Tuyên truyền trực tuyến pháp luật về bầu cử với các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh của Sở Tư pháp
PTĐT - Bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 23/5. Đến nay, việc triển khai các bước của Ủy ban bầu cử các cấp luôn tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm đó là chế tài để xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử được qui định như thế nào?
Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý Hà Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, Sở Tư pháp cho biết: Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Hà Thị Lan Hương, trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định cụ thể 2 tội liên quan đến bầu cử. Cụ thể là Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160); Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân của Bộ luật Hình sự (Điều 161). Tùy theo mức độ vi phạm khác nhau mà áp dụng các biện pháp xử lý từ phạt cảnh cáo đến phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Điều 160: Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân:
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 161: Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân
1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ngoài các quy định của pháp luật, nếu người vi phạm là đảng viên thì tùy theo nội dung, hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 8, Quy định 181- QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên và Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW, ngày 6-6-2013 của UBKT Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy định số 181- QĐ/TW.
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm các quy định về bầu cử, theo Quy định số 181- QĐ/TW, đảng viên vi phạm vào các nội dung quy định tại Điều 8, Quy định 181 – QĐ/TW như: Được phân công nhiệm vụ trong tổ chức, thực hiện bầu cử nhưng thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thẩm định, xem xét hồ sơ xin ứng cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử; thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình, thủ tục về bầu cử dẫn đến sai sót trong quá trình bầu cử... thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trác; hoặc có hành vi: Tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng các thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử... thì bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ…