Thứ 2 | 01/01/2024

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng khi được xem là “bản lề” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Vượt qua những khó khăn thách thức do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, toàn Ngành VHTTDL đã đoàn kết, đồng lòng để đạt được những kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong các tầng lớp xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước và được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành VHTTDL đã gặt hái được những kết quả đáng được ghi nhận trong năm 2023 với các sản phẩm cụ thể - Ảnh 1.

Nhân dịp năm mới 2024, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng để cùng nhìn lại những thành tựu của năm 2023 và tìm giải pháp phù hợp trong nhiệm vụ năm 2024.

- Thưa Bộ trưởng, thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, trong năm 2023, ngành VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động nổi bật đạt kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Bộ trưởng có thể đánh giá tổng quát về công tác VHTTDL trong năm 2023?

Nhìn lại năm 2023, ngành VHTTDL đã tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự đồng hành của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là những hiệu ứng tích cực từ nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chấn hưng phát triển văn hóa theo kết luận của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Bằng việc đưa chủ thể sáng tạo là nhân dân, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, từ đó toàn ngành VHTTDL đã gặt hái được những kết quả đáng được ghi nhận. Không chỉ nằm trong nhận định chung mà các con số, các sản phẩm cụ thể cho từng lĩnh vực cũng là dịp để nhân dân giám sát, chia sẻ, chứng minh cho nhận định đó.

Rõ nhất, chúng ta có thể thấy đó là ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội hoàn thiện thể chế chính sách xem đó là một khâu đột phá trong 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Và nhìn từ góc độ này cho thấy, từ những Luật do Quốc hội ban hành, Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ theo thẩm quyền đã góp phần vào công tác quản lý nhà nước, công tác kiến tạo sự phát triển.

Có thể thấy, chúng ta đã từng bước hình thành khuôn khổ hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ hơn để huy động nguồn lực một cách hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Điểm nhấn cụ thể đó là Chương trình mục tiêu chấn hưng phát triển Văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025–2035.

Điểm sáng thứ 2 đó là chúng ta tổ chức thành công rất nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa diễn ra một cách sôi nổi từ cấp trung ương đến địa phương, đến cấp khu vực. Văn hóa đã có hiệu ứng, lan tỏa, kết nối tình đoàn kết, đạt được nhu cầu thưởng thức, văn hóa nghệ thuật của nhân dân, lan tỏa được những giá trị tốt đẹp của lĩnh vực để đưa con người thực hiện được nhiệm vụ, xây dựng được hình ảnh những phẩm chất tốt đẹp của hệ giá trị văn hóa, gia đình và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng.

Cách tiếp cận sự kiện này đạt được hiệu ứng "4 trong 1", như với sự kiện văn hóa, để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Hay nói cách khác là thông qua giao lưu về văn hóa, chúng ta cũng làm cho bạn bè thế giới hiểu hơn về Việt Nam, quý trọng, tôn trọng hơn Việt Nam để cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Nhìn ở góc độ khác, ở phạm vi quốc gia thì các sự kiện đó hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước. Chúng ta cũng nhìn thấy những di sản phi vật thể của Việt Nam được tiếp tục tỏa sáng, không chỉ là niềm tự hào khi được UNESCO công nhận mà biến nó trở thành đời sống văn hóa hữu hiệu, sự đam mê cách tự hào để truyền đạt và cũng thông qua các sự kiện này chúng ta lại thu hút được đông đảo du khách gần xa trong và ngoài nước đến với Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành VHTTDL đã gặt hái được những kết quả đáng được ghi nhận trong năm 2023 với các sản phẩm cụ thể - Ảnh 1.

Điểm sáng thứ ba là sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, góc độ quản lý nhà nước về du lịch nước ta cũng gặp khó khăn chung trong bức tranh chung không mấy sáng màu của du lịch thế giới.

Nhưng năm 2023, được sự quan tâm của Quốc hội, chúng ta đã tháo gỡ được những điểm nghẽn về Visa bằng việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chúng ta cũng đã tập trung, tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về phát triển du lịch bền vững. Từ kết luận của Thủ tướng và sự vào cuộc của các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch, chúng ta đã tập trung xây dựng được sản phẩm riêng biệt, phát huy lợi thế từng vùng miền. Nhất là cụ thể hóa 6 Nghị quyết chuyên đề về quy hoạch vùng của Bộ Chính trị.

