Thứ 3 | 29/10/2024

baophutho.vnBao đời nay, người dân Phú Thọ đã có truyền thống hiếu học, ý thức vươn lên bằng con đường học vấn, nỗ lực rèn luyện tài năng với khát vọng cống hiến, làm rạng danh quê hương, đất nước.

Tâm huyết, trách nhiệm với truyền thống quý báu trao truyền từ tổ tiên, đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu, sáng tạo, đổi mới trong nếp nghĩ cách làm để đưa phong trào khuyến học khuyến tài Đất Tổ phát triển, dẫn đầu cả nước, trở thành “thương hiệu” của Phú Thọ, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thiết thực góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Kỳ I: “Những trái tim nóng bỏng”

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2018-2023. Ảnh: Thùy Phương

Đó là lời đánh giá của GS.TS Nguyễn Thị Doan - Nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về đội ngũ những người làm công tác khuyến học của tỉnh Phú Thọ. Tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, tình cảm sâu nặng với sự học cùng năng lực, trình độ được đào tạo, kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm công tác của các cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, đơn vị từ đương chức đến nghỉ hưu đã thiết thực tạo nên nguồn lực vô tận giúp “truyền lửa” để phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Phú Thọ tỏa sáng.

Còn sức còn cống hiến

Tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc Việt, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc học. Người căn dặn: Mỗi công dân Việt Nam cần: “Biết ham học... Biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ...”. Đảng và cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tổ chức cho đảng viên, thành viên của mình tự học suốt đời. Người chỉ thị lập ủy ban học tập ở mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể, quy định thời gian học tập, tài liệu, cách thức học tập và kiểm tra việc học tập của mỗi người. Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

5 năm sau, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X, trong đó nhấn mạnh: “Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu”; “Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Thọ đã tập trung nguồn lực, đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng. Trong đó, vai trò tiền phong, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ngày càng được khẳng định, thể hiện bằng những việc làm thiết thực, cụ thể...

Nghỉ hưu theo chế độ vừa tròn một năm, ông Cao Đức Hấn (sinh năm 1962, ở huyện Đoan Hùng) lại đều đặn đi làm. Từ “công dân số một” của huyện với chức danh Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, giờ ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học của huyện. Môi trường làm việc, tiện nghi đều khác biệt so với trước, nhưng ông Hấn không mấy bận tâm. Với ông, đã là cán bộ, đảng viên thì nghỉ hưu chứ không nghỉ việc, còn sức là còn cống hiến. Càng làm ông lại càng thêm say mê, gắn bó với công tác khuyến học.

Theo lời ông: “Khi còn làm Bí thư Huyện ủy, tôi cũng là Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học huyện, được tiếp xúc nhiều với cán bộ khuyến học các cấp và rất nể phục tinh thần trách nhiệm, cái tâm, cái tầm của họ. Nhiều lần được dự các hội nghị khuyến học, trao học bổng, phần thưởng cho các học sinh đạt thành tích xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó, tôi càng nhận thấy trách nhiệm của mình với truyền thống hiếu học của quê hương. Thế nên khi nghỉ hưu, được các đồng chí Thường trực Huyện ủy động viên, giao nhiệm vụ, tôi đã đồng ý và quyết tâm bắt tay vào thực hiện công việc, nhiệm vụ mới. Vạn sự khởi đầu nan, dù tiếp xúc với công tác khuyến học đã nhiều năm, nhưng khi trực tiếp thực hiện thì mọi cái đều mới mẻ, tôi đã dành thời gian, công sức để tìm hiểu, học hỏi rất nhiều những chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác khuyến học, tham khảo những cách làm hay, sáng tạo để vận dụng vào thực tiễn địa phương. Cứ vừa làm vừa học, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục, các nhà hảo tâm và Nhân dân trên địa bàn, tôi làm khuyến học bằng cái tâm, tình cảm, trách nhiệm của mình với Đảng, với Nhân dân, với sự nghiệp học tập của quê hương. Tôi thật sự rất vui, thấy mình như khỏe ra, cuộc sống ý nghĩa hơn khi nhận thấy cộng đồng đã thực sự quan tâm hơn đến việc học thể hiện qua mỗi hành động cụ thể. Niềm vui càng nhân lên mỗi khi vận động giúp đỡ được một hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đi học, có nhiều cố gắng vươn lên học giỏi, thành đạt, quay về cống hiến cho quê hương, giúp đỡ cho xã hội...”.

