Chủ nhật | 24/11/2024

Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam có điểm mới là quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ VHTTDL mà còn của các bộ, ngành liên quan, đồng thời xác định trách nhiệm của các địa phương. Đây là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Chỉ thị 30/CT-TTg) diễn ra tại TP. Đà Nẵng trong ngày 21/11 nhằm quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; đồng thời bàn thêm về cách phát triển CNVH.

Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tham dự và chủ trì hội nghị.

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Nâng cao nhận thức và thay đổi cách làm văn hóa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh: Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư cho thấy Việt Nam đang có những cơ hội mới, kỷ nguyên vươn mình để trở nên giàu có và thịnh vượng.

Trong lĩnh vực VHTTDL, CNVH được xem là một trung tâm rất lớn mà Đảng, Nhà nước sẽ đưa vào văn kiện, dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng. Văn hóa được đặt ở vị trí trung tâm, một trong những vấn đề hàng đầu của đất nước.

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua 3 thể chế rất quan trọng. Một là Quốc hội đang bàn và sẽ biểu quyết thông qua sẽ đầu tư một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; hai là sửa đổi Luật Quảng cáo và sửa đổi Luật Di sản.

Riêng về CNVH, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành một chỉ thị trên cơ sở đánh giá về sự phát triển CNVH Việt Nam giai đoạn 2016-2024 này. Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL cùng các bộ, ngành liên quan làm đầu mối trình Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam.

Thủ tướng đã giao cho Bộ VHTTDL làm đầu mối cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đặt mục tiêu phải hoàn thành trong quý IV/2024.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nêu rõ: Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có điểm mới là quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ VHTTDL mà còn của các bộ, ngành liên quan; quy định trách nhiệm của các địa phương, nhất là các địa phương được xác định là trọng điểm trong việc phát triển CNVH.

"Đây là một bước để nâng cao nhận thức về ngành CNVH và thay đổi cách làm văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH. Trước đây, ngành VHTTDL chủ yếu là "làm văn hóa", nay chuyển từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa". "Làm văn hóa" thì có xã hội, hiệp hội, địa phương, tổ chức, cá nhân cùng làm. Còn "quản lý nhà nước về văn hóa" thì phải hoạch định chính sách, kiến tạo", Thứ trưởng Hồ An Phong nói.

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Cũng theo Thứ trưởng Hồ An Phong, ngành CNVH có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH.

Chẳng hạn, ở Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò và Văn miếu Quốc Tử Giám mở cửa với chất lượng dịch vụ tốt đã tạo doanh thu mạnh mẽ, thu vượt mức HĐND đề ra. Đó là sản phẩm CNVH rất độc đáo.

Ngành điện ảnh, hay lĩnh vực thiết kế, phần mềm sáng tạo, ẩm thực… của Việt Nam ngày càng có nhiều thế mạnh và khởi sắc. Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, các ngành CNVH Việt Nam đã đóng góp khoảng 4,04% tổng GDP của cả nước.

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa - Ảnh 4.

Tại Đà Nẵng, lễ hội pháo hoa Quốc tế nhiều năm qua tổ chức thành công, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: Kim Liên

Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, từ năm 2015 đến nay, địa phương này đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành CNVH được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hóa.

Đà Nẵng xác định phát triển CNVH đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực văn hóa chưa thật sự phát triển tương xứng với vị thế và tiềm năng của Đà Nẵng; công tác xã hội hóa văn hóa còn hạn chế. Các ngành CNVH tại Đà Nẵng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Hiện Đà Nẵng giao Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển các ngành CNVH TP. Đà Nẵng đến năm 2030.

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho hay, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, TPHCM đã chọn 8 lĩnh vực để ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 (gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang).

Tháng 10/2024, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành CNVH Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ các nguồn lực, phát huy sự sáng tạo, mở rộng thị trường phát triển trong nước và quốc tế.

Đề án nhằm phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TPHCM có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Phấn đấu xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á; gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu, dù phát triển CNVH còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng sản phẩm từ các ngành CNVH cũng đã ít nhiều tạo hiệu ứng du lịch.

"Rõ ràng, phát triển CNVH là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành CNVH mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững", ông Hà Văn Siêu nói.



Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Ðể phát huy vai trò của ngành CNVH trong mối liên kết với du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đề xuất, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành CNVH, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.

Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách rất lớn, nhưng nếu cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một sản phẩm thì sẽ không thể tạo ra sức hấp dẫn. Vì thế, cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi đang khá quan tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia...

Cũng theo ông Hà Văn Siêu, để triển khai thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 30/CT-TTg về phát triển các ngành CNVH, ngành du lịch cần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia, nhấn mạnh bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng và địa phương để tạo nên một hình ảnh độc đáo, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quảng bá, tiếp thị, giúp du khách tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin và trải nghiệm văn hóa Việt Nam từ xa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch với kiến thức văn hóa sâu rộng và kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp là yếu tố then chốt để cải thiện dịch vụ du lịch văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cân bằng giữa khai thác du lịch và bảo vệ di sản, sẽ góp phần duy trì tính bền vững cho ngành. Phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm di sản và văn hóa cũng cần được đầu tư để tạo điều kiện thuận tiện cho du khách. Việc phối hợp với các ngành như điện ảnh, nhiếp ảnh và quảng cáo trong quảng bá văn hóa, cùng với liên kết phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, sẽ mở rộng mạng lưới và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa Việt Nam.

Khuyến khích đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa, góp phần quảng bá sâu rộng giá trị văn hóa của đất nước.
Đức Hoàng
Dẫn nguồn: 
Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Các tin khác
 
Thời tiết

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com