Từ đó, du lịch đã lấy lại vị thế tăng trưởng, đây cũng là năm đầu mà chúng ta cán đích, vượt mốc chỉ tiêu. Trong đó, du lịch quốc tế của chúng ta đã có bước tiến triển rất đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12, Việt Nam đã đón hơn 12 triệu lượt du khách quốc tế. So với chỉ tiêu xây dựng ngay từ đầu năm chúng ta xây dựng 8 triệu lượt, thì con số này cũng đã minh chứng cho sự phát triển của ngành.

Điểm sáng thứ tư đó là về lĩnh vực thể thao. Chúng ta đã dựa trên trụ cột là thể thao quần chúng, thể thao cho mọi người để bồi đắp sức khỏe, thể chất con người Việt Nam. Thông qua đó, phát hiện được những nhân tố mới, những năng khiếu thể thao đưa vào tập luyện và đào tạo để có lực lượng VĐV kế cận, tham gia đội tuyển quốc gia tranh tài tại các đấu trường quốc tế trong khu vực để từng bước khẳng định trình độ tại đấu trường châu lục và thế giới.

Tất nhiên, với thể thao thành tích cao ở đấu trường thế giới, tỷ lệ đạt HCV của thể thao Việt Nam đang ở mức khiêm tốn. Nhưng rõ ràng về thực lực, chúng ta đã có sự cố gắng và cũng đã hoàn thành chỉ tiêu khi nhận nhiệm vụ trước Đảng và Nhà nước.

Khi mỗi lần Đoàn Thể thao Việt Nam xuất quân tham dự đấu trường thể thao quốc tế lớn, lá cờ của tổ quốc, quốc ca của Việt Nam được bay lên, vang lên trong đấu trường quốc tế, đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân VĐV mà còn là sự hiện diện của quốc gia, bản đồ Việt Nam lại được khắc thêm, ghi đậm vào bản đồ của thể thao quốc tế. Đó là niềm tự hào mà chúng ta không thể phủ nhận.

Một chuyển động có chiều sâu đó là chúng ta đã tập trung, xác định môi trường văn hóa, coi đó là gốc để hình thành phát triển văn hóa một cách bền vững nhất. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố con người và phối hợp với các binh chủng hợp thành, từ giáo dục đào tạo đến lao động thương binh xã hội, đến vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, đến các liên đoàn, hiệp hội và theo chức năng nhiệm vụ Bộ VHTTDL là cơ quan định hướng, còn tổ chức thực hiện thì tùy theo chức năng nhiệm vụ và đến nay chúng ta đã có những điểm sáng.

Như văn hóa doanh nghiệp doanh nhân, những doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hóa đó là cách để chúng ta có những doanh nghiệp bền vững, để đi ra với bạn bè quốc tế, vươn ra biển lớn trong một tâm thế định vị văn hóa Việt Nam. Chúng ta cũng có những đội ngũ doanh nhân đạt chuẩn về văn hóa, không những người tài giỏi về mặt kinh doanh mà mang trong họ tâm hồn của họ là một trái tim cống hiến của sự chia sẻ vì cộng đồng. Xét cho cùng đó là chiều sâu về văn hóa tác động.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động và triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí để lan tỏa cho những thông điệp đẹp đẽ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu nhưng rõ ràng cách chọn vấn đề, cách tiếp cận vấn đề thể hiện chúng ta đã đi đúng hướng.

Bộ đã tập trung hướng đến môi trường văn hóa ở địa bàn dân cư để hình thành cho được giá trị chân thiện mỹ trong từng gia đình, khối phố… Từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa để kết nối lại, tổng hợp lại, chúng ta nhìn nó trong một dòng chảy phát triển không ngừng. Dù nhìn theo lát cắt ngang hay cắt dọc, nhưng từ những dẫn chứng nêu trên đã cho thấy văn hóa năm 2023 đã đạt được nhiều dấu ấn và có những kết quả tích cực.

