Thứ 4 | 19/04/2023
                                                                                  Phạm Bá Khiêm *
     1. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú thọ đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào vô hạn của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
     
Theo dánh giá của UNESCO: Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã nêu rõ giá trị của di sản là sự thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng được 5 tiêu chí theo yêu cầu của công ước quốc tế 2003 về di sản văn hóa phi vật thể; trong đó tiêu chí quan trọng nhất là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Mặt khác hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú thọ, Việt Nam còn được đánh giá cao về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống xã hội” thể hiện qua việc thực hành nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhất là nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị văn hóa tâm linh của cả một dân tộc, có chung “đồng bào” từ bọc trứng mẹ Âu Cơ.
     2. Kết quả kiểm kê bước đầu năm 2005 của Cục Văn hóa Cơ sở và Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ, cả nước có 1417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật lịch sử liên quan đến thời đại Hùng Vương dựng nước; trong đó tỉnh Phú Thọ có 326 (nay là 345) di tích.
     Qua đó có thể nhận diện được Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát triển theo dọc chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới các triều đại phong kiến, thờ cúng Hùng Vương - Giỗ Tổ Hùng Vương - Hội Đền Hùng đã được tất cả các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. Lễ hội Đền Hùng và lễ hội ở nhiều nơi trong cả nước, tại các di tích lịch sử có liên quan đến thờ cúng Hùng Vương đã được chính quyền Nhà nước Trung ương công nhận cấp “Quốc tế” (cấp quốc gia) như: lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ... Vì vậy Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã được nhà nước hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đứng ra tổ chức.
     Đặc trưng quan trọng nhất của Di sản văn hoá Đền Hùng là tính cộng đồng sâu sắc, cộng đồng chủ thể, cộng đồng sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thờ cúng Tổ tiên được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ngừng được tái tạo để thích ứng và tác động tới lịch sử, đem lại ý thức về bản sắc và tính kế thừa sự đa dạng văn hoá dân tộc.
     Cùng với thời gian và sự phát triển của đất nước, Đền Hùng ngày càng được quan tâm, trong đó có công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo để Đền Hùng xứng tầm là Trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất ở Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, được Chính quyền nhà nước đồng thuận cùng tấm lòng hảo tâm công đức của các địa phương, của đông đảo đồng bào trong cả nước, công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng các công trình trong di tích ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả.
     Có đọc những văn bia hiện còn tại khu di tích lịch sử đền Hùng: “Bia ghi kỷ niệm ở miếu thờ Hùng Vương” (Bia số 2 tại đền Thượng); Bài kí ghi trên bia cổ tích của tổ quốc (Bia số 3 tại đền Thượng); bia ghi tên hội đồng trùng tu (Bia số 4 tại đền Thượng); bia ghi về điển lệ miếu thờ Hùng Vương (Bia số 5 tại đền Thượng); Bia số 7, số 8 (Bia đặt tại đền Giếng); Bia ghi việc làm đường lên núi miếu Hùng (Bia số 13 đặt tại cổng đền); Bài kí khắc trên bia ghi việc trùng tu chùa Thiên quang (Bia số 11đặt tại chùa Thiên quang thiền tự) … mới thấy rõ được không chỉ trong những năm gần đây mà trong suốt thời phong khiến, đặc biệt là thời phong kiến tự chủ, đền Hùng đã được rất nhiều những con Lạc cháu Hồng hưng công, công đức tu bổ, tôn tạo. Bia “Nhất bản xã tín thí” (Bia công đức của xã) được tạc dựng vào thời Lê khoảng cuối thế kỷ XVI đã ghi tên những người địa phương cung tiến ruộng thu hoa màu để xây dựng tu bổ đền Hùng.
