ lỏng lẻo, ít có điều kiện chăm sóc cho người cao tuổi, chính vì vậy người cao tuổi thường ở trong tâm trạng cô đơn, nhất là lúc ốm đau, bệnh tật. Khi xây dựng gia đình văn hóa, vấn đề chăm sóc người cao tuổi phải là một trong những nội dung quan trọng vì chính nó đã đề cao chữ hiếu, một giá trị cốt lõi của gia đình truyền thống. Cần thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng người cao tuổi, tìm mọi cách làm vơi bớt sự cô đơn ở người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
     Bên cạnh việc phát huy những tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống cần phải loại bỏ những yếu tố lỗi thời không còn phù hợp xã hội văn minh, điển hình là thói gia trưởng và thái độ trọng nam khinh nữ. Cho đến nay, đầu óc gia trưởng không phải không còn tồn tại trong các gia đình với những quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng”, giữ chữ hiếu là phải có con trai nối dõi tông đường, con cái không được xa rời bố mẹ, phải ở quây quần trong một nhà, phải nghe theo lời bố mẹ trong mọi việc, kể cả việc dựng vợ, gả chồng… Thái độ trọng nam, khinh nữ là căn nguyên, là gốc rễ đưa tới bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay. Mặc dù ngày nay, người phụ nữ đã được giải phóng rất nhiều khỏi các ràng buộc, quy định của tam tòng, tứ đức, tam cương ngũ thường, nhưng sự bất bình đẳng trong gia đình vẫn tồn tại. Những phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn phải cam chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong gia đình.  
Phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp bên cạnh việc tiếp thu các yếu tố mới, loại bỏ những quan điểm lỗi thời, không còn phù hợp xã hội hiện đại, văn minh, đó là định hướng trong xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta. Để làm được điều đó, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó  có một số giải pháp cơ bản sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác gia đình, thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác gia đình. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện công tác gia đình.
- Cần phải coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước cần ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho công tác gia đình hiện nay.
- Các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình thông qua các hình thức hoạt động phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, các loại hình câu lạc bộ, tổ hòa giải và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác gia đình các cấp, xây dựng các đề án cụ thể để thực hiện công tác xã hội hóa gia đình.
- Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế. Lồng ghép các chương trình và đẩy mạnh hợp tác để phát triển kinh tế gia đình. Phối hợp thực hiện có hiệu quả mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình hạnh phúc…Từng bước tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được các kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Nâng cao chất lượng và mở rộng các cơ sở phúc lợi xã hội, giúp đỡ chăm sóc, nuôi dưỡng người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật, trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để gia đình thực sự là “Tổ ấm của mỗi con người, là tế bào lành mạnh của xã hội, vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của mọi công dân trong xã hội, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với xã hội; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Cán bộ đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình đồng thời là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com