- Thông qua những chia sẻ của Bộ trưởng, có thể khẳng định rằng ngành VHTTDL đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ đang quản lý, trong đó văn hóa đóng vai trò trụ cột. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng còn những trăn trở gì khi thực hiện nhiệm vụ của năm qua?

Bên cạnh với những thành công bước đầu, trước thềm năm mới, chúng ta cũng không được chủ quan, cũng không được thỏa mãn và cũng phải nghiêm túc để nhìn lại để thấy vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước.

Nhiều vấn đề mà xã hội vẫn đang còn bức xúc khi ở chỗ này, chỗ khác còn những mặt lệch chuẩn về vấn đề văn hóa, ngay cả những vấn đề tiếp biến văn hóa. Chúng ta cũng lo ngại cho sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai, những cái phản văn hóa, những vấn đề nhức nhối trong xã hội khi đạo đức xuống cấp. Tất nhiên, đó không phải là trách nhiệm của mỗi Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành VHTTDL đã gặt hái được những kết quả đáng được ghi nhận trong năm 2023 với các sản phẩm cụ thể - Ảnh 2.

Bởi, khi nhiệm vụ chấn hưng phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân với tư cách là chủ thể, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quản lý nhà nước thì lúc đấy, văn hóa của chúng ta mới thực sự chuyển mình một cách căn cơ, một cách bài bản và được xây dựng trên một nền tảng vững chắc.

Nói như vậy chúng ta thấy được những hạn chế nhưng đồng thời cũng thấy được trách nhiệm, và trong năm 2024 chúng ta phải cố gắng khu trú nó lại đâu là trách nhiệm của Bộ, đâu là trách nhiệm của các sở VHTTDL và đâu là nhiệm vụ mà chúng ta phải vận động để nhân dân cùng đồng hành, xây dựng.

Lúc đó, lĩnh vực Văn hóa của chúng ta sẽ phát triển đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Bước vào năm 2024, năm được dự đoán nền kinh tế - xã hội vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thứchoạt động của các Bộ, ngành theo đó cũng bị ảnh hưởng. Là "Tư lệnh" ngành VHTTDL, Bộ trưởng có thể chia sẻ đôi nét về những kế hoạch, nhiệm vụ cho bước tiến mới để ngành VHTTDL tạo được những thành công và điểm nhấn mới trong năm 2024?

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024, chúng ta cũng phải căn cứ vào kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội của Chính phủ, vì các nhiệm vụ này cũng đã được lượng hóa, được Bộ VHTTDL tham mưu và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhìn ở chiều rộng, tôi nghĩ rằng như nhiều lần chỉ đạo các ngành, các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đều luôn luôn nhấn mạnh là, trong bối cảnh khó khăn thì càng phải đoàn kết, đoàn kết để tạo ra sức mạnh. Thực chất đây là sự cụ thể hóa quan điểm của Bác Hồ và vì vậy, nếu nhìn ở gốc độ văn hóa thì đoàn kết là phẩm chất là nét đẹp của dân tộc Việt Nam, nét đẹp về văn hóa của Việt Nam mà chúng ta phải có trách nhiệm vun đắp.

Từ sức mạnh của đại đoàn kết này, tôi nghĩ là năm 2024, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai trên diện rộng nhưng đồng thời phải có chiều sâu, trọng tâm trọng điểm. Bởi vì, nguồn lực cũng không cho phép cùng lúc chúng ta làm được tất cả mọi nhiệm vụ. Chúng ta phải bám sát những lời dặn dò từ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thông qua bức thư gửi đến Hội nghị biểu dương điển hình văn hóa của ngành được tổ chức năm 2023.

Tổng Bí thư căn dặn cán bộ toàn ngành không được nản chí, nhụt lòng mà phải tích cực, quyết tâm khi dẫn lại lời căn dặn của Bác Hồ "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông".

Từ tinh thần này, chúng ta phải xây dựng văn hóa với cách nhìn, cách làm sáng tạo, đột phá nhưng cũng dựa trên nền tảng đã xác định. Sản phẩm của văn hóa không phải ngày một ngày hai mà nó cần có độ dài thời gian mới phát hiện ra được, vì vậy, không được chủ quan, nóng vội mà phải kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm và phải biết chọn ra những việc trọng tâm, trọng điểm để làm.