     Tại các bia đã ghi khắc tên tuổi các nhân vật nằm trong “Hội đồng tu sửa lớn”. Khu Đền Thượng năm Duy Tân thứ 8 (1914) đã nêu tên Chủ tịch Hội đồng Chế Quang Ân gốc ở Mỹ Xuyên - Thừa Thiên; hai ông ủy viên Nguyễn Văn Tuấn quê ở Hà Tĩnh, ông Vũ Đình Khôi quê ở Thanh Hóa, một số các ông đốc công người ở Hà Đông, người ở Hải Dương; có 2 ông “tùy viên Lâm Thao phủ” là người địa phương trong đó có ông Tiên chỉ Triệu Văn Tý là người Hy Cương. Nhiều vị chức sắc đã được kể đến trong đó có Quận công Hoàng Cao Khải đã xin chính phủ cấp 2.000 đồng vào năm Duy Tân tam niên (1909), Duy Tân Lục Niên (1912) để tu bổ Đền Thượng và Lăng Hùng vương. Bia ghi việc tu tạo lớn, cùng với sự trợ giúp của triều đình và tâm huyết xây dựng tu bổ Đền Hùng là đông đảo quần chúng nhân dân. Bà Nghĩa Lợi ở Thị Cầu, Bắc Ninh công đức 1000 đồng để làm đường từ cổng đến đền Thượng…
     Các ngôi đền: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng khởi thủy do cư dân các làng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh xây dựng. Trước Cách mạng tháng 8 có lệ: đền Thượng và đền Giếng do thôn Cổ Tích; đền Trung do thôn Trẹo (bây giờ gọi là Triệu Phú); đền Hạ do thôn Vy Cương xây dựng, tu bổ, tôn tạo và cử ông trông giữ. Các ngôi đền thờ Hùng Vương ban đầu là những ngôi miếu nhỏ / Hùng Vương Tổ miếu, được nhân dân địa phương tu bổ, tôn tạo.
     3. Theo dòng lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dù được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay trên 2000 năm có lẻ. Bắt đầu từ việc An Dương Vương - Thục Phán dựng hai cột đá trên núi Nghĩa Lĩnh (năm 258 Tr. CN ) để thể “ Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám, nước Nam trường tồn lưu ở miếu tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn mà Hùng Vương trao lại, nếu nhạt hẹn sai thể sẽ bị búa giăng, gió dập ”. (Theo Ngọc phả cổ truyền về 18 đời Thánh Vương triều Hùng - Bản dịch của Viện Hán nôm, năm 2003 ).
Tới thời Hồng Đức Hậu Lê, khi vua Lê Thánh Tông khẳng định: Nho giáo là hệ tư tưởng rường cột của quốc gia Đại Việt thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chính thức hoá bằng pháp luật.
Năm 1470 Vua sai Hàn lâm viện - Trực Học sỹ Nguyễn Cố soạn: “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Từ đây Vua Hùng đã trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất. Cũng chính nhờ tông phả đó mà triều đình Hậu Lê mới có đủ điều kiện làm lễ “tế giao” như các Vua phương Bắc.
     Năm 1479, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào chính sử Việt Nam. Đó là bước phát triển vượt bậc trong ý thức hệ và tư duy của Nho giáo Việt Nam. Từ đây về sau Vua Hùng được tôn là Thánh Tổ và được chính quyền Trung ương công nhận; nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước đã xây dựng đền thờ Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Đền Hùng - Phú Thọ được lưu giữ Ngọc phả Hùng Vương và trở thành di tích quốc gia đặc biệt; dân xã Hy Cương được ban phong là dân “tạo lệ” thừa hưởng hương hoả ngàn thu.
