baophutho.vnLà nơi thờ tự các Vua Hùng - Tổ tiên của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Đền Hùng được đánh giá là điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển dịch vụ, du lịch mang nét đặc trưng riêng, thấm đẫm bản sắc văn hoá dân tộc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước thời đại Hùng Vương.
Với những giá trị độc đáo riêng và nổi bật toàn cầu, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Đền Hùng là Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, là tiền đề để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa, lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với phát triển dịch vụ, du lịch.
Học sinh trải nghiệm cách làm bánh chưng tại tour du lịch học đường “Hướng về Đền Hùng”.
Với lượng khách tham quan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ 6-8 triệu lượt mỗi năm, lượng khách du lịch đến tham quan, tham dự lễ hội tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chiếm khoảng 85-90% tổng lượt khách đến tỉnh... là cơ hội để Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khai thác hiệu quả các hoạt động dịch vụ, du lịch.
Để thu hút khách du lịch về với cội nguồn dân tộc, những năm gần đây, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được quan tâm đầu tư, xây dựng, tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục công trình với quy mô và kiến trúc tương xứng với vị thế, tầm vóc của Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Các hoạt động dịch vụ, du lịch được đầu tư với hệ thống quầy, cửa hàng kinh doanh dịch vụ bán hàng được bố trí hợp lý theo các khu vực cùng hệ thống các hồ cảnh quan, sân bãi rộng rãi để tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí, hệ thống các phòng nghỉ, nhà hàng đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu cơ bản của du khách nên lượng du khách đến thăm quan, lưu trú, mua sắm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ngày một tăng.
Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Phạm Thị Hoàng Oanh cho biết: Để khai thác hiệu quả các hoạt động dịch vụ, du lịch, Khu Di tích đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên, chọn lọc những nhóm giải pháp trọng tâm, phù hợp với bối cảnh tình hình mới sau đại dịch COVID-19 để thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ.
Thời gian tới, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tiếp tục kêu gọi đầu tư nguồn lực, xã hội hóa, liên doanh, liên kết với các đơn vị doanh nghiệp cùng tham gia khai thác hoạt động dịch vụ du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch, sản phẩm hàng hóa đa dạng, mang sức hấp dẫn riêng của đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ.
Tổ chức các hoạt động biểu diễn tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng như hát Xoan, hát chầu văn, đêm hội âm nhạc mang sắc màu Đất Tổ; tổ chức các chuyến du lịch đêm tại Đền Hùng, hội chợ ẩm thực Đất Tổ, biểu diễn nhạc nước, trình diễn sắc màu truyền thống của các dân tộc miền núi tại hồ Mai An Tiêm, hồ Mẫu, hồ Lạc Long Quân, hồ Phú Bùng; xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng...
Việc tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trú trọng thực hiện. Ngoài nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có cả về công tác quản lý, phục vụ, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu đón các đoàn khách quốc tế; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn về quản lý và tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch cho cán bộ quản lý; kỹ năng tuyên truyền, thuyết trình, giới thiệu, quảng bá; kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa cho viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư tham gia hoạt động dịch vụ tại Khu Di tích; tăng cường công tác quản lý, xây dựng môi trường kinh doanh dịch vụ thân thiện, an toàn.
Với những giải pháp cụ thể, việc khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ mang lại lợi ích cho Khu Di tích và cộng đồng người dân địa phương mà còn góp phần tạo cơ hội để du lịch Phú Thọ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Chi Hương
Dẫn nguồn: Khai thác hiệu quả các hoạt động dịch vụ, du lịch (baophutho.vn)