Cũng như ông Hấn, cán bộ làm công tác khuyến học ở tổ chức Hội cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn Phú Thọ đều là những lãnh đạo địa phương đã được nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn tận tâm, tận lực tiếp tục cống hiến cho xã hội. Điển hình như: Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thanh Sơn là ông Đinh Phúc Hạnh - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tam Nông là ông Phan Văn Ngọc - Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện; Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lâm Thao là ông Cao Xuân Hải- Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện...

Cùng với đó, Hội Khuyến học tỉnh còn quy tụ được đông đảo đội ngũ các nhà giáo, những người làm công tác giáo dục trên địa bàn với nhiều Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, giáo sư, tiến sĩ... có trình độ học vấn uyên thâm, tư duy nhạy bén, sắc sảo trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của địa phương, địa vị cao trong xã hội, có uy tín, giao tiếp rộng nên khi đảm đương công tác khuyến học, các cán bộ này đều đã phát huy rất hiệu quả các thế mạnh trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động, tạo dựng niềm tin, sự ủng hộ của cộng đồng, lan tỏa mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Nghỉ hưu theo chế độ, vợ chồng ông bà Vũ Văn Hiển và Tạ Thị Ngữ vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu, tận tâm tham gia công tác khuyến học.

Cái tâm người làm khuyến học

Nếu lấy tiêu chí danh lợi làm trọng thì có lẽ ít người chọn làm công tác khuyến học. Từng là lãnh đạo chủ chốt, thậm chí là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị, chỉ quen nghe báo cáo, quen với việc chỉ đạo giờ lại đến báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo những người từng là cấp dưới, nhân viên của mình. Mức hỗ trợ cán bộ làm công tác khuyến học chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện rất khiêm tốn. Cán bộ khuyến học cấp xã kiêm nhiệm, hoàn toàn không có thù lao. Thế nên nếu không phải người thực sự tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, truyền thống hiếu học của quê hương thì không thể đảm đương, gắn bó với công tác hội.

Vợ là Nhà giáo Ưu tú, từng làm Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo, chồng nguyên là Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo, ông bà Vũ Văn Hiển và Tạ Thị Ngữ ở xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì là điển hình tiêu biểu của những cán bộ, đảng viên mẫn cán, tận tụy, nhiệt huyết với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Là một trong những cán bộ Hội Khuyến học tỉnh ngay từ ngày đầu thành lập (năm 2000), kiêm nhiệm trong 8 năm, đến khi được nghỉ hưu theo chế độ, bà Ngữ tiếp tục là thành viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh 10 năm liên tiếp. Chính thức về nghỉ từ năm 2018, nhưng bà vẫn nặng duyên với công tác khuyến học khi thường xuyên liên hệ, tham mưu, tư vấn cho các hoạt động của Hội, thậm chí, bà còn nhiều lần tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khuyến học ở quê nhà.

Chồng bà, ông Vũ Văn Hiển cũng chung bầu nhiệt huyết với công tác khuyến học, khi về nghỉ hưu là nhận ngay cương vị Trưởng ban khuyến học dòng họ Vũ xã Thụy Vân - dòng họ khuyến học tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ với 9 Tiến sĩ, 10 Thạc sĩ và cao học; 1 Nhà giáo Nhân dân, 2 Nhà giáo Ưu tú, 2 Thầy thuốc Ưu tú, hàng trăm người có trình độ cao đẳng và đại học... Dòng họ Vũ xã Thụy Vân cũng là dòng họ học tập tiêu biểu duy nhất được tham dự và báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc năm 2020, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen. Bước qua tuổi thất thập, sức khỏe không còn dẻo dai như trước nhưng ông bà Hiển - Ngữ vẫn hàng ngày cần mẫn, tận tụy với công tác khuyến học, khuyến tài, trở thành tấm gương sáng, lan tỏa tình yêu, nhiệt huyết cho các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng...

Gắn bó với công tác khuyến học từ năm 2008, càng làm càng thấy đam mê, duyên nợ càng thêm sâu nặng nên năm 2020, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy, anh Lê Ngọc Lưu (sinh năm 1983) xung phong tiếp tục giữ cương vị Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Minh Tiến (huyện Đoan Hùng).