     Sách “Nam Việt thần kỳ hội lục” viết năm Cảnh Hưng 24 (1763) triều Lê (được sao chép theo bản chính của Bộ Lễ) có đoạn viết: “Thánh Tổ Hùng Vương … đền thờ chính tại xã Hy Cương, huyện Sơn Vi, xứ Sơn Tây (đã được ban sắc phong) …”
     Chúa Trịnh Khải, nhân danh “Nguyên soái Tổng quốc chính Đoan Nam vương” đã có Lệnh chỉ viết ngày 23 tháng 2 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (1785): “Do xã (Hy Cương) này, nguyên là dân Tạo lệ đồng trà, có miếu đền phụng thờ Đột Ngột Cao Sơn 18 đời Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ, đã sửa chữa đền Thượng, đền Trung, đền Hạ cho đến điện tự, tiền hậu chính đường, xuyên các nghi môn trên núi Hùng… được làm Tạo lệ như vốn có”.
     Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ ban Sắc chỉ ngày 16 tháng 2 niên hiệu Quang Trung năm thứ 2 (1789) cho dân sở tại được miễn tô thuế lao dịch sử dụng tiền đó vào việc “Tu sửa điện miếu phải chăm lo cẩn thận, cốt tiện phụng sự, khiến mạch nước dài lâu, sông núi trường tồn”.
     Thế kỷ XIX, nhà Nguyễn rất quan tâm tới việc tôn tạo, gìn giữ xây dựng Đền Hùng. Hiện nay trong văn bia tại đền trên núi Hùng còn ghi chép liên tục những đợt trùng tu, mở mang Đền Hùng từ các thời vua: Minh Mạng, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định,…
     Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức định ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
     Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, Đảng, nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
     Năm 1946, cụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra Sắc lệnh đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương. Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước đã về dự Giỗ Tổ, dâng một thanh gươm và tấm bản đồ Tổ quốc để khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
     Năm 1962 Đền Hùng được xếp hạng là Di tích quốc gia (đợt 1).
    Năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
    Năm 1999, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW (ngày 28/7/1999) về việc tổ chức các ngày lễ lớn - trong đó có ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
   Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP (ngày 6/11/2001) về nghi lễ nhà nước - trong đó có quy định chi tiết nghi lễ tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương.
   Năm 2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số  33-NQ/TW (ngày 09/02/2004) về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004 - 2005; trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
    Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ Luật lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
    Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1272/QĐTTg  xếp hạng Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt.
    Năm 2012, UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
   Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể (đợt 1). Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
   Từ năm 1996 đến nay các công trình kiến trúc Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng được đại trùng tu. Các công trình kiến trúc thờ tự quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn được xây dựng như: đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn năm 2005, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim năm 2007.  
     Việc xây dựng tôn tạo các công trình kiến trúc thờ tự trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện với nhiều nguồn nhân tài, vật lực từ nhiều tầng lớp trong xã hội và từ nhiều vùng miền đất nước cùng góp công xây dựng. Tiêu biểu là các hạng mục công trình tu bổ tôn tạo Chùa Thiên Quang và khu vực Đền Hạ do thành phố Hà Nội và Tập đoàn Him Lam công đức; công trình Cổng vào Khu trung tâm lễ hội Đền Hùng do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cung tiến; cải tạo hệ thống đường, bậc lên xuống các đền trên núi Nghĩa Lĩnh bằng việc thay thế toàn bộ đá lát, đá bó vỉa bằng đá granit Bình Định màu ghi do các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu công đức…
     Như vậy, có thể thấy Đền Hùng là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sớm nhất, quy mô nhất và tồn tại bền vững trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Qua hàng ngàn năm lịch sử được Nhà nước đồng thuận, nhân dân đồng tình đã bảo vệ, tôn tạo và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa Hùng Vương trong sự nghiệp xây dựng và bảo về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hùng mạnh.
      Biểu tượng Vua Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là hình tượng của một ý thức dân tộc sâu sắc như sự minh triết văn hóa được ông cha ta để lại, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi chỉ điều gắn kết người Việt ở khắp mọi miền đất nước, kể cả người Việt đang sống xa Tổ quốc lại với nhau; góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.
 
                                                                            Tháng 4/2023
                                                                                  P.B.K
Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com