Quan trọng nhất đối với ngành VHTTDL đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý. Khi chúng ta hoàn thiện được thì chúng ta sẽ có được một hành lang pháp lý vững vàng để mọi người yên tâm thực hiện nhiệm vụ, không phải băn khoăn, sợ sai. Từ đó để làm và thực hiện bằng được Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa mà toàn ngành đã tham mưu Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

Nhiệm vụ nặng nề đó phải được cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình cụ thể với những mục tiêu có mục ngắn, trung và dài hạn về văn hóa. Như vấn đề về xây dựng con người, đội ngũ văn nghệ sĩ, bảo tồn phát huy giá trị của các dân tộc, hay đảm bảo các thiết chế văn hóa về đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân....

Như vậy chúng ta lần lượt từng bước giải quyết các bài toán có tính chất căn cơ và thông qua thể chế, không chỉ là bó hẹp mà tạo ra được hành lang pháp lý để tạo ra được nguồn lực xã hội. Những gì Nhà nước làm tốt và không thể có lực lượng thay thế thì Nhà nước phải đảm trách, những gì xã hội làm được thì nên giao quyền cho xã hội làm, trong đó có những công việc có những thị trường mới, rất gợi mở để chúng ta trao quyền cơ chế như là công nghiệp văn hóa.

Thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong công nghiệp văn hóa là nhờ vào đội ngũ sáng tạo và khoa học công nghệ, cùng với đó là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt am hiểu về văn hóa để làm. Đây cũng là nội dung về thể chế, chính sách mà Bộ tập trung làm trong thời gian tới theo cách trọng tâm trọng điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành VHTTDL đã gặt hái được những kết quả đáng được ghi nhận trong năm 2023 với các sản phẩm cụ thể - Ảnh 3.

Nhiệm vụ thứ 2, là Bộ quản lý đa ngành văn hóa, thể thao và du lịch cho nên năm 2024 năm có rất nhiều sự kiện chính trị của đất nước như: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và nhiều sự kiện khác ở nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Vì vậy ngành phải đảm bảo được hiệu ứng tổ chức kỷ niệm các sự kiện này mang lại nhiều ý nghĩa, trang trọng thành công trên nhiều phương diện.

Chúng ta cũng tập trung giải quyết bằng được những vấn đề có tính căn cơ của nguồn lực trong đó có việc hoàn thiện đội ngũ làm văn hóa, thực hành văn hóa để xứng tầm thực hiện các nhiệm vụ.

Chúng ta cũng thực hiện bằng được nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa một cách bền vững. Với các tiếp cận này, chúng ta sẽ lượng hóa nó bằng từng tháng, từng quý của ngành, hiệu ứng và kết quả mang lại chúng ta sẽ nhìn thấy được bằng những sản phẩm về văn hóa cụ thể.

Với góc nhìn cá nhânBộ trưởng có những kỳ vọng gì về thành tích mà ngành đã đra trong năm 2024?

Tôi nghĩ rằng, mùa Xuân bao giờ cũng gắn với ước mơ và hy vọng, mỗi con người đều có những hoài bão, đặt cho mình mục tiêu cần phải đạt được và ngành VHTTDL cũng không ngoại lệ.

Vì vậy, trong năm tới toàn ngành mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng và Nhà nước. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để từ đó thấy được phân vai, trách nhiệm của ngành, ủng hộ ngành để ngành vững bước thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Điều này ngành đã nhận được từ nhiều năm qua, nhưng mong muốn nhận được ở cấp độ cao hơn nữa, trong đó có cả sự chia sẻ để động viên, khuyến khích khi nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn, thách thức. Qua đó cũng góp phần tránh những việc đổ lỗi, né tránh trách nhiệm để làm tốt hơn.

Nói gọn lại, chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ, cảm thông, tiếp sức để vượt qua những khó khăn, thách thức, có thêm động lực thực hiện các nhiệm vụ cao cả được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nội dung:
Thế Công
Thiết kế:
Xuân Trường
Các tin khác

thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com