Cùng anh đến thăm trường học, từng gia đình có hoàn cảnh éo le, từng cháu nhỏ nỗ lực vượt khó học giỏi..., nghe anh giới thiệu rành rẽ từng công trình phục vụ giáo dục được xã hội hóa, từng quỹ học bổng, phần thưởng được trao; chứng kiến niềm tin tưởng, nể phục của cán bộ, đảng viên, Nhân dân với người lãnh đạo cao nhất của xã mới phần nào thấu hiểu, cảm nhận được công sức, nhiệt huyết anh dành cho công tác khuyến học, khuyến tài đã và đang phát huy tác dụng tích cực nơi quê nghèo Minh Tiến.

Anh Lê Ngọc Lưu chia sẻ: “Người làm công tác khuyến học quan trọng nhất là cái tâm với sự học. Có thực sự tâm huyết, gương mẫu mới có thể vận động, thuyết phục mọi người nghe, làm theo. Bất kể phong trào, hoạt động nào, cán bộ khuyến học cũng phải là người tiên phong, gương mẫu thực hiện. Ở Minh Tiến, Trưởng ban khuyến học ở các khu dân cư đều do Bí thư chi bộ kiêm nhiệm. Tôi quan niệm, thước đo chính xác nhất hiệu quả của công tác khuyến học là sự thay đổi nhận thức, tinh thần đồng thuận của người dân. Trên địa bàn xã, phong trào học tập suốt đời đã và đang lan tỏa sâu rộng từ người cao tuổi, cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên đến các cháu học sinh. Chỉ trong một thập niên trở lại đây, tỷ lệ lao động được đào tạo và truyền nghề của xã đã tăng từ 15% lên hơn 60%. Cả hệ thống chính trị và người dân đã quan tâm đến việc học bằng các hành động cụ thể, thiết thực trong việc tạo dựng môi trường học tập tốt nhất cho cả trẻ em và người lớn. Quỹ khuyến học được thành lập từ các dòng họ, khu dân cư, xã. Ngoài ra, chúng tôi còn thành lập được Quỹ “Tiếp bước cùng em đến trường” huy động sự ủng hộ của đông đảo những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài xã giúp đỡ những học sinh vượt khó học giỏi, đạt thành tích xuất sắc. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xin tài trợ, trao quà tặng cho 30 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Trang web “Minh Tiến nơi tôi sinh ra” hiện có hơn 1.000 thành viên do tôi làm quản trị viên đã quy tụ, lan tỏa được rất nhiều tấm lòng vàng nhiệt tâm ủng hộ công tác khuyến học, khuyến tài của con em quê hương Minh Tiến đang học tập, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc...”.

Kết luận 49 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X xác định: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm nòng cốt trong công tác khuyến học”, “Cán bộ, đảng viên phải trở thành công dân học tập”, “Mỗi chi bộ, mỗi cơ quan, đơn vị phải trở thành một đơn vị học tập”... Quán triệt tinh thần ấy, những năm qua công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đã được Hội Khuyến học tỉnh đặc biệt chú trọng.
Toàn tỉnh hiện có 20 tổ chức Hội Khuyến học cấp trên cơ sở; 577 tổ chức hội cấp cơ sở, trong đó có 225 Hội Khuyến học cấp xã; 5.695 tổ chức hội cấp dưới cơ sở, trong đó có 2.412 chi hội khu dân cư với tổng số 530.100 hội viên, trong đó có 508.797 hội viên từ 18 tuổi trở lên với 93.799 đảng viên. Tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 50% dân số từ 18 tuổi trở lên, là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ tập hợp hội viên dẫn đầu cả nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khẳng định: Nhân tố quan trọng nhất quyết định mọi thành công trong hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh chính là đội ngũ cán bộ khuyến học từ tỉnh đến cơ sở. Tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, tận tâm, tiên phong gương mẫu cộng hưởng cùng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm công tác của các cán bộ khuyến học là nguồn lực vô tận đã và đang phát huy hiệu quả tích cực để phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Phú Thọ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Kỳ II: Vị thế dẫn đầu
Nhóm PV Chuyên đề
Dẫn nguồn: 
Lửa khuyến học sáng vùng Đất Tổ

 

Các tin khác
Thông báo mới
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com